Lo không có việc làm sau khi tốt nghiệp

Lo lắng, trăn trở của thí sinh Phú Yên về hiện trạng thất nghiệp, phải làm việc không đúng chuyên môn đã nhận được sự chia sẻ chân thành từ ban tư vấn

Sáng 8-3, chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2015 do Báo Người Lao Động tổ chức đã diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Chương trình được tài trợ của Công ty CP Phân bón Bình Điền và sự đồng hành của các trường ĐH, CĐ. Chương trình thu hút hơn 2.000 thí sinh tham dự và được Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên truyền hình trực tiếp trên kênh VTV Phú Yên.

Còn mập mờ về quy trình xét tuyển

Sau khi ban tư vấn cung cấp thông tin về điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia, quy chế tuyển sinh 2015 và hướng dẫn chọn ngành nghề, hàng trăm cánh tay học sinh của các trường Nguyễn Huệ, Chuyên Lương Văn Chánh, Dân tộc Nội trú, Nguyễn Trãi, Nguyễn Trường Tộ, Duy Tân, Ngô Gia Tự, Nguyễn Bình Khiêm… giơ cao xin đặt câu hỏi.
Một giáo viên đặt câu hỏi cho ban tư vấn. Ảnh: Huy Lân
Một giáo viên đặt câu hỏi cho ban tư vấn. Ảnh: Huy Lân

Đa số thắc mắc của các em tập trung vào quá trình nộp hồ sơ, phương thức xét tuyển của các trường ĐH, CĐ. Thí sinh Lê Xuân Vinh (Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh) hỏi: Thi xong, em sẽ nhận phiếu điểm ở đâu? Trong 20 ngày xét đợt 1, nếu muốn thay đổi thứ tự ưu tiên 4 ngành ưu tiên hoặc chuyển phiếu sang trường khác, em phải đích thân đến rút hay có thể nhờ người lấy hộ?

TS Trà Thanh Trung - Trưởng Phòng ĐH, Ban Đào tạo ĐH và sau ĐH ĐHQG

TP HCM - giải đáp: “Em nộp hồ sơ đăng ký ở đâu thì nhận phiếu điểm nơi đó. Theo quy chế hiện hành, các em phải đến tận trường ĐH, CĐ để rút và nộp phiếu xét tuyển”. TS Trung lưu ý do sau khi rút phiếu xét tuyển, các em cần cân nhắc thật kỹ việc nộp phiếu lại vào trường khác để có được khả năng trúng tuyển cao nhất. Về kỹ thuật xét tuyển, TS Trung khuyên các em hãy an tâm vì các trường sẽ thực hiện quy trình này một cách công bằng, chính xác, minh bạch.

Chương trình không những thu hút sự quan tâm của các thí sinh mà còn được thầy cô giáo, phụ huynh tin cậy, hăng hái đặt câu hỏi. Một giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ hỏi ban tư vấn: “Đợt 1 tuyển sinh, các trường có tuyển hết chỉ tiêu không hay vẫn còn để dành cho các đợt tiếp theo?”. PGS-TS Trương Nguyễn Luân Vũ - Phó trưởng Khoa Đào tạo Chất lượng cao Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM - lưu ý hầu hết các trường ĐH có tiếng sẽ tuyển hết chỉ tiêu trong đợt 1, không giữ chỉ tiêu cho những nguyện vọng kế tiếp. Do đó, PGS-TS Vũ dặn các thí sinh cần cân nhắc khi chọn thứ tự ngành ưu tiên ở phiếu xét tuyển số 1.

Lo làm công nhân sau khi tốt nghiệp ĐH

Bên cạnh mối quan tâm về những đổi mới trong thi cử, nhiều thí sinh ở Phú Yên vẫn bày tỏ nỗi lo âu muôn thuở về việc làm sau khi tốt nghiệp ĐH, CĐ. Thí sinh đến từ Trường THPT Nguyễn Huệ với câu hỏi được TS Trần Đình Lý cho rằng “hay nhất trong buổi tư vấn”, hỏi: “Theo thông tin tư vấn hằng năm, chúng em đều được nói rằng cơ hội việc làm cho sinh viên rất cao. Tuy nhiên, hiện nhiều anh chị sinh viên ở TP HCM sau khi ra trường vẫn làm công nhân. Tại sao lại có hiện trạng trên?”.

Theo TS Trần Đình Lý, đây chính là gốc rễ của vấn đề. Nhiều người chọn ngành nghề theo tâm lý số đông, ý kiến bạn bè, xu thế… nên dễ mắc sai lầm. “Do đó, thí sinh nên ưu tiên chọn ngành theo năng lực, sở trường. Càng tốt nếu các yếu tố này trùng khớp với nhu cầu xã hội” - TS Lý nói.

Trong khi đó, em Vũ Thị Bích Phượng (Trường THPT Ngô Gia Tự) thắc mắc về cơ hội việc làm ngành công nghệ thực phẩm Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. PGS-TS Trương Nguyễn Luân Vũ cho biết đối với ngành này, cơ hội việc làm rất lớn, thu nhập khá. “Khi nào con người còn ăn uống thì ngành công nghệ thực phẩm còn!” - PGS-TS Vũ khẳng định.

Một thí sinh khác hỏi về cơ hội việc làm của ngành dược Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Ông Tôn Quang Toàn - Phó Phòng Tổ chức Nhân sự trường - cho hay sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia các hoạt động: bán thuốc, kinh doanh, phân phối thực phẩm; làm kỹ sư, quản đốc dây chuyền, kiểm duyệt, lưu trữ thuốc trong các doanh nghiệp; làm trong nhóm dược lâm sàng ở các bệnh viện; nghiên cứu khoa học… Do đây là ngành phục vụ sức khỏe con người, xã hội luôn cần nên các em yên tâm về việc làm sau khi tốt nghiệp.

Chương trình kết thúc phần hỏi đáp tư vấn chung và phát sóng trực tiếp trên sóng truyền hình lúc 9 giờ 30 phút nhưng nhiều học sinh vẫn lưu lại sân trường để được các thầy cô tư vấn cụ thể. Ngày 14 và 15-3, chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2015 sẽ tiếp tục diễn ra tại Huế, Quảng Trị. Mời thí sinh và phụ huynh theo dõi.

Giúp thí sinh vững vàng hơn

Nhà giáo Ưu tú - TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên, cho biết hằng năm, toàn tỉnh có 11.000 thí sinh đăng ký dự thi CĐ, ĐH với gần 22.000 hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, nhiều em vẫn rất hoang mang về việc chọn ngành nghề nào phù hợp năng lực bản thân, ra trường có khả năng xin việc, chọn trường nào uy tín, có chế độ chính sách, học phí phù hợp...

Ông bày tỏ sự phấn khởi và hoan nghênh việc Báo Người Lao Động lần đầu tiên tổ chức chương trình tại tỉnh, đồng thời mong muốn các trường ĐH tiếp tục về Phú Yên tư vấn, giúp thí sinh vững vàng hơn trong con đường lập thân.
Theo Báo Người Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm