Bạn đọc viết:
Lo âu khi con trẻ quá dựa dẫm vào bố mẹ
(Dân trí) - Trẻ con bây giờ thường được nuông chiều và chăm sóc kỹ lưỡng nên dễ sinh tính dựa dẫm, phụ thuộc vào cha mẹ và người lớn. Không thể tự lập dù là trong những việc nhỏ nhất, con em chúng ta sẽ gặp những khó khăn không nhỏ khi va chạm cuộc sống và giao tiếp xã hội.
Hôm rồi, nghe chuyện của đứa cháu gái, tôi mới giật mình và lo lắng cho việc giáo dục con trẻ ngày nay. Con bé đã qua lớp 10, cao lớn và ăn mặc sành điệu như một thiếu nữ. Một buổi sáng nó dậy đi học nhưng bị mệt nên phải nhờ bố gọi điện cho cô giáo xin phép được nghỉ học ngày hôm đó.
Đó không phải là lần đầu tiên, nó phải nhờ bố, mẹ giúp đỡ vài việc nhỏ của nó ở trường với thầy cô và bạn bè. Thói quen này duy trì từ khi nó còn nhỏ, từ hồi mới học cấp 1 đến bây giờ đang ở ngưỡng cửa vào Đại học nhưng vẫn giữ thói quen dựa dẫm ấy. Không phải riêng trường hợp của đứa cháu tôi, nhiều đứa con trai con gái ở tuổi của nó vẫn là những đứa trẻ to xác chứ chưa ý thức hết những trách nhiệm trong cuộc sống của chúng.
Từ việc nhỏ nhất, nhưng khi đã bước vào cái tuổi trưởng thành, nhiều đứa vẫn không tự tin để tự tay mua một món quà sinh nhật tặng bạn. Hay việc mặc một bộ đồ phù hợp để đi tham dự một buổi học ngoại khóa và tham quan dã ngoại. Tất cả những công việc đấy, vẫn phải có mẹ đi cùng giúp để chọn cho những cậu ấm, cô chiêu của mình. Thậm chí, nhiều em gái vẫn phải nhờ mẹ mua cho những đồ dùng của riêng phụ nữ với lý do là con không biết chọn đồ.
Mỗi ngày, từ việc đi học, đến việc ăn, việc mặc và chơi, nhiều em học sinh cấp 2, thậm chí là cấp 3 vẫn phụ thuộc nhiều vào cha mẹ mình và chưa có ý thức tự lập. Nếu bố mẹ về muộn là các em không biết nấu cơm, không biết tự tìm cách đến trường, rồi về nhà không có người đưa đón. Con cái quen được chiều từ nhỏ, khi lớn lên lại không được cha mẹ tạo cho ý thức tự giác làm các công việc nhà hoặc tự làm những việc liên quan đến việc học của mình. Ngay nay, các gia đình có điều kiện kinh tế, lại sinh ít con nên trẻ có điều kiện được bao bọc trong một cuộc sống: muốn gì là được. Nhiều đứa trẻ quen được sự phục vụ của cha mẹ nên càng đòi hỏi nhiều mà không tự làm được những việc trong khả năng của mình.
Việc con trẻ của chúng ta thiếu ý thức trong việc tự lập cuộc sống của bản thân không hoàn toàn do lỗi của chúng mà còn do tư tưởng và hành động của phụ huynh. Họ luôn nghĩ rằng vì con học hành bận rộn, vất vả nên làm giúp cho chúng vài việc lặt vặt, cũng không mất nhiều thời gian, công sức. Với lại họ thường không yên tâm khi để các con tự giải quyết các công việc với thầy cô giáo, không yên tâm khi để con rán món trứng cho bữa ăn, thậm chí là phải tự tay chọn trang phục cho chúng đi một buổi dã ngoại. Có những lúc chúng đòi tự tay làm những công việc nho nhỏ để chúng khẳng định mình với bạn bè nhưng người lớn lại không tin tưởng. Thế là trong con mắt của những bậc làm cha, làm mẹ thì con họ vẫn còn chưa trưởng thành.
Ở lâu trong sự bao bọc, khi đi ra ngoài, con em chúng ta không dễ dàng hòa nhập với môi trường sở tại và thường gặp khó khăn trong việc tự lập cuộc sống. Tôi có nghe kể chuyện một nữ sinh năm thứ nhất vừa ở nông thôn lên học Đại học và ở nhờ nhà người thân. Nhưng hàng ăn, việc ăn ngủ và sinh hoạt cô vẫn giữ thói quen như một đứa trẻ vẫn dựa dẫm vào cha mẹ mình ở nhà. Từ giao tiếp đến lối sống của cô gái này đều khiến những người đang cho ở nhờ đều ngán ngẩm và ngạc nhiên mà không dám nói ra.
Ở trường học, con em chúng ta được học về tính tự lập trong môn Giáo dục công dân từ lớp 6. Nếu các em được giáo dục đầy đủ và thiết thực về đức tính này thì mới có thể làm chủ và định hướng một phần cho công việc và cuộc sống tương lai của mình.
Minh Minh
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!