Lãng đãng những ngày cuối năm trên “đất khách, quê người”

(Dân trí) - Đi du học, tôi không chỉ mang theo những hy vọng, những mong muốn, những quyết tâm để có thể thành công, mà đó còn là những “hương vị quê nhà” để vững tin, để nhớ về.

Và, khi những ngày cuối năm đang dần trôi, tôi lại nhận ra mình đang “thèm” nhiều thứ, nhớ gia đình, nhớ quê hương nhiều hơn, cũng như có thật nhiều tâm trạng nhưng thật khó để có thể diễn tả thành lời.

 

Từ những ngày đầu tháng 12, nhiều thành phố trên khắp nước Đức đã có thêm chợ Giáng sinh. Đây là chợ truyền thống và được diễn ra hàng năm trước lễ Giáng sinh và mọi người đều có thể đến đây để tham quan, chụp hình, mua đồ ấm, ăn xúc xích nướng cũng như uống rượu nóng. Tại đây, mọi người cũng có thể dễ dàng nghe lại những bản nhạc bất hủ dịp Noel được trình bày từ các nhạc sỹ đường phố.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với cái lạnh như cắt da, cắt thịt và tuyết rơi trắng xóa thì đó là thời gian tuyệt vời nhất với người bản xứ và báo hiệu một Giáng sinh đang về. Tôi cũng “trang bị” đồ ấm đến “tận răng”, cũng xách ba lô lên và hòa mình vào dòng người ngoài phố, hòa vào không khí của những ngày cuối năm nhưng cảm thấy mình lạc lõng. Giá như có người thân bên cạnh để cùng nhau chia sẽ thì ấm lòng hơn biết chừng nào.

 

Giáng sinh lại cận kề năm mới nên kỳ nghỉ được kéo dài nhiều ngày. Các siêu thị, cửa hàng lại nhộn nhịp hơn với nhiều khách hàng, nhiều quà tặng được bày bán cũng như những món hàng được giảm giá. Tôi cũng hòa vào không khí ấy để tìm mua những cái thiệp nhằm viết những lời chúc và gởi đến thầy cô, bạn bè. Nhưng tôi vẫn ước “giá như”, giá như tôi có thể được cùng người thân đi mua sắm ít nhiều và hỏi ý kiến hay trao đổi về một đồ dùng nào đó để không phải đắn đó quá nhiều trong khi mua.

 

Thời gian dường như trôi nhanh hơn vì ai cũng vội vã lên tàu để về sum họp với người thân, với gia đình. Bạn bè trong ký túc xá cũng đã trở về nhà hoặc ít nhất là đi đâu đó để “trú đông”. Lúc này, nỗi cô đơn trong tôi là có thật vì cho dù vẫn có thể trao đổi với gia đình ở Việt Nam qua Skype hay Facebook. Những buổi tiệc với người quen dịp cuối năm cũng phần nào làm vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Tuy nhiên, giá mà khoảng cách giữa Đức và Việt Nam trong thực tế cũng bằng... khoảng cách trên quả địa cầu thì hay biết nhường nào.

 

Thời gian trống vẫn còn nhiều và tôi lại thấy “thèm” những món ăn quê nhà nên không còn cách nào khác là phải tự tay “trổ tài nấu nướng” nó. Hết bún giò đến nem rán và hết cơm chiên thập cẩm đến thịt nướng. Món nào cũng thấy “thèm” nên món nào cũng muốn làm và thưởng thức. Nhưng khổ nỗi là trước giờ chỉ ăn mà không “lăn vào bếp” nên nay để thực hiện là một quá trình vất vả từ việc nhờ “bác sỹ Google” tư vấn cho đến mua gia vị và thực hiện. Ngon có, cháy có, mặn có, cháy có và cả mất thời gian rất nhiều nữa nhưng thật sự là đã có những trải nghiệm cũng như “trưởng thành” hơn mà nếu không đi du học, không tự làm thì chẳng biết khi nào mới “lớn” hơn.

 

Ôi, hết “thèm” rồi lại đến nhớ. Nhớ những năm tháng hễ cứ đến gần Noel là đạp xe hay đi bộ đến nhà thờ để ngắm nhìn hang đá. Rồi nào là những không khí rộn ràng ở chợ hoa trước Tết hay những món ngon ngày Tết và kể cả những lần ngồi nhìn mẹ gói bánh chưng, bánh tét đêm trước giao thừa. Càng đi xa, ở lâu thì lại càng nhớ nhà nhiều. Dù có đủ đầy đến thế nào thì cũng chưa hẳn là thôi đi những nỗi nhớ. Kỷ niệm có đẹp hay chưa được đẹp cũng sẽ được “lưu trữ” mãi trong tâm trí và là động lực để tiếp bước, để cố gắng và để trở về.

 

Văn hóa mỗi quốc gia, mỗi vùng miền là mỗi khác nhau. Biết được thêm nhiều nền văn hóa khác nhau là điều tuyệt vời. Nhưng, khi tôi lên đường đi du học thì tuổi đã không còn bé nên chắc chắn chẳng thể nào quên những “hình bóng quê nhà”. Ở một nơi thật xa, hàng ngày không thể chỉ mỗi nhớ về quê nhà vì còn quá nhiều việc phải nghĩ, phải lo, phải làm. Nhưng, tôi vẫn luôn dành những “chỗ đứng” nhất định trong tim để chứa những gì thuộc về quê hương, gia đình và cả Việt Nam.

 

Trong một “thế giới phẳng”, tôi biết rằng mình phải “hòa nhập” để phát triển hơn nữa. Nhưng, tôi sẽ không “hòa tan” vì chỉ có như vậy thì ít nhất tôi mới là chính tôi.

 

Nguyễn Quốc Vỹ

DHS Đức – nguyenquocvy@gmail.com