Loại trừ tiêu cực trong giảng đường

"Phải chạy chọt, phải nịnh bợ" để nhận được xét duyệt theo cảm tính của cán bộ lớp quả là một việc làm tiêu cực đáng báo động cần phải được loại trừ trong giáo dục.

SV ai cũng cố gắng phấn đấu không mệt mỏi trong học tập để mong được nhận học bổng. Tuy nhiên, việc xét cấp học bổng như hiện nay có lắm vấn đề, nảy sinh nhiều bất công, tiêu cực làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của nhiều SV.

 

An - sinh viên (SV) năm thứ 2 của một trường ĐH ở TPHCM kể: do nhà quá nghèo nên từ năm đầu vào ĐH, bạn đã phải vừa học vừa làm thêm "lấy ngắn nuôi dài". "Việc làm thêm chỉ là phụ, mình chưa bao giờ  xao lãng trong học hành", An tâm sự.

 

Điểm trung bình học tập của An trong 2 năm đầu khá cao (7,5). Nhưng thật oái oăm, An không được nhận học bổng, vì theo cán bộ lớp điểm rèn luyện của An thấp! An cho biết có rất nhiều bạn bè cùng hoàn cảnh như An lâm vào tình trạng này.

 

An tâm sự: "Ngay từ năm thứ nhất, mình đã phác thảo ra một chương trình dài hơi cho 4 năm học đại học: Hai năm đầu tập trung học, phấn đấu đạt loại giỏi để được nhận học bổng. Năm thứ 3 là phải tham gia các hoạt động phong trào tình nguyện, để giúp đỡ và hiểu hơn về đời sống của người dân nông thôn. Năm thứ 4 phải cố gắng vào chương trình thực tập để học hỏi nắm vững kiến thức cơ bản trước khi xin làm việc". Một SV như An mà điểm rèn luyện thấp là quá vô lý ! Cho nên, việc đánh giá rèn luyện của một SV là cần phải căn cứ vào nhiều mặt trong quá trình học ĐH.

 

"Ai có đi học mới biết việc chấm điểm rèn luyện còn lắm tiêu cực: không công khai, không công bằng, không thực tế, không khách quan...". Đó là câu trả lời của nhiều SV mà chúng tôi tiếp xúc. An cho biết, trong lớp của An có nhiều bạn học tập chỉ đạt điểm trung bình khá nhưng do thân quen với cán bộ lớp nên họ "chạy" để đạt học bổng! Xét duyệt học bổng của SV, đa số các khoa đều làm việc máy móc, cứ căn cứ vào báo cáo của lớp mà ký xác nhận.

 

Quy trình chấm điểm rèn luyện của SV hiện nay đã manh nha những tiêu cực không lành mạnh tạo ra nhiều bức xúc. Nhận xét mang tính chất quyết định của cán bộ lớp không những gây ra những tổn hại trong kết quả học tập mà còn làm ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm, cách nghĩ không tốt trong lối sống của một thế hệ trẻ.

 

 

Theo Võ Ba

Thanh Niên