Làm gì để học sinh không "chán" Sử?

Nói về tình trạng nhiều học sinh “quay lưng” với môn lịch Sử, các giáo viên Sử từng tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia cho rằng: giáo trình, giáo viên và sự phân hóa ngành nghề… là những yếu tố khiến môn sử bị “lép vế”.

Tăng thêm kênh hình cho sách

Cô Bùi Thị Nhung - giáo viên Sử Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) - giáo viên có 2 học sinh đỗ giải Nhất quốc gia môn Sử năm nay cho rằng: “Việc nói học sinh quay lưng với môn Sử chưa thực sự chính xác. Thực tế vẫn có rất nhiều học sinh yêu thích môn học này nhưng không chọn đó là môn thi tốt nghiệp hay thi đại học.

Một trong những lý do theo tôi là các trường ĐH hiện nay dường như đang dần khép cánh cửa đối với khối C và môn Sử nói riêng. Tôi nghĩ nếu như môn Sử bây giờ cũng được coi là một trong những môn bắt buộc như Toán, Văn (giống cách mà các nước tư bản đang làm) thì Sử chắc chắn sẽ được nhiều học sinh đón nhận.

Cô Bùi Thị Nhung - giáo viên Sử Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định).
Cô Bùi Thị Nhung - giáo viên Sử Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định).

Ngoài ra, Bộ GD ĐT cũng cần có nhiều ngành tuyển sinh hấp dẫn hơn liên quan đến Sử để thu hút học sinh đăng ký. Ví dụ như các trường Kỹ thuật hay Quốc phòng thì rất nên lấy học sinh học Sử vì môn học này rất cần thiết, ngành Ngoại giao tại sao không lấy học sinh học Sử?

Bên cạnh việc biết ngoại ngữ thì am hiểu lịch sử các nước cũng rất cần thiết cho công việc này. Bên cạnh đó, sách giáo khoa cũng là một yếu tố đang làm hạn chế lòng yêu Sử của học sinh. Theo tôi, sách cần tăng thêm kênh hình, không nên chỉ dừng lại ở hình ảnh đen trắng thông thường mà nên có thêm những hình ảnh màu khác để tạo hứng thú cho học sinh, đặc biệt là những hình ảnh có tác động đến tình cảm, lòng yêu dân tộc”.

Giáo viên phải "dốc hết gan ruột"

Cô Hoàng Thị Đặng - giáo viên Sử Trường THPT Vùng cao Việt Bắc cho rằng: “Giáo viên là yếu tố quan trọng nhất quyết định việc học sinh có thích học môn Sử hay không. Hiện nay, nhiều giáo viên còn rất bảo thủ, không chịu thay đổi cách giảng dạy, không chịu tìm tòi bổ sung kiến thức. Nói sách giáo khoa hiện nay quá hàn lâm cũng đúng, nhưng giáo viên cần phải biết cách khai thác những kiến thức hàn lâm đó đề truyền thụ cho học sinh một cách đơn giản dễ hiểu nhất.

Một trong những cách đó là giảng bài bằng giáo án điện tử với nhiều hình ảnh, âm thanh sống động về sự kiện, biểu đồ, bản đồ, tham quan di tích, tự tìm hiểu về sự kiện, nhân vật lịch sử ở chính quê hương mình để hình thành tập san…đó cũng là một trong số những cách giáo viên có thể khơi nguồn cho học sinh đến với môn Sử”.

Cô Hoàng Thị Đặng - giáo viên Sử Trường THPT Vùng cao Việt Bắc.
Cô Hoàng Thị Đặng - giáo viên Sử Trường THPT Vùng cao Việt Bắc.

Sẽ có cuộc thi “Em yêu Lịch sử” cấp quốc gia

Nhà sử học, GS. NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: “ Tới đây cần thay đổi cách ra đề thi môn Lịch sử, đề thi không phải là đo kiến thức học sinh, mà phải hiểu căn bản về phân tích, tổng hợp để thẩm định được những hiểu biết thực sự, đặc biệt là cách vận dụng hiểu biết đó của học sinh theo tư duy của mình. Đó là mang tính sáng tạo, phản ánh thực chất.
 
Nhà sử học, GS. NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Nhà sử học, GS. NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Cũng từ năm 2014 để khích lệ học sinh đến với môn sử, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bộ GD ĐT phối hợp với NXB Giáo dục thống nhất chủ trương có cuộc thi mang tính quốc gia với chủ đề: “Em yêu lịch sử”.

Đây là cuộc thi nhằm động viên, cổ vũ những học sinh, những lớp trẻ say mê tìm hiểu lịch sử dân tộc. Ở cuộc thi này đề thi sẽ ra hoàn toàn theo tinh thần mới, sẽ không đo kiến thức cụ thể của học sinh mà đo tấm lòng của học sinh, ý thức, nhận thức về lịch sử, những hiểu biết thực sự trong khối óc và trái tim của các em”.

Theo Tùng Anh
Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm