Loại giáo sư, phó giáo sư “kém chất lượng”: Công khai hồ sơ ứng viên trên mạng

(Dân trí) - GS.TS Bùi Văn Ga, Phó chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, cho biết, trong quyết định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư sửa đổi sắp tới sẽ yêu cầu các cơ sở giáo dục công bố hồ sơ ứng viên trên mạng.

GS.TS Bùi Văn Ga, Phó chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, cho biết, việc 41 hồ sơ ứng viên không đủ điều kiện để công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS vừa qua là sai sót làm ảnh hưởng đến uy tín của HĐCDGSNN, gây bức xúc trong dư luận xã hội thời gian vừa qua.

Qua kết quả kiểm tra hồ sơ của các ứng viên cho thấy sai sót chủ yếu nằm ở các khâu: Một số ứng viên kê khai hồ sơ thiếu chuẩn xác, thiếu minh chứng cụ thể; Một số cơ sở giáo dục đại học xác nhận thông tin do ứng viên kê khai chưa chặt chẽ; Một số Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở (HĐCDGSCS), Hội đồng Chức danh giáo sư ngành/liên ngành (HĐCDGSN) thẩm định hồ sơ ứng viên chưa kỹ càng.

Rút kinh nghiệm sâu sắc đối với các cấp HĐCDGS về việc đã để xảy ra những sai sót trong việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017, GS.TS Bùi Văn Ga cho rằng, quy định sắp ban hành sẽ quy rõ trách nhiệm, nếu cơ sở giáo dục cố tình xác nhận sai sẽ chịu chế tài cụ thể, nghiêm khắc.

Trong đó, hội đồng cơ sở có trách nhiệm xét duyệt về thủ tục hành chính, xác thực các chứng cứ, giấy tờ của ứng viên đã được cơ sở giáo dục xác nhận, mà không đặt quá nặng thẩm định chuyên môn. Trong hội đồng, sẽ phải thành lập thêm bộ phận chuyên trách để rà soát, xử lý hồ sơ ứng viên.

Hội đồng ngành sẽ trở thành một bộ phận trong hội đồng nhà nước, có nhiệm vụ đánh giá, thẩm định chuyên môn và chất lượng khoa học của ứng viên. Ở cấp nhà nước, hội đồng chỉ làm thủ tục xem xét ứng viên đã đủ tiêu chí mà các hội đồng cơ sở, ngành báo cáo để đánh giá đạt hay chưa đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Đặc biệt, từ đợt xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư tới đây, hồ sơ các ứng viên sẽ bắt buộc phải được các hội đồng cơ sở công khai trên mạng. Hồ sơ ứng viên sẽ được công khai trên cả 2 kênh là trang thông tin điện tử của các hội đồng cơ sở (trường) và của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước. Thời gian công khai trong 15 ngày trước khi trình kết quả lên Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước họp để xét duyệt.

Sau khi xem xét, hồ sơ ứng viên được thông qua ở hội đồng ngành cũng được công khai để xã hội cùng đánh giá. Trường hợp hồ sơ ứng viên nào dư luận thấy không đạt chuẩn có thể phản ánh lên để thanh tra Bộ GD-ĐT và hội đồng xác minh trước khi trình lên cấp trên xem xét, công nhận.

“Trong các đợt xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS sắp tới, các HĐCDGSCS, HĐCDGSN và các ứng viên cần tham dự đầy đủ các buổi tập huấn do HĐCDGSNN tổ chức và nghiên cứu kỹ các tài liệu hướng dẫn của HĐCDGSNN về công tác này để tránh những sai sót tương tự trong quá trình lập và thẩm định hồ sơ” – GS Ga nhấn mạnh.

Dự kiến việc áp dụng chuẩn mới về giáo sư, phó giáo sư sẽ được thực hiện ngay trong năm 2018.


Công khai hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư để đảm bảo sự minh bạch, có giám sát của xã hội

Công khai hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư để đảm bảo sự minh bạch, có giám sát của xã hội

PGS.TS Phan Quang Thế - nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên cho rằng công khai hồ sơ ứng viên là cách tốt nhất để loại bỏ giáo sư, phó giáo sư “dởm”.

Tuy nhiên, ông Thế cho rằng, phải công khai hồ sơ khoa học của các ứng viên trên trang Web của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước ít nhất 1 tháng để xã hội có ý kiến. Như vậy, xã hội sẽ biết ai là người làm việc thực chất một cách minh bạch.

Về xây dựng tiêu chuẩn phong tặng chức danh GS, PGS như thế nào để tương xứng với chuẩn mực quốc tế? Theo ông Thế, các ứng viên phó giáo sư và giáo sư ít nhất phải có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thật sự, trong đó chứng chỉ tiếng Anh là quan trọng nhất và phải có năng lực giảng dạy trình độ đại học bằng tiếng Anh theo giáo trình tiếng Anh.

Các công bố về bài báo trong nước cũng phải viết bằng tiếng Anh để thế giới có thể đánh giá thông qua việc họ có sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các công trình của họ.

Bên cạnh đó, các công trình khoa học ứng dụng phải chỉ ra được nơi ứng dụng với minh chứng sản phẩm cụ thể chứ không phải chỉ là xác nhận. Đâu cũng xác nhận, nhưng không đâu dùng sản phẩm đang rất phổ biến.

Ông Thế cho rằng, sản phẩm khoa học mô hình phải nhìn thấy được bằng mắt (quay video) chứ không phải chỉ bằng kết luận trên giấy của các hội đồng đánh giá như hiện nay.

Còn theo GS.TSKH Phạm Tất Dong, cần soát lại tiêu chuẩn, không thể để tiêu chuẩn thấp về GS,PGS như hiện nay được mà phải nâng chuẩn lên. Các GS,PGS phải có công bố quốc tế và Hội đồng thật chuyên ngành để xét chứ không thể liên ngành được.

"Người tham gia xét hội đồng GSNN là người phải có công trình nghiên cứu trong thời gian gần và nên mời giáo sư nước ngoài vào đánh giá. Nếu không đội ngũ GS,PGS ngày càng đông mà chả giải quyết được gì" - GS Dong kiến nghị.

Hồng Hạnh