Lên thủ đô chạy xe ôm nuôi con học Đại học

Biết chạy xe ôm là có đồng ra đồng vào, hơn cái việc cấy lúa, nuôi lợn bấp bênh ở quê, hàng chục ông bố đã lên Thủ đô chạy xe ôm nuôi con đi học. Con cái thấy bố vất vả, vì thế cũng cố gắng học hành...

“Gà trống” lên phố nuôi con

Cổng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), người đi lại tấp nập. Lẫn trong dòng người nhà và bệnh nhân xuôi ngược, có người lái xe ôm mà chúng tôi đang tìm, đứng lẫn trong dãy xe ôm có cái tên rất kêu – Motor taxi của Công ty Nam Minh.

 

Anh Bùi Văn Đông (
Anh Bùi Văn Đông (phải): “Lên Thủ đô lái xe ôm, có thu nhập hơn làm nông, vừa quản được con ăn học”.


Anh tên là Bùi Văn Đông, 53 tuổi, quê xã Giao Hà (huyện Giao Thủy, Nam Định). Làn da rám nắng, thường trực nụ cười hiền quê kiểng, anh liên tục vẫy tay mời khách bởi anh có một động lực kiếm tiền mãnh liệt. “Sáng giờ “doanh thu” được 150.000 đồng rồi, trừ chi phí cũng đủ tiền cho con gái đi chợ, nấu cơm” – anh khoe.

Cô con gái mà anh nói đến tên là Tươi, đang là sinh viên năm thứ 3 Đại học Công đoàn. Hai bố con cùng trọ trong căn nhà 17m2 ở Định Công. Mỗi tháng anh Đông kiếm được 6-7 triệu đồng, đủ lo cho cô con gái học hành, thi thoảng gửi thêm về cho vợ. Cảnh sống của 2 bố con giữa Thủ đô không khác ở quê là mấy. Bố lo kiếm tiền nuôi con ăn học; con đi học về cơm nước, giặt giũ, chăm sóc bố. Tươi có làm gì, đi đâu cũng xin phép bố. “Bọn trẻ trên này cuộc sống phức tạp. Tôi lên đây làm xe ôm vừa kiếm tiền nuôi con, lại quản được cháu, giữ được tình cảm cha con” – anh Đông nói.

Cô sinh viên Tươi cũng hiểu được sự vất vả của bố nên cứ trưa, chiều là chuẩn bị cơm ngon canh ngọt, tối tranh thủ giặt quần áo cho bố. “Bố vất vả thế, em cũng cố gắng tiết kiệm chi tiêu, lo liệu học hành. Tuổi trẻ ai mà không muốn giao lưu bạn bè, nhưng nếu có sinh nhật bạn, em cũng chỉ đi đến 9-10 giờ là về. Em cũng công khai nói với bạn bè, bố em làm xe ôm” – Tươi nói.

Không biết có phải học theo mô hình của anh hay không nhưng nhiều ông bố khác cùng kéo nhau lên Hà Nội vừa chạy xe, vừa nuôi con. Các anh Phùng Văn Hưởng, Bùi Văn Minh cùng xã với anh cũng đã lên Hà Nội, chạy xe ôm nuôi cùng lúc 2 con học đại học.

Ưu tiên các ông bố nuôi con

Cái nghề xe ôm này đã giúp anh Đông nuôi 2 con học đại học. Năm 2000, cậu con trai đầu đỗ vào Đại học Kinh tế Quốc dân và anh quyết định khăn gói về Thủ đô cùng con. Những ngày đầu, đường sá Thủ đô chằng chịt, anh về nghiên cứu bản đồ, vừa đi vừa nhờ khách chỉ đường. Vậy mà đã 14 năm anh bám nghiệp xe ôm ở Thủ đô, lo cho con đầu học xong và đi làm, giờ tới cô con gái út. “Nếu cứ trông vào mấy sào lúa, sào lạc ở quê, tôi không thể nuôi nổi hai đứa. Lên đây vất vả chút nhưng tôi có thể yên tâm nhiều mặt” – anh Đông nói.

 

Cái nghề xe ôm phải cạnh tranh khốc liệt với các đồng nghiệp gạo cội ở phố phường, thường trực các nguy cơ bị quỵt tiền, cướp giật. Vì thế, các ông bố ở quê lên ngoài sự cần mẫn còn đòi hỏi sự khôn ngoan, khéo léo và một môi trường làm việc ổn định hơn. Vì thế, khi có mô hình Motor taxi, anh Đông, anh Hưởng, anh Minh đều xin gia nhập.

Anh Đào Thanh Hà - Phó Giám đốc Công ty Motor taxi Nam Minh, thượng tá quân đội vừa về hưu đã tập hợp các ông bố có cùng nhu cầu như anh Đông, thành lập mô hình Motor taxi.

 

Anh Hà cho biết, trừ tất cả chi phí, trung bình mỗi lái xe ôm có thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng. Cá biệt, một số lái xe tích cực có thể đạt 8-9 triệu đồng/tháng.

Xe ôm của Nam Minh tính tiền bằng đồng hồ, là công ty duy nhất gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) trên xe. Xe trục trặc giữa đường hay bị kẻ xấu dụ đi xa để cướp, công ty sẽ biết để theo dõi, cảnh báo. Anh Hà nói: “Những anh em đi làm xe ôm để nuôi con đi học đại học thường làm việc rất nghiêm túc, nhiệt tình, gắn bó với đội nên chúng tôi rất yên tâm”.

Nhóm xe ôm có hàng chục anh cùng hoàn cảnh nên không ít lần các anh bí tiền nộp học phí cho con, công ty sẵn sàng cho ứng trước. Nhờ thế mà nhóm có sự liên kết bền chặt...

 

Theo Bảo Anh

Dân Việt