Loạn "mùa thu", nhiều phụ huynh ức chế nhưng không dám nói

Trần Lê

(Dân trí) - Mùa thu ở đây không phải là một trong bốn mùa của năm mà là cách ví von của nhiều phụ huynh về tình trạng lạm thu thường "nóng lên" mỗi dịp đầu năm học mới.

"Đến hẹn lại lên"

Năm học 2024-2025 mới bắt đầu gần một tháng nhưng ở nhiều địa phương, dư luận đã "nóng" với tình trạng lạm thu. 

Mới đây, câu chuyện một cô giáo tại Trường Tiểu học Chương Dương (quận 1, TPHCM) xin tiền phụ huynh để mua máy tính cá nhân (laptop) khiến dư luận "dậy sóng". Theo như lời giải thích của nữ giáo viên, vì máy tính bị mất nên cô giáo này nghĩ đến việc xin tiền phụ huynh và gọi đây là xã hội hóa giáo dục.

Loạn mùa thu, nhiều phụ huynh ức chế nhưng không dám nói - 1

Cô Trương Phương Hạnh xin tiền phụ huynh mua laptop vì nghĩ đến xã hội hóa giáo dục (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Việc đúng - sai trong cách làm của nữ giáo viên này cơ quan chức năng đang làm rõ. Tuy nhiên, điều có thể nhận thấy là hành động này đã gây ảnh hưởng đến hình ảnh của các thầy, cô giáo, uy tín của ngành giáo dục.

Những ngày qua, phụ huynh Trường Tiểu học Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng phản ánh về danh sách với 17 khoản thu của nhà trường. Bên cạnh những khoản thu bắt buộc đối với học sinh, không ít những khoản thu mà phụ huynh cho rằng không đúng quy định.

Trên đây chỉ là hai trong số không ít trường hợp gây bức xúc dư luận liên quan đến vấn đề lạm thu thời gian qua. Điều đáng nói, sau những vụ lùm xùm lạm thu, các ngành chức năng cũng đã vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh.

Thậm chí, trước thềm năm học, nhiều địa phương đã có chỉ đạo, nghiêm cấm tình trạng này. Tuy nhiên, xem ra mọi việc vẫn tái diễn, trở thành nỗi ám ảnh với các phụ huynh.

Với nhiều phụ huynh, việc đóng góp các khoản đầu năm học cho con theo huy động của nhà trường không phải là việc khó. Tuy nhiên, không ít phụ huynh, đặc biệt là các gia đình công nhân hay những gia đình ở vùng nông thôn…, đây quả là một gánh nặng không hề nhẹ.

"Vợ chồng tôi làm công nhân, đồng lương còn thấp, trong khi bao nhiêu khoản phải chi hàng ngày. Gia đình có 2 con đang tuổi ăn học, đầu năm phải sắm sửa quần áo, sách vợ, giày dép, đồ dùng học tập đã ngốn không ít tiền. Trường con tôi học chưa họp phụ huynh nhưng giờ nếu thêm các khoản đóng góp đầu năm nữa, vợ chồng tôi cũng đang rất lo", anh N.Đ.N., huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, chia sẻ.

Khe hở

Tính minh bạch trong việc thu chi các khoản đầu năm tại các trường học cũng là vấn đề được phụ huynh quan tâm.

Loạn mùa thu, nhiều phụ huynh ức chế nhưng không dám nói - 2

Danh sách các khoản dự kiến thu đầu năm học tại Trường Tiểu học Hải Thượng (Ảnh: Phụ huynh cung cấp).

Anh N.Q.D. (thành phố Thanh Hóa), một phụ huynh có 2 người con theo học tại thành phố Thanh Hóa, chia sẻ: "Việc nhà trường kêu gọi xã hội hóa để cải tạo cơ sở vật chất, trường, lớp, thiết bị dạy học… theo tôi là bình thường. Điều này cũng đã có quy định rõ của ngành giáo dục và chính quyền các địa phương.

Tuy nhiên, việc các nhà trường áp dụng trong thực tế mỗi nơi mỗi khác, "núp bóng" xã hội hóa, biến tướng bằng nhiều hình thức khác nhau mới là điều đáng lên án.

Theo anh D., chính nguyên tắc "tự nguyện" không bắt buộc, thông qua hội phụ huynh là khe hở để nạn lạm thu tiếp tục bùng phát. Anh D. cho rằng, nói là tự nguyện nhưng nếu phụ huynh không đóng, họ sẽ lo lắng vì con mình không hoàn thành nhiệm vụ, có nguy cơ không được quan tâm dạy dỗ đầy đủ, thậm chí bị chèn ép.

"Chỉ cần trong một lớp, đa số phụ huynh đồng ý với những khoản thu mà nhà trường đưa ra thì những phụ huynh còn lại rất khó từ chối. Ở đây còn là vấn đề nể nang, ngại va chạm khi phụ huynh nêu lên những bất cập về thu chi trong trường học.

Theo tôi, vấn đề không phải đóng bao nhiêu tiền mà là phải thực sự tự nguyện. Điều này không chỉ đòi hỏi từ cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường mà đòi hỏi từ chính phụ huynh. Trong mỗi lớp, điều kiện kinh tế của phụ huynh khác nhau nên không thể cào bằng theo chỉ tiêu. Như thế sẽ rất vất vả cho những gia đình khó khăn", anh D. nêu quan điểm.

Đối với những khoản thu trái quy định, theo anh D. cần phải xử lý nghiêm, tránh trường hợp lợi dụng khó khăn để đề ra những khoản thu vô lý, gây áp lực, khó khăn cho phụ huynh. Phải chăng, nhà trường xem kinh phí thu được từ xã hội hóa là một thành tích để so sánh, thi đua với các trường khác?…

"Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, tôi thấy bàn bạc về việc dạy và học thì ít, nhưng bàn đến các khoản đóng góp đầu năm rất nhiều. Nhà trường cứ nói phụ huynh thống nhất cao nhưng có muốn không thống nhất cũng khó, vì con mình còn học ở trường nên phải bấm bụng thôi.

Đó là chưa kể, nhiều khoản thu nhà trường đưa ra không rõ ràng, chồng chéo nhau, chúng tôi cũng không hiểu nhà trường thu nhiều vậy để làm gì", anh N.Đ.N, chia sẻ thêm.

"Trăm dâu đổ đầu phụ huynh"

Theo chị N.T.H. (phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa), mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định về các khoản thu trong nhà trường, thế nhưng, việc lạm thu như căn bệnh mãn tính.

Phụ huynh này bức xúc vì có nhiều khoản đóng góp đều đổ đầu phụ huynh, "núp bóng" danh nghĩa các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp, nhà trường là nơi tiếp nhận tài trợ.

Chị H. cho biết, chị có hai con đang theo học, đứa lớn học Tiểu học, đứa nhỏ học Mầm non trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Cả hai trường nơi con chị H. theo học đều kêu gọi xã hội hóa thông qua hội phụ huynh và dựa trên nguyên tắc tự nguyện.

"Cứ nói là tự nguyện nhưng hội phụ huynh đưa ra một mức nhất định và tất cả các phụ huynh hiểu rằng, không ai được đóng dưới khung đã đề ra. Ví dụ trường con gái tôi, năm nay kêu gọi xã hội hóa lên đến gần 650 triệu đồng, chia cho gần 1.500 học sinh, mỗi phụ huynh phải đóng mức thấp nhất là 450.000 đồng", chị H. nói.

Theo thông báo của nhà trường, gần 650 triệu đồng được dùng để làm hệ thống 28 bảng trượt; dù che mưa, che nắng sân trường; mua đồ dùng trang thiết bị trang trí 4 phòng chức năng: âm nhạc, mĩ thuật, tiếng Anh, khoa học; mua bàn, ghế; sửa chữa mặt bàn, ghế cũ…

Ngoài khoản xã hội hóa, theo chị H., hội phụ huynh cũng phải xây dựng tiền quỹ lớp. Lớp nhà trẻ của con trai chị tạm thu 500.000 đồng tiền quỹ/học sinh. Lớp có 34 học sinh, tiền quỹ lớp là 17 triệu đồng.

"Cô giáo nói số tiền này được trích khoảng 100.000 đồng đóng về nhà trường để tổ chức Trung thu, Tết Nguyên đán. Số tiền còn lại để mua đồ trang trí lớp học, thăm hỏi các cháu trong lớp không may ốm đau và tổ chức sinh nhật cho học sinh. Hết năm lớp sẽ tổng kết quỹ và thiếu thì sẽ đóng tiếp", chị H. cho biết.

Theo chị H., chỉ tính riêng tiền quỹ lớp và xã hội hóa, gia đình chị phải đóng gần 2 triệu đồng cho hai đứa con. "Số tiền ấy tạo thêm áp lực, gánh nặng cho gia đình học sinh, nhất là gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn", chị H. nói.

Chị H. cho biết, công khai minh bạch, chấm dứt lạm thu là mong muốn của phụ huynh nhưng không phải ai cũng dám nói ra. Chống lạm thu là một việc khó nhưng không thể không thực hiện.

"Ngành giáo dục cần có cơ chế giám sát các khoản thu - chi tại các trường. Cơ quan quản lý giáo dục thành lập đường dây nóng, hộp thư để phụ huynh phản ánh về các khoản thu - chi.

Các tổ chức xã hội khác, như: Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể cũng cần vào cuộc, tập hợp các ý kiến, tổ chức các buổi làm việc nhằm làm rõ những nội dung liên quan phản ánh của phụ huynh, từ đó có các hình thức xử lý theo đúng quy định", chị H. nêu quan điểm.