Liên kết đào tạo: Sinh viên được gì?
(Dân trí) - Hoạt động liên kết trong chương trình đào tạo Đại học đang ngày càng khẳng định giá trị thiết thực đối với sinh viên và được nhiều trường Đại học triển khai. Đây là chương trình giúp sinh viên tăng kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời mở rộng cánh cửa việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Thực tập tại doanh nghiệp: Trưởng thành từ trải nghiệm thực tiễn
Nguyễn Hậu, sinh viên ngành Luật tại Huế đã tìm được công việc ngay khi tốt nghiệp tại một doanh nghiệp hoạt động về luật. Đó là nơi Hậu từng thực tập trong năm cuối Đại học theo chương trình kết nối giúp sinh viên tăng cường khả năng thực hành của trường. Hậu cũng là một trong số rất nhiều sinh viên tìm được việc làm ngay khi ra trường nhờ vào các hoạt động liên kết đào tạo này.
Liên kết đào tạo giữa trường đại học với các tổ chức Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân ngày càng được các trường đại học coi trọng. Theo đó, các đơn vị liên kết vừa là bên đặt hàng nhà trường về đào tạo nguồn nhân lực, vừa được mời tham gia vào quá trình giảng dạy và cũng là nơi sinh viên thực tập trong quá trình đào tạo.
TS. Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Luật, Đại học Huế cho biết: “Nhà trường liên kết để đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan Nhà nước như Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng cục Thuế, Sở Công An, Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh Bình Định và một số doanh nghiệp tư nhân với mục tiêu sinh viên ra trường có ngay cơ hội việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo”.
Hàng năm, Trường Đại học Luật, Đại học Huế thường gửi sinh viên về thực tập tại các đơn vị để sinh viên có môi trường học hỏi kiến thức thực tiễn, trau dồi kỹ năng mềm, tạo dựng các mối quan hệ xã hội và cập nhật những yêu cầu mới nhất của các nhà tuyển dụng để tăng cơ hội việc làm sau này.
Đứng ở vai trò quản lý doanh nghiệp, Luật sư Lê Cao – Giám đốc Công ty Luật FDVN trao đổi: “Với mô hình liên kết đào tạo hiện nay của Đại học Luật Huế, sinh viên có thể về chi nhánh của FDVN tại thành phố Huế hoặc trụ sở tại thành phố Đà Nẵng để tiếp cận hồ sơ vụ việc thực tế, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề pháp lý thực tiễn như một người hành nghề luật. Sinh viên nếu thực tập tốt có thể được xem xét để làm việc và gắn bó lâu dài với công ty.”
Bên cạnh đó, nhân sự của FDVN tham gia làm giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Luật, Đại học Huế với mong muốn truyền cảm hứng, khơi gợi khát vọng nghề nghiệp, giúp sinh viên kết nối với các vấn đề của cuộc sống pháp lý thông qua các buổi hội thảo, chuyên đề chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm nghề nghiệp mang tính thực tiễn cao.
Trường cũng phối hợp với các đơn vị liên kết như Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Tòa án nhân dân thành phố Huế để tổ chức các Phiên tòa lưu động, giúp sinh viên nắm bắt thông tin các vụ án đang diễn ra, hiểu được quy trình tố tụng, xét xử làm rõ những kiến thức lý thuyết trên giảng đường.
Ngoài ra, việc thường xuyên lấy ý kiến phản hồi của các bên liên kết về chất lượng các chương trình đào tạo là cơ sở giúp Nhà trường điều chỉnh, cải tiến các nội dung và hoạt động tổ chức đào tạo trên giảng đường nhằm đáp ứng linh hoạt và tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động hiện nay.
Cầu nối tiếp cận tri thức và thực tiễn nước ngoài
Trước xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã phối hợp với các trường đại học trong ngoài nước, các cơ quan, hiệp hội pháp lý, tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực thi pháp luật, hợp tác nghiên cứu giữa các chuyên gia đầu ngành.
Cuối tháng 6 vừa qua, Trường phối hợp với Hội Hợp tác pháp lý châu Âu và Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo quốc tế “Trách nhiệm dân sự và hợp đồng - Kinh nghiệm của Việt Nam và Liên minh châu Âu”. Hội thảo là diễn đàn học thuật, thảo luận và trao đổi về chủ đề liên quan từ đó tạo lập một kênh trao đổi, chia sẻ tri thức học thuật, tăng cường hợp tác, nghiên cứu giữa các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, trong chương trình đào tạo Chất lượng cao, sinh viên sẽ được thực tập tại các cơ quan, tổ chức pháp lý ở nước ngoài. Thời gian qua, trên cơ sở hợp tác với Đại học Khon Kaen (Nong Khai, Thái Lan), sinh viên lớp tiếng Anh Pháp lý đã được trải nghiệm một đợt thực tập ý nghĩa tại Thái Lan.
“Chúng tôi được tham gia các buổi học bằng tiếng Anh về pháp luật của Mỹ, Thái Lan…với các giảng viên giàu kinh nghiệm. Các cuộc thi chuyên môn nâng cao như Mock Trial, Moot Court giúp chúng tôi rèn luyện kỹ năng vận dụng lý thuyết vào việc giải quyết các tình huống pháp lý giả định. Ngoài ra, các hoạt động giao lưu văn hóa từ chuyến thực tập bổ ích này cũng để lại trong chúng tôi nhiều kỷ niệm đẹp về tình hữu nghị giữa Việt Nam và Thái Lan”, Nguyễn Thị Lài, sinh viên chương trình chất lượng cao chia sẻ về những trải nghiệm ở “xứ sở Chùa Vàng”.
Trong bối cảnh hiện nay, liên kết trong đào tạo Đại học là xu thế tất yếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở mọi quốc gia. Đó cũng là một trong những phương án hiệu quả nhất để rút ngắn khoảng cách từ giảng đường tới thực tiễn nghề nghiệp và là yêu cầu cấp bách đối với các cơ sở đào tạo đại học và cộng đồng các tổ chức, doanh nghiệp hiện nay.