1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Liệu có đúng là “tiền nào của nấy”?

Chắt chiu, dành dụm tiền làm thêm cả nửa năm trời, tôi mang hơn 1triệu đồng đi học tại một trung tâm ngoại ngữ nằm ở top giữa cho khóa ba tháng Anh văn giao tiếp. Tôi thất vọng, hối tiếc và có cảm giác mình bị lừa...

Những người đi trước đều khuyên tôi trong khoảng thời gian đại học tranh thủ học Anh văn càng nhiều càng tốt, vì những sinh viên có vốn liếng Anh văn tốt hơn sẽ có nhiều cơ hội hơn khi ra trường.

 

Nhưng hơn hai năm học tại thành phố này với gần chục trung tâm ngoại ngữ, tôi vẫn chưa tìm ra được mảnh đất nào ưng ý để “trụ” lâu dài. Ở những trung tâm “nghe đồn” chất lượng cao với sự hợp tác của giáo viên Anh, Mỹ có bằng BA, MA nhiều năm kinh nghiệm thì mức học phí một khóa hai tháng có khi bằng học phí cả năm tại trường đại học chính qui.

 

Với cái giá “cắt cổ” như thế thì SV, nhất là SV tỉnh lẻ, chỉ biết kêu trời. Còn ở những trung tâm “thuần Việt”, giá phải chăng, tạm coi là hợp túi tiền SV thì hầu hết giáo viên đều dạy theo phong cách cũ, giáo trình cũ, rất tẻ nhạt, nhàm chán.

 

Chắt chiu, dành dụm tiền làm thêm cả nửa năm trời, tôi mang 1,05 triệu đồng đi học tại một trung tâm ngoại ngữ nằm ở top giữa cho khóa ba tháng Anh văn giao tiếp. Tôi thất vọng, hối tiếc và có cảm giác mình bị lừa. Giảng viên nước ngoài dạy lớp tôi là người Philippines chứ không phải người Mỹ chính gốc như lời giới thiệu của trung tâm, đã thế trình độ sư phạm của ông rất kém.

 

Cách phát âm không chuẩn, ngữ pháp không rành, thêm vào đó ông lại không biết cách diễn đạt từ vựng cho học viên hiểu. Cứ mỗi lần có từ mới là ông lại dùng điệu bộ, cử chỉ, nét mặt, body-language để giải thích. Những khi bí quá, ông nhảy nhót hệt như một nghệ sĩ kịch câm không chuyên, vụng về trên sàn diễn trông rất kệch cỡm, gây phản cảm cho học viên.

 

“Tiền nào của nấy”. Câu thành ngữ ấy trong trường hợp này xem ra chỉ đúng một chiều. Tiền ít học ở mấy trung tâm thường thường chắc là không hấp dẫn. Nhưng tiền nhiều học ở những trung tâm giảng viên nước ngoài phần lớn là “Tây balô”, chất lượng liệu có được bảo đảm?

 

Từ khi số lượng giáo viên ngoại tăng lên vùn vụt tại các trung tâm ngoại ngữ, người ta đã đặt dấu chấm hỏi to tướng cho cuộc đổ bộ ào ạt ấy. Vậy mà đến bây giờ tình trạng “Tây balô” dạy chui vẫn đầy rẫy tại các trung tâm. Đến bao giờ số tiền học viên bỏ ra mới tương xứng với chất lượng kiến thức mà họ thu vào?

 

 

Theo Yên Thảo

Tuổi Trẻ