Quảng Ngãi:

Lạm thu ở ngôi trường đạt chuẩn quốc gia

(Dân trí) - Nhiều phụ huynh ở xã Nghĩa Hà (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) bức xúc khi Trường tiểu học Đông Hà tiến hành thu tiền đầu năm với 16 khoản thu, đặc biệt có khoản thu xây dựng nhà để xe nhiều khối lớp học trong nhiều năm qua.

Qua tìm hiểu của PV Dân trí, đa phần các phụ huynh đều bức xúc về khoản thu tiền xây dựng nhà để xe với 80.000 đồng/học sinh (trường hợp một hộ có 2 con cùng học trong trường thì được giảm một học sinh), học phí và phụ đạo. 

Với danh sách các khoản thu do phụ huynh cung cấp gồm tiền xây dựng nhà để xe (80.000 đồng), phụ đạo (50.000đ x 9 tháng), nước uống (20.000đ), tiền điện (20.000đ), quỹ lớp (10.000đ), học phí (60.000đ), khen thưởng (30.000đ), hoạt động đội (10.000đ), bảo vệ trực đêm và vệ sinh (20.000đ), bảo hiểm y tế (264.000đ), bảo hiểm thân thể (60.000đ), bảng tên và logo thêu trên đồng phục (21.000đ), ghế nhựa dùng ngồi chào cờ (15.000đ), quần áo thể dục (50.000đ), quần áo đồng phục (130.000đ) và kế hoạch nhỏ (7.000đ). Tổng số tiền trên 1,2 triệu đồng.

Các khoản tiền do phụ huynh ghi lại.
Các khoản tiền do phụ huynh ghi lại.

Khi PV Dân trí đề nghị nhà trường cung cấp danh sách các khoản thu đầu năm 2012-2013 vào chiều ngày 9/10, thầy Đặng Tấn Lực - hiệu phó Trường tiểu học Đông Hà yêu cầu kế toán in danh sách các khoản thu chỉ gồm tiền hội phí (tức học phí) là 60.000 đồng/HS, quỹ khuyến học (khoản khen thưởng) với 30.000đ/HS, kế hoạch nhỏ (7.000đ/HS) và hoạt động đội (10.000đ/HS). Tổng 4 khoản thu là 107.000đ/HS mà nhà trường trình Hội đồng nhân dân xã Nghĩa Hà về dự kiến các khoản thu trong năm học.

Đáng lưu ý, Tờ trình HĐND xã trên còn nêu: “Để các hoạt động của nhà trường ổn định và sớm triển khai trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, đề nghị HĐND xã cho chủ trương để trường thực hiện nhiệm vụ năm học đạt hiệu quả”.

Tờ trình với 4 khoản thu mà nhà trường cung cấp cho PV
Tờ trình với 4 khoản thu mà nhà trường cung cấp cho PV Dân trí.

Phụ huynh C. tâm sự: “Ở miền quê thuần nông thì lấy đâu nhiều tiền để đóng cho con như vậy. Điều chúng tôi bức xúc nhất là khoản thu để xây dựng nhà xe, trong khi có nhiều cháu ba mẹ chở đi học hoặc đi bộ mà lại thu toàn bộ HS trong trường”.

Hiệu phó Trường tiểu học Đông Hà cho biết: “Năm học 2012-2013, toàn trường có 318 HS với 10 lớp học. Nhà trường vinh dự đón nhận danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2011. Sắp tới trường tiến hành xây dựng nhà để xe cho HS từ nguồn kinh phí do Ban đại diện cha mẹ HS vận động, hiện nhà trường đang chờ ý kiến của UBND xã Nghĩa Hà”.

Tuy nhiên, trên thực tế thì nhà trường đã thông báo mức thu cụ thể là 80.000 đồng/HS từ ngày họp phụ huynh đầu năm học 2012-2013. Quyết định số 20/2011/QĐ-UBND ngày 21/9/2011 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về thu và chi của Ban đại diện cha mẹ HS, nêu: “Thu theo nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc, không quy định mức thu cụ thể; cuối năm học kinh phí chưa sử dụng được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng”.

Thế nhưng, khoản thu trên đều được giáo viên chủ nhiệm thông báo mức thu cụ thể đến phụ huynh HS và yêu cầu nộp các khoản thu đầu năm học 2012-2013.

Cũng là vấn đề thu tiền xây dựng nhà để xe cho HS, một phụ huynh có con đang học lớp 10 (đề nghị giấu tên) cho biết: “Lúc con tôi học ở Trường tiểu học Đông Hà cũng bị thu khoản tiền xây dựng nhà để xe, không chỉ một năm mà năm nào cũng vậy. Đến giờ, con tôi học cấp 3 rồi lại nghe nhiều phụ huynh khác bức xúc về việc thu khoản tiền này. Năm nào cũng thu toàn bộ HS gần 10 năm qua nhưng chẳng thấy đâu”.

Tiền xây dựng nhà để xe là khoản thu tiêu biểu với danh nghĩa của Ban đại diện cha mẹ HS. Ngoài ra, Trường tiểu học Đông Hà còn vận dụng khoản thu gọi là tiền “học phí” và “phụ đạo”.

Theo Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, khoản thu bắt buộc gồm thu học phí, lệ phí thi tốt nghiệp nghề phổ thông và bảo hiểm y tế. Đối với khoản thu hộ, Sở quy định các khoản thu gồm bảo hiểm thân thể (đây là khoản thu tự nguyện, không bắt buộc), mua sắm phục vụ trực tiếp cho HS như tiền quần áo đồng phục, thể dục, phù hiệu,…

Tại tỉnh Quảng Ngãi, các trường phổ thông áp dụng mức thu học phí theo Quyết định số 37/2010/QĐ-UBND ngày 27/12/2010 thì học sinh Trường tiểu học Đông Hà được áp dụng khung học phí ở khu vực nông thôn là 25.000 đồng/HS (2 buổi/ngày). Như vậy, với khoản thu học phí 60.000đ/HS (buổi sáng) và phụ đạo buổi chiều (50.000đ/HS) thì có gọi là “lạm thu” hay không?

Thầy Đặng Tấn Lực nói: “Buổi sáng, các em học theo chương trình đã quy định, còn buổi chiều chỉ phụ đạo cho các HS yếu và kém. Riêng thứ 6 là bồi dưỡng HS giỏi”. Rõ ràng không phải HS nào cũng được học 2 buổi/ngày trong một tuần.

Ông Thái Văn Đồng - giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi khẳng định: “Nếu ngành phát hiện trường nào lạm thu, tôi yêu cầu trả lại tiền cho phụ huynh. Trường hợp sai phạm thuộc về hiệu trưởng thì ban giám hiệu đó phải chịu án kỷ luật thích đáng”.

Dự kiến, trong tháng 10 và 11/2012, Sở GD-ĐT Quảng Ngãi phối hợp với các Phòng GD-ĐT và đơn vị liên quan tiến hành thanh tra các khoản thu, chi đầu năm ở các trường học trong toàn tỉnh.
 
Nơi không hề có “khái niệm” lạm thu 
 

Cứ vào đầu năm học mới, tại nhiều địa phương diễn ra tình trạng biến tướng các khoản thu đầu năm khiến phụ huynh “chao đảo” và chạy theo hàng chục khoản thu “trên trời”. Thế nhưng, trên huyện đảo Lý Sơn, phụ huynh chưa bao giờ rơi vào cảnh lạm thu đầu năm học. Các khoản thu đều không vượt quá 500.000 đồng/HS cho tất cả các khoản thu.

 
Có con đang học tập trên đảo Lý Sơn, ông Trương Văn Sửu - Chánh văn phòng UBND huyện Lý Sơn khẳng định: “Từ bao đời nay, phụ huynh ở đây chưa bao giờ nặng nề với các khoản thu của nhà trường. Người dân nơi đây đều khó khăn, thiếu thốn”.
 

Anh Văn Mịnh (ngụ xã An Vĩnh) cho biết: “Tôi có 2 con đang học cấp Tiểu học và THCS, các khoản thu đầu năm, mỗi cháu thu chưa đến 500.000 đồng. Tôi thấy các khoản thu rất hợp lý, thiết thực chứ nhà trường không thu tràn lan như các tỉnh khác”. 

 
Học sinh huyện đảo Lý Sơn.
Học sinh huyện đảo Lý Sơn.
 
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Nhụ - Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Lý Sơn cho biết: “Hàng năm, chúng tôi quán triệt các nhà trường thực hiện nghiêm việc thu chi hợp lý. Cho đến nay, trên địa bàn huyện Lý Sơn chưa có trường hợp trường nào lạm thu mà phụ huynh khiếu nại. Hầu hết các khoản thu của Hội phụ huynh đều xin ý kiến Đảng ủy cơ sở và huyện. Riêng các trường hợp HS khó khăn, không những ngành vận động đến lớp mà còn hỗ trợ chi phí, sách vở để giúp có điều kiện học tập, nhờ đó, công tác phổ cập giáo dục luôn giữ vững trong nhiều năm qua”.
 
Hiện huyện đảo Lý Sơn với trên 21.000 dân và gần 6.000 trẻ em, HS đang sống và học tập trên diện tích gần 10km2. HS ở đây chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn về địa lý, điều kiện học tập, công nghệ thông tin, điện, nước… Cùng với công tác giáo dục, huyện Lý Sơn thường xuyên chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho HS. Năm học 2011-2012, phòng GD&ĐT huyện, trường THPT luôn phối hợp với Hội Khuyến học huyện, Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn đến trường với 1.607 suất học bổng, trị giá khoảng 545 triệu đồng.

Hồng Long