Lò luyện thi của ông già 75 tuổi
(Dân trí)-Cơ sở vật chất bình thường, không quảng cáo rầm rộ nhưng tỉ lệ thí sinh đỗ ĐH, CĐ từ lò luyện thi này lại không hề nhỏ. Tiếng lành đồn xa, học sinh kéo đến lò luyện thi ngày càng đông. Đó là “lò luyện thi” của ông Lê Ngọc Xuân, 75 tuổi, ở Hà Nam.
Năm nay 75 tuổi, ông Lê Ngọc Xuân (ở xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) đã gắn bó với lò luyện thi này hơn chục năm qua. Nhiều khó khăn, nhưng cũng không ít niềm vui khi ông Xuân nhìn các học sinh ôn thi ở lò luyện thi của mình đỗ vào các trường ĐH, CĐ.
Nói về ý tưởng thành lập “lò luyện thi làng” này, ông Xuân kể, hàng năm ở xã Nhật Tân có gần 100 học sinh dự thi vào các trường ĐH, CĐ. Nhưng tỉ lệ đỗ vào các trường lại ít. Những em không thi đỗ, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn đành gác lại ước mơ dở dang để đi làm phụ giúp gia đình. Những em gia đình có điều kiện khăn gói lên các lò luyện thi Hà Nội.
Chi phí đi ôn ở Hà Nội thì vô cùng đắt đỏ, nhưng tỉ lệ sĩ tử thi đỗ ĐH thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Xã Nhật Tân là một xã có truyền thống hiếu học, nhưng nhìn tỉ lệ các HS thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ ngày một thụt lùi. Vậy là ông Xuân ấp ủ ý nghĩ sẽ mở một lớp ôn thi ĐH ngay tại xã cho các HS vẫn mơ ước bước chân vào giảng đường ĐH, nhưng lại không có điều kiện đi ôn thi do kinh tế gia đình eo hẹp.
Nghĩ là làm, ông Xuân đem cái ý tưởng này bàn với ông Lê Mạnh Đạt, Chủ tịch hội khuyến học xã. Được sự hưởng ứng nhiệt tình của ông Đạt, hai ông đã nêu ý tưởng xin mở một “lò luyện thi” ĐH ngay tại địa phương lên UBND xã và được chính quyền xã Nhật Tân và người dân ủng hộ nhiệt tình.
Tháng 12/2001, “lò luyện thi làng” chính thức được lập, nhưng cùng với đó là khó khăn chồng chất. Đầu tiên là việc tìm giáo viên về giảng dạy cho các em học sinh. Sau một thời gian tìm kiếm, ông Xuân cũng đã tìm được cho lớp 4 giáo viên trẻ, năng động, tâm huyết, yêu nghề và có năng lực gồm các thầy Lương dạy Toán, thầy Trường dạy Hóa, thầy Duy dạy toán Hình, thầy Dũng dạy Lý.
Địa điểm của lò luyện thi liên tục thay đổi vì không có chỗ cố định, lúc thì là nhà kho của hợp tác xã, lúc lại ở nhà văn hóa thôn. Nhận thấy cần phải có địa điểm cố định, nên ông Xuân đã xin với UBND xã cho “lò luyện thi” của ông được đặt cố định tại hợp tác xã. Căn phòng rộng tầm 40m2, được ông Xuân lắp 5 chiếc quạt xung quanh.
Địa điểm đã được cố định, nhưng bàn ghế, đồ dùng học tập lại thiếu thốn quá nhiều, ông lại đi xin bàn ghế hỏng, cũ của các trường trong xã về sửa lại cho các em HS có điều kiện tốt để học tập.
Tiếng lành đồn xa, cái tin “lò luyện thi làng” của ông Xuân được mọi người biết đến nhiều hơn, các sĩ tử theo học ngày một đông hơn, nhưng chất lượng thì không hề giảm. Nhìn vào biểu đồ mà ông Xuân chỉ, tỉ lệ đỗ ĐH, CĐ chỉ cao lên chứ chưa thấy giảm xuống.
“Lò luyện thi làng” của ông từ khi thành lập đến nay đã trải qua 10 khóa học, với số lượng là 962 HS đến ôn thi, trong 962 HS đến ôn thi thì có đến 898 em đã đỗ vào các trường ĐH, CĐ, đạt tỉ lệ 93%.
Tháng 9/2011, “lò luyện thi làng” vinh dự đón ông Nguyễn Mạnh Cầm, Chủ tịch TW Hội Khuyến học Việt Nam về thăm. Tại đây, ông Nguyễn Mạnh Cầm đã biểu dương những thành tích mà “lò luyện thi làng” đã đạt được trong 10 năm qua.
Đã từng đi ôn thi ở các lò trên Hà Nội, nhưng Hùng, một HS đang ôn tại “lò luyện thi làng” của ông Xuân cho biết: “So với lò trên Hà Nội thì em thấy học ở đây rất thoải mái, mặc dù các thầy cô không được quảng cáo hoành tráng như ở các lò luyện thi, nhưng các thầy ở đây lại rất tâm huyết với HS, khi chưa hiểu bài thì thầy giảng đến khi hiểu mới thôi”.
Để đáp ứng nguyện vọng của các thí sinh, trong năm 2011, ông Xuân đã mời thêm các giáo viên của khối B và D để dạy cho các em học sinh.
Mỗi buổi học 4 tiếng đồng hồ, nhưng học phí chỉ thi 15.000đ, toàn bộ số tiền học phí thu từ HS, ông trích 70% để trả lương cho các thầy cô giáo, 30% còn lại ông làm quỹ khuyến học để trao học bổng cho những em có thành tích cao trong quá trình học và chi trả tiền điện, nước.Ông Xuân tâm sự: “Nếu làm một phép tính, một HS đi ôn trên Hà Nội tốn mất khoảng 6 - 7 triệu đồng, nhưng nếu ôn ở đây thì chỉ mất khoảng hơn 1 triệu cho một khóa ôn cấp tốc. Nếu tính tổng trong vòng 10 năm qua, thì lò luyện thi này đã tiết kiệm được trên 5 tỷ đồng cho các gia đình”.
Năm nay đã 75 tuổi, nhưng ngày nào ông Xuân vẫn một mình đạp xe đến với lớp học. Mở cửa, quét dọn, đun nước, điểm danh học trò, rồi ngồi trông lớp học cho đến lúc những em HS cuối cùng ra về. Ông lấy đó làm niềm vui, niềm hạnh phúc cho mình ở cái tuổi "xưa nay hiếm".
Đức Văn