Lập biên bản nhầm, một thí sinh bị hủy kết quả thi oan?!

Vì “nhầm lẫn”, một thí sinh bị hủy kết quả thi oan. Sau khi đã khăng khăng chỉ có thí sinh sai chứ trường không thể sai, cuối cùng nhà trường cũng phải thừa nhận đã... “nhầm”.

Nhưng liệu chỉ cần xin lỗi là có thể bỏ qua sự việc này?

 

Lập biên bản kỷ luật nhầm?!

 

Nhận được giấy báo kết quả thi của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thí sinh (TS) Trần Thanh Hà (Q.Đống Đa, Hà Nội, dự thi khối D với số báo danh 7265) choáng váng vì thấy trên giấy báo ghi rõ: bị hủy kết quả môn văn vì vi phạm qui chế và bị cấm thi trong hai năm tới.

 

Dòng thông báo này làm cô TS thật sự sốc vì trong quá trình thi Hà không hề bị lập biên bản vi phạm kỷ luật. Thậm chí khi ở trong phòng thi, thấy quá bất bình trước cảnh một TS khác ngang nhiên quay cóp, Hà đã báo với cán bộ coi thi...

 

Khi xem kết quả thi trên tất cả các mạng, kể cả mạng của Bộ GD-ĐT, Hà lại càng băn khoăn khi thấy tuy mục kết quả môn văn bỏ trống nhưng tổng điểm ba môn lại là 18, thay vì 15 điểm (hai môn thi toán và tiếng Pháp, mỗi môn được 7,5 điểm). Điều này càng khiến Hà và gia đình tin rằng có sự nhầm lẫn từ phía hội đồng tuyển sinh và quyết định làm đơn khiếu nại.

 

Nhưng đáp lại năm lần bảy lượt trực tiếp cầm đơn đến trường, hai mẹ con Trần Thanh Hà đều nhận được câu trả lời chắc như đinh đóng cột từ phòng đào tạo nhà trường: “Không có gì nhầm lẫn, TS đã bị lập biên bản vi phạm qui chế, có đầy đủ chữ ký, có cả tang vật là “phao” TS đã sử dụng để quay cóp”. Thậm chí khi bà Nga - mẹ của TS - khẳng định con bà không vi phạm qui chế và xin được tận mắt xem biên bản để đối chiếu chữ ký của TS, bà còn bị vị đại diện phòng đào tạo từ chối thẳng thừng.

 

Quá phẫn nộ trước thái độ của phòng đào tạo nhà trường, lại càng đau lòng trước sự thất vọng và đau khổ của con gái, bà Nga cầm đơn lên gặp Thanh tra Bộ GD-ĐT... Bà Nga bỏ hết cả công việc hàng tuần liền để quyết tâm theo đuổi vụ việc đến cùng bởi “ngay cả khi kết quả thi của cháu không đủ điểm đỗ ĐH năm nay, tôi cũng phải đòi lại công bằng, danh dự cho cháu”.

 

Phải sau khi có ý kiến của thanh tra bộ, chỉ đạo của hiệu trưởng, phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mới hẹn hai mẹ con bà Nga tới giải quyết với sự có mặt của cán bộ coi thi số 1. Và kết quả: nhà trường... thừa nhận sai sót, thừa nhận đã kỷ luật nhầm TS Trần Thanh Hà với một TS khác sử dụng tài liệu trong phòng thi, mong TS, gia đình... thông cảm(!).

 

Trường cấp lại cho Trần Thanh Hà giấy chứng nhận kết quả khác với tổng điểm ba môn là 18,5 cùng lời xin lỗi.

 

Cố tình làm sai qui chế?

 

Ngay cả khi đã cầm trên tay giấy chứng nhận kết quả thi mới, bà Nga vẫn ngậm ngùi: “Đấy là tôi ở ngay Hà Nội, có điều kiện để đeo đuổi đến cùng vụ việc, thậm chí lên cả Bộ GD-ĐT, chứ nếu ở các tỉnh xa xôi không lẽ phải để con chịu oan ức?”. Chính thái độ và cách giải quyết của những người trực tiếp có trách nhiệm đã làm cho bà Nga có lúc tuyệt vọng và trách con gái sao lại “dại dột” tố cáo TS quay cóp làm gì để bị oan.

 

Còn bản thân Thanh Hà và bạn bè cùng lớp đã từng hoài nghi: “Phải chăng TS bị tố cáo quay cóp thuộc diện “ưu tiên” nên người tố cáo bị vu oan?”. Chưa bước chân vào ngưỡng cửa trường ĐH, cô TS đã tự rút ra một bài học tiêu cực không đáng có về lòng trung thực, chỉ vì cho rằng từ một việc làm tốt mình đã phải lãnh hậu quả xấu.

 

Trong khi đó, cách xử lý kỷ luật phòng thi của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong trường hợp này cũng không đúng với qui chế. Nếu Trần Thanh Hà bị lập biên bản vì sử dụng tài liệu trong phòng thi với đầy đủ tang chứng thì theo đúng qui định, Hà phải bị đình chỉ thi ngay, không thể được tiếp tục dự thi môn còn lại.

 

Ngoài ra, chúng tôi không bàn đến vấn đề mà giờ đây hai mẹ con bà Nga vẫn còn băn khoăn: liệu TS quay cóp bị Thanh Hà tố cáo với cán bộ coi thi có phải là một TS “đặc biệt” hay không? Nhưng khi đã xác định Trần Thanh Hà bị kỷ luật oan, nhà trường cần phải chỉ ra TS nào là người phải bị hủy kết quả thi? Và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ xử lý như thế nào đối với những cán bộ đã lập biên bản “nhầm”? Liệu có phải một TS vi phạm qui chế đã lọt lưới kỷ luật?

 

Cũng phải nói thêm, cho đến lúc được minh oan, hai mẹ con bà Nga vẫn chưa được tận mắt nhìn tờ biên bản oan sai để biết nội dung chính xác cùng với chữ ký của TS trên đó.

 

Cuối cùng, có thể khẳng định vụ nhầm lẫn oan ức cho TS Trần Thanh Hà không chỉ đơn giản là một sơ suất mà nghiêm trọng hơn, đây là một vụ vi phạm qui chế thi tuyển sinh ĐH.

 

Theo An Khanh

Tuổi Trẻ

Dòng sự kiện: Ghép nhầm phách