1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Làm việc tại Liên hợp quốc, nữ sinh Việt luôn hướng về quê nhà

Vũ Quỳnh Mai

(Dân trí) - Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ với điểm số tuyệt đối tại Đại học Boston (Mỹ), Vũ Bích Chi (SN 2001) làm việc tại Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ

Chi từng là học sinh chuyên Anh tại trường THPT Chuyên Trần Hưng Đạo, Phan Thiết. Trong những năm học cấp ba, cô đã sáng lập một tổ chức tình nguyện nhằm giúp đỡ và quyên góp cho người khuyết tật tại Phan Thiết, đồng thời tham gia giảng dạy tiếng Anh cho người lớn, chơi piano và phụ giúp quản lý cửa hàng của bố mẹ.

Nhờ thành tích học tập xuất sắc và kinh nghiệm tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, nữ sinh Việt đã giành được học bổng và theo học cử nhân tại Đại học Augustana tại Illinois (Mỹ), với hai chuyên ngành Nghiên cứu Truyền thông và Quản trị Kinh doanh, Marketing.

Làm việc tại Liên hợp quốc, nữ sinh Việt luôn hướng về quê nhà - 1

Vũ Bích Chi từng theo học hai chuyên ngành Nghiên cứu Truyền thông và Quản trị Kinh doanh, Marketing tại Đại học Augustana (Illinois, Mỹ) (Ảnh: NVCC).

Suốt bốn năm đại học, cô gái sinh năm 2001 luôn nỗ lực không ngừng trong học tập, đạt điểm trung bình 3.98/4.0 và giành danh hiệu Summa Cum Laude (danh hiệu học thuật cao quý nhất, trao cho top 1-5% sinh viên của trường). Cô tốt nghiệp xuất sắc và vinh dự là người cầm cờ dẫn đầu đoàn sinh viên trong lễ tốt nghiệp.

Đầu năm thứ ba, cô nàng tham gia chương trình du học tại London, chương trình cho phép sinh viên Mỹ học tập tại các quốc gia khác trong một khoảng thời gian nhất định như một phần của chương trình học đại học của họ. Tại Anh, Chi đạt điểm trung bình tuyệt đối (4.0/4.0) và nhận giải thưởng sinh viên xuất sắc nhất trong các lớp Marketing và Hành vi Tổ chức.

Khi lên bậc Thạc sĩ, Chi giành được suất học bổng có trả lương duy nhất tại Đại học Boston với chuyên ngành Nghiên cứu Truyền thông mới nổi, tập trung vào nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, không gian ảo, và thực tế ảo. Cô tốt nghiệp Thạc sĩ với điểm số tuyệt đối (4.0/4.0).

Nữ sinh Gen Z chia sẻ bí quyết duy trì thành tích học tập xuất sắc của mình nằm ở nền tảng ngôn ngữ vững chắc. Trên lớp, cô luôn chú ý lắng nghe để khi về nhà không mất nhiều thời gian ôn tập. Bên cạnh đó, Chi không ngần ngại đặt câu hỏi trong giờ học.

"Mình luôn có quan điểm rằng, không có câu hỏi nào là ngớ ngẩn cả, có thể điều mình thắc mắc cũng là điều người khác đang băn khoăn. Mình hiểu rõ cách học hiệu quả nhất của bản thân là thông qua việc lắng nghe giảng, đặt câu hỏi và giao tiếp với giáo sư", cô cho biết.

Làm việc tại Liên hợp quốc, nữ sinh Việt luôn hướng về quê nhà - 2

Cô gái đến từ Phan Thiết từng giành giải nhất cuộc thi kế hoạch kinh doanh do ĐH Augustana tổ chức (Ảnh: NVCC).

Chính nhờ điều này, cô gái đến từ Phan Thiết có thêm nhiều thời gian ngoài giờ học để tham gia tích cực vào các hoạt động và tổ chức trong trường. Cô từng là Chủ tịch Omicron Delta Kappa (Hiệp hội Danh dự Lãnh đạo Quốc gia tại Hoa Kỳ của sinh viên), Chủ tịch Chi hội Liên đoàn Quảng cáo Mỹ tại Đại học Augustana, thành viên Hội nữ sinh Chi Alpha Pi, đảm nhiệm vai trò soprano 1 trong dàn hợp xướng Augustana, Đại sứ Quốc tế của trường, gia sư Đọc/Viết, và quản lý dự án tại Trung tâm Khởi nghiệp của Augustana.

Khi theo học Thạc sĩ tại Đại học Boston, Chi tiếp tục đảm nhận các vai trò như trợ lý xem xét chương trình giảng dạy và trợ lý Truyền thông Marketing tại Trung tâm Thể dục và Giải trí của trường.

Không ngừng vươn lên và khát vọng cống hiến cho nước nhà

Điều đáng ngưỡng mộ ở nữ sinh 10x là tinh thần cầu tiến và ham học hỏi. Cô bắt đầu đi thực tập ngay từ năm nhất đại học và luôn tìm kiếm cơ hội để tích lũy kinh nghiệm quý báu.

Chi từng là thực tập sinh tại một công ty khởi nghiệp trong trường, thực tập sinh quản lý mạng xã hội và thiết kế đồ họa tại một công ty khởi nghiệp ở Anh, thực tập sinh nghiên cứu ung thư tuyến tiền liệt (sau đó được nhận lời mời làm toàn thời gian) tại MD Anderson Cancer Center (trung tâm ung thư hàng đầu thế giới) và thực tập sinh tiếp thị chiến lược tại Wasserman (công ty tiếp thị thể thao và quản lý tài năng).

Làm việc tại Liên hợp quốc, nữ sinh Việt luôn hướng về quê nhà - 3

Bích Chi tham gia tích cực vào các hoạt động, tổ chức trong và ngoài trường để tích lũy kinh nghiệm quý báu (Ảnh: NVCC).

Bí quyết mà nữ sinh Việt luôn tâm đắc khi tham gia nhiều hoạt động và công việc chính là sự chủ động trong giao tiếp. Chi tâm sự: "Mình thường xuyên trò chuyện với nhiều người, và khi họ thấy mình phù hợp, họ sẽ giới thiệu mình với giáo sư hay sếp.

Mình luôn cố gắng là chính mình, không cần phải chạy theo ai khác. Khi giao tiếp với nhiều người, họ sẽ hiểu rõ năng lực và đạo đức nghề nghiệp của mình, giúp mọi việc trở nên dễ dàng hơn.

Vì vậy, khi đi xin việc, mình có cơ hội được nhận cao hơn vì người ta đã biết mình là ai. Mình nghĩ khi đi du học, chúng ta nên mạnh dạn kết nối và trò chuyện với mọi người xung quanh để trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn".

Dù bận rộn, Chi vẫn nhận lời tham gia tư vấn nghề nghiệp tại YBOX (mạng xã hội thông tin chất lượng cao dành cho sinh viên và giới trẻ Việt Nam). Cô đã hướng dẫn và cố vấn cho năm sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ họ thành công trong việc nộp hồ sơ du học và đạt được vị trí tại các tổ chức uy tín như Heineken, HSBC Bank và L'Oreal Việt Nam.

Làm việc tại Liên hợp quốc, nữ sinh Việt luôn hướng về quê nhà - 4

Cô từng tốt nghiệp thạc sĩ với điểm số tuyệt đối (4.0/4.0) tại ĐH Boston, Mỹ (Ảnh: NVCC).

Hiện tại, cô gái Gen Z này đang làm cộng tác viên dữ liệu và AI tại Quỹ Phân tích rủi ro phức hợp (CRAF'd) của Liên hợp quốc. Tại đây, nữ sinh sinh năm 2001 có cơ hội quý báu được làm việc với những đồng nghiệp có chức vụ cao nhưng luôn tôn trọng và lắng nghe lẫn nhau.

Chi cảm thấy tự hào khi là người Việt Nam duy nhất trong văn phòng. "Mình chia sẻ với đồng nghiệp rất nhiều về nơi mình sinh ra, về văn hóa Việt Nam và những điều mình tự hào. Mình muốn họ thấy những hình ảnh đẹp nhất về đất nước và con người Việt Nam, những con người rất thân thiện.

Mình luôn tự nhủ rằng mọi việc mình làm không chỉ là đại diện cho Liên Hợp Quốc mà còn cho đất nước mình. Vì vậy, lúc nào mình cũng cảm thấy có áp lực phải sống và làm việc có trách nhiệm", cô tâm sự.

Làm việc tại Liên hợp quốc, nữ sinh Việt luôn hướng về quê nhà - 5

Cô gái Gen Z này đang làm cộng tác viên dữ liệu và AI tại Quỹ Phân tích rủi ro phức hợp (CRAF'd) của Liên hợp quốc (Ảnh: NVCC).

Cô gái Phan Thiết luôn ấp ủ mong muốn giúp đỡ các bạn sinh viên Việt Nam là thế hệ đầu tiên trong gia đình vào đại học, những bạn có hoàn cảnh khó khăn. "Mình và một người anh đang học Tiến sĩ ngành Truyền thông đã thành lập một khóa học nghiên cứu truyền thông để mang nền giáo dục Mỹ về Việt Nam.

Sau khi hoàn thành tiến sĩ, mình muốn mở một trung tâm nghiên cứu ở Việt Nam để đóng góp cho sự phát triển của nền nghiên cứu nước nhà và tạo cơ hội cho các bạn sinh viên học tập tại Mỹ nói riêng, cũng như các nơi trên thế giới nói chung, đến tham gia nghiên cứu liên ngành tại Việt Nam, nhằm kết nối văn hóa và giáo dục giữa hai nước.

Là học sinh thế hệ đầu (first-generation student), mình hiểu được những khó khăn khi thiếu sự hỗ trợ và hướng dẫn từ những người đi trước. Vì thế, mình muốn tuyển các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ tạo việc làm cho họ, vì mình tin rằng các bạn rất giỏi, chăm chỉ và có tư duy tốt", Chi khẳng định.