Làm thế nào để bước chậm lại?

(Dân trí) - Với rất nhiều người trong số chúng ta, hàng ngày chúng ta cuốn mình vào công việc, lúc nào chúng ta cũng vội vàng - ăn vội, nói vội, đến bước đi cũng vội. Nhiều lúc chúng ta ước giá như mình có thêm mấy tiếng đồng hồ mỗi ngày. Bạn có thấy mình rơi vào tình trạng đó? Có khi nào bạn nghĩ mình cần bước chậm lại?

Nếu bạn đang bước nhanh, dĩ nhiên là bạn cần bước chậm lại. Và nếu bạn chưa biết làm thế nào để giảm tốc độ, thì cuốn sách “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã” (tác giả: Đại đức Hae Min, do NXB Hội Nhà văn phát hành) sẽ có thể mang tới giải pháp cho bạn.

Đại đức Hae Min (43 tuổi) sinh ra và lớn lên tại Hàn Quốc, theo học đại học tại Mỹ. Ông hoàn thành bằng Thạc sĩ Tôn giáo học đối chiếu ở Đại học Harvard và Tiến sĩ Tôn giáo học ở Đại học Princeton. Ông trở thành nhà sư khi đang học Harvard. Ông đã giảng dạy về tôn giáo ở Trường Đại học Hampshire (bang Massachusetts, Mỹ) trong một số năm trước khi trở về Hàn Quốc vài năm trước.


Đại đức Hae Min - tác giả cuốn sách “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã”.

Đại đức Hae Min - tác giả cuốn sách “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã”.

Cuốn sách “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã” là tuyển tập gồm một số bài luận và hơn 300 tản văn là những bài viết mà nhà sư Hae Min chia sẻ qua mạng xã hội Twitter khi ông sống ở Mỹ và có ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ Hàn Quốc.

“Với những ai đang kiệt sức vì cuộc sống bộn bề, những ai muốn sống bớt lo âu phiền não mà chưa được toại nguyện, những ai đang khổ sở vì khó chịu và ghét bỏ người nào đó, những ai đang mong mỏi một cuộc sống tràn đầy tình yêu thương, tôi hy vọng cuốn sách này sẽ trở thành một phần sức mạnh, dù là nhỏ bé, cho họ.”

Đúng như chia sẻ của Đại đức Hae Min trong phần mở đầu sách, khi đọc xong cuốn sách này, thậm chí khi đang đọc, bạn đã cảm nhận được sự thay đổi nơi bản thân mình: thấy tâm hồn thư thái trở lại, biết mình sẽ trở nên bao dung hơn, yêu thương hơn chính mình cũng như những người khác.

“…Và tôi bảo họ rằng nếu cứ liên tục bước đi thật nhanh như thế, thì sẽ có lúc họ để vuột mất những thứ thực sự quan trọng với mình. Tôi bảo họ cùng tôi, tạm dừng chân một chút trong hiện tại để ngắm nhìn rõ hơn chính bản thân mình.” - Đại đức Hae Min

Cuốn sách gồm những tản văn nhẹ nhàng mà mỗi dòng chữ dù là lời khuyên nhủ trực tiếp, hay là lời “gợi mở” của nhà sư Hae Min, đều khiến bạn phải dừng lại suy nghĩ, liên hệ đến bản thân mình.

Đọc cuốn sách rồi, tự dưng bạn sẽ tìm thấy giải pháp cho những vấn đề tồn tại bấy lâu của mình. Bạn sẽ biết được hiện tại mình nên làm gì để hướng tới một cuộc sống hạnh phúc và tràn đầy tình yêu thương.

Với tôi, “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã” như một cuốn sách dạy về đạo đức, về sống đẹp. Không bằng những lời “đao to búa lớn”, chỉ với những câu từ dung dị, đầy chất thơ mà đủ sức “đánh động” tâm can. Có thể, khi biết tác giả là một nhà sư, bạn sẽ cảm thấy e ngại. Nhưng khi đọc sách rồi, bạn sẽ thấy Đại đức Hae Min đã gửi gắm rất nhẹ nhàng những lời khuyên nhủ tới mọi người. Qua cuốn sách, nhà sư Hae Min như một người bạn đồng hành, giúp chúng ta “gỡ rối” những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày (công việc, các mối quan hệ, tình yêu…). Ông cũng chia sẻ quan điểm về tôn giáo cuộc sống tu hành của mình mà qua đó “người ngoại đạo” vẫn học hỏi được rất nhiều điều.

“Tình yêu là yêu tất cả những gì thuộc về người ấy. Nếu có hy vọng người ấy sẽ thay đổi thế này thế kia. Thì đó không phải là tình yêu, mà là phản chiếu nguyện vọng của chính bản thân bạn.” - Đại đức Hae Min
“Tình yêu là yêu tất cả những gì thuộc về người ấy. Nếu có hy vọng người ấy sẽ thay đổi thế này thế kia. Thì đó không phải là tình yêu, mà là phản chiếu nguyện vọng của chính bản thân bạn.” - Đại đức Hae Min

Cuốn sách gồm những đoạn tản văn ngắn ngắn, nên bạn không phải đọc nhiều trang liền mới được nghỉ. Thực tế, khi bạn cầm lên tay cuốn sách này, dù đọc thấy rất lôi cuốn, nhưng dường như bạn chỉ muốn đọc chậm lại để mong sách không sớm hết. Và khi đã đọc xong rồi, cuốn sách như trở thành một công cụ tra cứu mà khi gặp “trục trặc” ở một lĩnh vực nào đó, bạn có thể giở lại sách để suy nghĩ về lời “gợi mở” của Đại đức Hae Min. Hoặc không thì, bạn mở bất cứ trang nào trong sách, đọc một tản văn và dừng lại suy nghĩ, bạn cũng thấy rất là thú vị. Hoặc có những điều có thể lúc đọc bạn chưa thấy “ngấm”, nhưng đến lúc nào đó, khi gặp một tình huống trong cuộc sống, bất giác bạn nhớ lại lời của Đại đức Hae Min và sẽ thấy vô cùng thấm thía.

Và cứ như vậy, bạn dần trở nên bước chậm lại trong cuộc sống tưởng như bận rộn không lúc nào dừng lại này…

Nguyên Chi

(Email: minhthuong@dantri.com.vn)