Làm thế nào khi trẻ sợ... đi học?

(Dân trí) - Nôn ói, đau bụng, đàu đầu, mê sảng… là những triệu chứng sợ đi học mà nhiều trẻ ngày đầu đến trường có thể gặp phải. Triệu chứng tâm lý này rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý và nếu không khắc phục sớm có thể gây ám ảnh lâu dài với trẻ.

Nôn ói vì sợ đi học

Với nhiều trẻ từ nhỏ lúc nào cũng có người thân kè kè bên cạnh, đáp ứng mọi yêu cầu thì việc tách gia đình để đến trường là vấn đề nan giải. Ngay từ ngày đầu đến trường, nhiều trẻ có phản ứng như bám chặt lấy bố mẹ, khóc thét, kêu la dữ dội, không chịu vào lớp học… Tiếp những ngày sau đó, không ít phụ huynh phải cuống cuồng cho con uống thuốc hoặc đưa đến bệnh viện khi các trẻ có các tiệu chứng như nôn ói, sốt, đau bụng, đau đầu… nhưng điều trị mãi không hết bệnh. Thật ra vấn đề nhiều trẻ mắc phải vào mùa tựu trường là về tâm lý, sợ đi học chứ không không phải là bệnh lý.

Không chấp nhận sự chia ly, nhiều trẻ sốc khi đột ngột thay đổi môi trường.

Không chấp nhận sự chia ly, nhiều trẻ "sốc" khi đột ngột thay đổi môi trường.

Chị Trần Thị Nhung, nhà ở Q.11, TPHCM cho biết, từ giữa tháng 6, chị đã đưa cô con gái 4 tuổi đến trường mầm non gần nhà học hè để chuẩn bị cho năm học mới nhưng bất thành. Cháu liên tục có các dấu hiệu nôn ói, đau bụng, đau đầu... và bị sụt cân nhanh. Cho con uống thuốc tại nhà mà không bớt, chị tức tốc đưa con đến đi khám lâm sàng nhưng không phát hiện ra vấn đề gì mà cần phải theo dõi thêm.
 

Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho hay, đầu năm trường tiểu học phải dành ít nhất 1 tuần lễ đầu năm học để hướng dẫn HS làm quen với không gian, nề nếp học tập ở lớp 1, trước khi vào chương trình. Giáo viên chủ nhiệm tuyệt đối không dọa nạt, to tiếng làm trẻ sợ hãi. Đồng thời, thường xuyên trao đổi hợp tác với cha mẹ học sinh về những trường hợp HS có biểu hiện sợ sệt, khóc nhè… giúp trẻ tự tin và thích đi học.

“Khi cháu khỏe lại, tôi có ý định đưa trở lại trường, nhưng vừa lôi cặp sách ra lập tức bệnh nôn ói, đau bụng của cháu tái phát. Đến lúc này bác sĩ mới khẳng định cháu gặp phải hội chứng sợ đi học và giới thiệu tôi qua khoa tâm lý”, chị Nhung kể.

Sau khi được bác sĩ tư vấn, chị nhận ra nguyên nhân lâu nay cả gia đình quá cưng chiều con, bố mẹ chưa bao giờ rời xa cháu một ngày. Kể cả khi cháu 3 tuổi, vợ chồng chị không cho con đến trường mà để ở nhà thay nhau chăm bẵm. “Đến giờ “bệnh” cháu vẫn chưa bớt, e rằng năm học mới cũng không kịp đi học”, người mẹ lo lắng.

Vào mùa tựu trường, tại khoa Tâm lý của các bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 cũng như các trung tâm tâm lý, trẻ mắc bệnh “sợ đi học” lại đến thăm khám nhiều hơn, đông nhất là các cháu bắt đầu đi học mẫu giáo và vào lớp 1.

Theo các chuyên gia, ngoài những trẻ sợ đến lớp do thua kém bạn bè vì trí tuệ chậm phát triển, hay đi học trước tuổi thì phần lớn trẻ sợ đi học chủ yếu do các yếu tố bên ngoài tác động vào. Gia đình quá o bế, cưng chiều, không tạo điều kiện cho con tự lập từ những việc chăm sóc cá nhân…, trẻ luôn “bám váy mẹ” cho đến ngày đi học hay cá biệt có trường hợp trẻ bị giáo viên hù dọa, làm trẻ sợ hãi. 

Do thiếu sự tự lập, được bao bọc quá mức nên khi đột ngột thay đổi môi trường sống trẻ cảm thấy sợ hãi, bất an… cho rằng những người thân đang xa lánh mình. Thế nên trẻ hình thành phản ứng tâm lý như đau bụng, nôn ói, biếng ăn… như là một cách phản kháng. Tuy nhiên, đó cũng là phản ứng để dần thích nghi với sự thay đổi. Nhiều phụ huynh thấy con minfh như vậy đã quá hốt hoảng, lo lắng, đưa con về nhà và tiếp tục “o bế” nên quá trình đến trường của trẻ càng khó khăn hơn.

“Bù đắp” sự chia ly cho trẻ

Theo chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ (Công ty Tâm lý Trẻ), trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, vào lớp 1 rơi vào hội chứng sợ trường lớp đa phần là do sợ xa cách cha mẹ, sợ không an toàn. Do đó, để con hứng thú với việc đến trường ngay từ những ngày đầu, từ nhỏ cha mẹ nên tách trẻ ra khỏi mình theo một lịch trình điều độ và tăng dần về mặt thời gian.

Ngay ở trong gia đình, tên tạo cho trẻ không không gian và thời gian một mình trong sự quan sát của bố mẹ nhằm đảm bảo an toàn. Cha mẹ nên dạy con tự lập càng sớm càng tốt, đặc biệt là cách chăm sóc bản thân như đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh… để khi gặp môi trường mới, trẻ không quá hụt hẫng.

Giáo viên sẽ là người bù đắp tình cảm cho trẻ khi làm quen với sự xa cách từ gia đình.

Giáo viên sẽ là người "bù đắp" tình cảm cho trẻ khi làm quen với sự xa cách từ gia đình.

Bà Huệ nhấn mạnh, phản ứng của cha mẹ quyết định rất nhiều đến hứng thú học tập của con. Không ít phụ huynh đưa con đến trường mà tâm trạng họ cũng bất an, luôn bịn rịn khi trẻ vào lớp, đón trẻ là ôm lấy hỏi dồn dập như có mẹ đây rồi, con có bị làm sao không… thì lo lắng đó sẽ truyền qua đứa trẻ. Vì thế trước hết bố mẹ cần tin tưởng, thấy yên tâm khi con đến trường thì mới giảm được cảm giác lo sợ cho con.
 
Bác sĩ Nguyễn Văn Ca (Phó khoa Tâm thần kinh, bệnh viện 175) cho hay, khi trẻ đi học có các triệu chứng nôn ói, đau đầu, đau bụng… cần phải xác định rõ là biểu hiện của rối loạn chia ly hay là bệnh lý để có đúng phương pháp khắc phục phù hợp vì rất dễ bị nhẫm lẫn.

Với trẻ sợ đi học, trước vài ngày ngày nhập học, bác sĩ Ca khuyên phụ huynh nên đưa con đến trường vui chơi, nói với trẻ rằng sắp tới con sẽ đi học ở đây, kể cho con những câu chuyện về thầy cô, bạn bè. Ngoài ra, khi rời cha mẹ, trẻ cần được bù đắp cho sự chia ly để cảm giác mình được an toàn. Vì thế, đòi hỏi người giáo viên phải tình cảm, có kinh nghiệm và kỹ năng sư phạm phù hợp với lứa tuổi. Một trong những cách hiệu quả khác là tìm ngay cho một người bạn cùng lớp để trẻ vừa thích thú và lại yên tâm khi đi học.

Bác sĩ Ca khuyến cáo, với những trẻ gặp phải hội chứng sợ đi học, cần phải khắc phục, điều trị sớm để trẻ không bị ám ảnh nỗi sợ trường lớp có thể ảnh hưởng về lâu dài.

Hoài Nam