Hà Tĩnh:

Lạm thu, trường phải trả lại tiền cho học sinh

(Dân trí) -HĐND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã yêu cầu Trường THPT Cao Thắng đình chỉ, loại bỏ các khoản thu, các khoản trích phục vụ các hoạt động không đúng quy định. Đồng thời trả lại số tiền đã thu cao hơn mức trung bình chung của các trường trên địa bàn (30%) cho học sinh.

Thời gian qua, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản ánh của các bậc phụ huynh ở Trường THPT Cao Thắng (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) về việc con em họ phải đóng rất nhiều khoản bất hợp lý, đặc biệt trong năm học 2012-2013 phải đóng tiền xây dựng khá cao.
 
Mặc dù đã có văn bản hướng dẫn của trên về việc tổ chức huy động các khoản đóng góp của cha mẹ học sinh, đồng thời bản dự thảo về các khoản thu chưa được các cấp phê duyệt, nhưng Trường THPT Cao Thắng vẫn tự ý tiến hành thu nhiều khoản phí “trời ơi đất hỡi”.
 
Trường THPT Cao Thắng (Hương Sơn, Hà Tĩnh).
Trường THPT Cao Thắng (Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Cụ thể năm học 2012 - 2013, nhà trường đã tổ chức thu tới 9 khoản đầu năm, đó là: xây dựng, sữa chữa bàn ghế, trường lớp; mua sắm thiết bị, bàn ghế; gửi xe đạp; phục vụ các hoạt động khác; quỹ hội khuyến học; in ấn tài liệu; ghế nhựa cá nhân; bảo hiểm thân thể; bảo hiểm Y tế. Riêng khoản đóng góp tiền xây dựng (TXD), trường đã “huy động” cao hơn rất nhiều so với các trường THPT trên địa bàn.

Trường THPT Cao Thắng hiện có 26 lớp với hơn 1.200 học sinh thuộc 9 xã của huyện Hương Sơn. Theo bản thu của nhà trường, nếu chưa kể tiền Bảo hiểm thì mỗi học sinh Khối 10 phải đóng 1.754.600đ (trong đó, TXD 1.050.000đ), Khối 11 đóng 1.225.600đ (trong đó, tiền xây dựng 850.000đ) và khối 12 đóng 1.439.600đ (trong đó, tiền xây dựng 750.000đ).

Trường THPT Cao Thắng (Hương Sơn, Hà Tĩnh).
Ngoài các khoản thu chính, học sinh trường THPT Cao Thắng còn phải đóng góp thêm nhiều khoản thu khác trái quy định.
 
Ngoài ra, lãnh đạo nhà trường còn cho thu tiền lao động, tiền vệ sinh, trực nhật, trực tuần... Trong đó, một số khoản thu trái với quy định như tiền điện, nước, tiền chi thưởng cho giáo viên dạy giỏi, hỗ trợ thi tốt nghiệp, trích phần trăm cho người thu, ban tài vụ, lãnh đạo đơn vị...

Một phụ huynh có con đang học lớp 10 tại Trường THPT Cao Thắng cho biết: “Chúng tôi cũng không biết các khoản phí nào thì được thu, khoản nào thì tự nguyện nên nhà trường bảo đóng góp thì phải đóng góp. Riêng tiền xây dựng không biết vì sao mà năm nay nhà trường thu cao quá, nhiều hơn mọi năm từ 2 trăm đến 3 trăm nghìn”.

Nhiều phụ huynh còn bức xúc: “Chúng tôi thực sự không hiểu, nhà trường đã thu tiền xây dựng, sửa chữa bàn ghế, trường lớp rồi mà lại còn thu thêm tiền mua sắm thiết bị, bàn ghế... rồi quỹ hội, tiền phục vụ các hoạt động khác nghĩa là thế nào, trong khi các trường khác không thu nhiều khoán như thế này”.

Điều đáng nói là bản dự thảo về các khoản thu của nhà trường chưa được sự phê duyệt của UBND, Thường trực HĐND huyện Hương Sơn nhưng nhà trường đã vội “huy động” đóng góp của nhân dân.
 
Trao đổi với Dân trí, ông Trần Hoài - hiệu trường Trường Cao Thắng lý giải: “Việc năm nay nhà trường thu tiền xây dựng cao là để có tiền trả số nợ cũ của các năm trước (600 triệu) và để nhận được số tiền 900 triệu hỗ trợ của UBND tỉnh, bắt buộc nhà trường phải xây dựng công trình 6 phòng học mới nhận được số tiền trên, trong khi số tiền để xây công trình này lên tới gần 3,5 tỷ đồng”.

Khi được hỏi tại sao khi chưa được sự phê duyệt nhất trí với các khoản thu của cấp trên, cụ thể là từ phía UBND, Thường trực HĐND huyện mà nhà trường đã tiến hành thu thì ông Hoài giải thích: “Đây chỉ là “tạm thu”, chúng tôi biết làm như vậy là chưa đúng quy trình thủ tục, nhưng công trình đang thi công dang dở nên “bắt buộc” phải thu như thế. Chúng tôi cũng đã trình lên huyện, đang chờ phê duyệt nhưng nhà trường đang rất cần tiền. Với lại phụ huynh họ cũng “đồng ý” nên chúng tôi thu thôi!, biết tạm thu là không nên nhưng làm thế sẽ thuận lợi cho nhà trường!”.

Còn các khoản như tiền điện, tiền chi thưởng cho giáo viên giỏi, trích phần trăm…thì ông Hoài cho biết là do Hội phụ huynh đứng ra làm chứ nhà trường không trực tiếp thu.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Phan Văn Hòa - Ủy viên Thường trực HĐND huyện Hương Sơn cho biết: “Việc đóng góp phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, không được áp dụng bất cứ hình thức ép buộc nào, không bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh. Quy định huy động đóng góp phải có sự thống nhất về chủ trương, kế hoạch triển khai thực hiện trong Ban Giám hiệu, Hội đồng nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh đồng thời phải được sự đồng ý của cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp và Thường trực HĐND. Điều này đã được nêu rõ trong văn bản của liên Sở tài chính và Sở GĐ&ĐT Hà Tĩnh. Nhưng Trường THPT Cao Thắng chưa thực hiện mà đã vội huy động đóng góp là trái với quy định".
 
"Sau khi nhận được phản ảnh của các bậc phụ huynh, chúng tôi cũng đã yêu cầu nhà trường soát xét lại những khoản thu tự nguyện trong năm 2012-2013 và đình chỉ loại bỏ các khoản thu, các khoản trích phục vụ các hoạt động không đúng quy định pháp luật như các văn bản hướng dẫn của cấp trên. Đồng thời trả lại số tiền đã thu cao hơn mức trung bình chung của các trường trên địa bàn (30%) cho học sinh” - ông Hòa khẳng định.

     Xuân Sinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm