Lenovo, Google và Intel hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục tại Đồng Nai
(Dân trí) - Lenovo, Google cùng các đối tác Intel, Đại học Sài Gòn, AI Education (AIE), Digiworld và Achison hợp tác triển khai dự án thí điểm Google for Education nhằm thúc đẩy giáo dục kỹ thuật số tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (Đồng Nai).
Sự kiện có sự tham dự của đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai; Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Nai; Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Biên Hòa, Đồng Nai; Google for Education Việt Nam, Lenovo Việt Nam, các đối tác công nghệ cũng như các giáo viên và học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo.
Đây là dự án thí điểm thứ 3 mà Lenovo hợp tác với Google for Education, sau hai dự án thí điểm thành công tại Trường Vinschool Golden River (TPHCM) và Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ). Dự án lần này sẽ triển khai trao tặng 60 thiết bị Lenovo 500e Chromebook Gen 3 (Intel), được thiết kế đặc biệt dành cho 8 lớp thuộc khối lớp 6 cùng 10 giáo viên phụ trách 8 môn học của trường.
Dự án thí điểm này được thực hiện dưới sự chỉ đạo của hội đồng tư vấn chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai cùng với sự cộng tác của nhiều sở, ban ngành. Dự án tại Trường THCS Trần Hưng Đạo giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngành giáo dục của tỉnh thông qua khai thác lợi ích vượt trội của các giải pháp giáo dục của Google trong cộng đồng.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai phối hợp với nhóm nghiên cứu của Đại học Sài Gòn sẽ đánh giá trải nghiệm của giáo viên và học sinh khi sử dụng Chromebook và các công cụ của Google.
Bên cạnh đó, AI Education và Bard Academy (học viện trí tuệ nhân tạo của Google) cung cấp các chương trình đào tạo "giáo viên số" để có tư duy, kiến thức và kỹ năng ứng dụng các công cụ số kể cả trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao trải nghiệm dạy và học với mô hình "trường học số".
Việc dạy và học trên Chromebook được hỗ trợ bằng hệ điều hành giáo dục Chrome Education Upgrade, cùng với các công cụ Google Workspace for Education như Google Classroom và Google Meet. Tất cả các chương trình đào tạo và phần mềm sử dụng đều được phê duyệt bởi Sở Giáo dục và Đào tạo, ban giám hiệu nhà trường.
Những nỗ lực hợp tác của Lenovo, Google for Education Việt Nam và các đối tác công nghệ, trong đó có Intel, thể hiện sự cống hiến trong cách mạng chuyển đổi số của lĩnh vực giáo dục. Liên minh này hướng tới nâng cao kiến thức và kỹ năng số của học sinh, đồng thời cung cấp các nguồn lực thiết yếu để phục vụ công tác giảng dạy hiệu quả hơn. Sáng kiến này cũng phù hợp với tầm nhìn chuyển đổi kỹ thuật số quốc gia đến năm 2030.
Ông Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Lenovo Việt Nam, cho biết: "Công nghệ thông minh của chúng tôi đóng vai trò là chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực, trao quyền cho các cá nhân giải quyết những thách thức to lớn của xã hội về y tế, giáo dục và môi trường.
Trong lĩnh vực giáo dục, sự cam kết của chúng tôi cũng nhất quán. Thông qua quan hệ đối tác chiến lược với các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Google và Intel, chúng tôi tiên phong trong các giải pháp học tập kết hợp, đảm bảo khả năng tiếp cận và hiệu quả.
Bên cạnh đó, sự hợp tác của chúng tôi với các nhà phát triển phần mềm hàng đầu cũng khẳng định sự cống hiến của chúng tôi cho hệ sinh thái các giải pháp học tập số. Nhờ mang đến cho nhà giáo dục nhiều lựa chọn phần mềm được tuyển chọn kỹ lưỡng, chúng tôi đang giúp cho trải nghiệm học tập hấp dẫn và gắn kết hơn trong môi trường từ xa.
Trong bối cảnh giáo dục đang ngày càng phát triển, trọng tâm của chúng tôi tiếp tục chú trọng tới đổi mới sáng tạo và hợp tác, thúc đẩy sức mạnh chuyển đổi của công nghệ nhằm tạo ra một tương lai tốt hơn, toàn diện hơn cho cả người học và các nhà làm giáo dục".
Bà Dương Hoàng Thanh Giang, Điều phối viên quốc gia, Google for Education Việt Nam, cho biết: "Tôi nghĩ rằng việc tích hợp công nghệ và học tập không chỉ thiết thực ở hiện tại mà còn đóng vai trò quan trọng trong tương lai. Đặc biệt là trong cuộc cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực giáo dục kỹ thuật số đang diễn ra trên toàn thế giới. Do đó, tôi tin rằng đây là một thế mạnh lớn đối với chúng tôi khi cùng nhau bắt tay vào một bước tiến đáng kể hướng tới sự tự hoàn thiện, góp phần nâng cao nền giáo dục Việt Nam trong hiện tại và tương lai".