Lộ diện 2 thí sinh đoạt giải nhất cuộc thi "Robot thu hoạch nông nghiệp"
(Dân trí) - Gần 100 học sinh, sinh viên Hà Nội yêu thích khoa học kỹ thuật đã tạo ra Robot thu hoạch nông nghiệp để tham dự cuộc thi mang tên Open-RoboHUS 2019. 8 đội xuất sắc nhất đến từ các trường trung học phổ thông và đại học tranh tài tại chung kết cuộc thi vào chiều nay 25/4 tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH QGHN.
Chủ đề “E-FARMER – Robot thu hoạch nông nghiệp” của cuộc thi năm nay không chỉ tạo hứng thú cho các đội chơi mà còn là cơ hội hiếm có để giới trẻ thử sức giải quyết bài toán cuộc sống gắn liền với nhiệm vụ hàng đầu của đất nước: công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Trước vòng sơ loại, các giảng viên Khoa Vật lý và Khoa Toán - Cơ - Tin học, trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã trực tiếp tập huấn các kỹ năng về lập trình nhúng điều khiển và lập trình xử lý ảnh cho tất cả thí sinh. Quá trình tạo nên Robot tự động và Robot điều khiển bằng tay của các đội được Ban tổ chức tư vấn tận tình.
Sinh viên đang làm bài dự thi
Thành viên trong mỗi đội thi năm nay vừa có sinh viên năm 3, năm 4 vừa có học sinh, sinh viên năm nhất, năm 2.
Sinh viên đã có nền tảng kiến thức về lập trình, robot dễ dàng giúp đỡ, hướng dẫn các em học sinh, sinh viên mới. TS. Lê Quang Thảo (Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên), cố vấn kỹ thuật cuộc thi, chia sẻ: “Với sự sắp xếp này, cuộc thi có ý nghĩa bền vững hơn. Các em sẽ là một thế hệ đầy triển vọng cho cuộc thi Open-RoboHUS những năm tới và xa hơn nữa là công cuộc nghiên cứu, đổi mới khoa học kỹ thuật của đất nước”.
Là thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia cuộc thi, Nguyễn Thị Diễm Quỳnh, học sinh lớp 10A2, trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Điều quan trọng nhất khi làm robot là sự cẩn thận, kiên trì, chuẩn xác, kỹ năng làm việc nhóm và có chuyên môn. Những điều này em được học hỏi và rèn luyện rất nhiều dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, anh chị trong đội”.
2 thí sinh đoạt giải nhất của cuộc thi
Ngoài Open-RoboHUS, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên còn đăng cai tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thực hành khoa học dành cho học sinh, sinh viên như Ngày hội STEM 2018, thu hút hàng nghìn học sinh miền Bắc và Bắc Trung bộ.
Sau cuộc tranh tài gay cấn giữa các đội, giải nhất cuộc thi thuộc về sinh viên Hồ Tuấn Hải - lớp K62 Máy tính và Khoa học thông tin, Khoa Toán-Cơ-Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN và học sinh Tống Duy Hải - lớp 11 Trường THPT Yên Hoà – Hà Nội.
Giải nhì thuộc về sinh viên Đỗ Thị Diệu Thuý - lớp K61 Toán Tin, Khoa Toán-Cơ-Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN và học sinh Lê Quý An - lớp 11 Chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.
Các thí sinh đoạt giải của cuộc thi
Giải ba thuộc về sinh viên Đàm Tuấn Anh - lớp K61 Toán Tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN và học sinh Nguyễn Thị Diễm Quỳnh, lớp 10 Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐHQGHN.
Ngoài ra còn có giải cá nhân với sản phẩm Robot Tự động xuất sắc thuộc về Đỗ Thị Diệu Thuý, lớp K61 Toán Tin và Robot Bằng tay xuất sắc thuộc về Tống Duy Hải, lớp 11 Trường THPT Yên Hoà.
Hồng Hạnh