Làm đàng hoàng, trường tư sẽ vượt mặt trường công

(Dân trí) - "Trường tư phải tự đầu tư và hoạt động theo năng lực của mình còn trường công thì bị gò bó và ràng buộc nhiều hơn. Tôi thấy lo cho trường công, coi chừng sẽ thua trường tư, bởi vì bị giới hạn kinh phí được cấp thành ra chi phí đào tạo thấp”.

PGS.TS Đỗ Văn Xê - người có kinh nghiệm trải nghiệm từ giáo dục công sang tư, đưa ra cảnh báo như thế tại tọa đàm Giáo dục tư thục và định hướng phát triển giáo dục tư thục tại Việt Nam do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội tổ chức chiều 6/5 tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

Làm đàng hoàng, trường tư sẽ vượt mặt trường công - 1

PGS.TS Đỗ Văn Xê cho rằng trường tư có lợi thế vì tự chủ và hoạt động theo năng lực của mình

PGS-TS Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, chia sẻ: “Trải qua 15 năm làm Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ và mới về trường tư; từ trường công qua trường tư, tôi như đi qua một thế giới khác. Hiện nay nhiều trường tư thục đã đủ tạo ra một thị trường cạnh tranh hoàn hảo trong giáo dục. Trong môi trường đó, vấn đề sống còn sẽ phụ thuộc vào bản thân của mỗi trường đồng thời tạo cho sinh viên cơ hội lựa chọn học tập tùy theo năng lực mỗi người.

Bây giờ đâu ai khẳng định chất lượng trường công sẽ cao hơn trường tư! Trường công do Nhà nước đầu tư, còn trường tư phải tự đầu tư và hoạt động theo năng lực của mình do đó cũng không cần thay đổi để làm rối ren. Trường công còn gò bó, bị ràng buộc nhiều bởi các quy định, trường tư được tự chủ học phí. Vấn đề hiện nay tôi càng thấy lo cho trường công, coi chừng sẽ thua trường tư, bởi vì bị giới hạn kinh phí được cấp thành ra chi phí đào tạo thấp”. 

Theo ông Xê, xu hướng chung các nước phát triển đều có 3 lớp: tốp cao là trường tư bởi biết tận dụng sự tự do của mình, tốp giữa là trường công, tốp cuối là "thượng vàng hạ cám" trường tư.

Làm đàng hoàng, trường tư sẽ vượt mặt trường công - 2

PGS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội phát biểu

PGS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, đồng tình: “Thế giới có 3 loại hình trường. Trường dẫn dắt là những trường hàng đầu thế giới; trường tạo sức “kéo” là trường biết xu hướng phát triển như thế nào để phát triển theo hướng đó; trường kế đến là “đẩy” nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Ở Việt Nam còn có thêm loại thứ 4 là làm rối ren thêm tình hình phát triển: trường kém chất lượng, xảy ra chuyện này chuyện kia…”.

PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho rằng giáo dục Việt Nam đang chịu ảnh hưởng bởi xu thế toàn cầu hóa, công nghệ số. ĐH bây giờ không còn là đại học tinh hoa nữa mà là ĐH của đại chúng. Do đó, trường công lập đã hết sức cố gắng nhưng để cung cấp một nguồn nhân lực lớn như hiện nay là không thể và cần phải giao nhiệm vụ này cho trường tư. Cơ hội này là phải đầu tư, nhà đầu tư hết sức vất vả và khó khăn, phải tự thân mọi thứ. 

Làm đàng hoàng, trường tư sẽ vượt mặt trường công - 3

TS Kiều Tuân, Chủ tịch HĐQT trường ĐH Công nghệ TPHCM cũng cho rằng nếu thực hiện được công bằng thì các trường tư thục phát triển nhanh hơn công lập

“Vì vậy, tôi cần nói sự công bằng trên yếu tố chất lượng và chỉ có con đường này mới phân định rành ròi được trường mạnh, trường yếu. Mô hình tam giác có 3 đỉnh (Đại học - Công nghiệp - Chính phủ), 3 cái này phải hài hòa sẽ giúp cho đại học phát triển. Nếu có được đỉnh thứ 3 thì trường tư không ngại gì nữa vì mỗi bên có một hướng phát triển riêng. Tôi tin tương lai ĐH tư thục phát triển mạnh mẽ vì được tự chủ”, ông Phong nhấn mạnh.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Văn Áng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Văn Lang cũng nhìn nhận: Trong lĩnh vực giáo dục ĐH, nếu không có giáo dục ĐH tư thục thì hàng trăm ngàn thanh niên không tiếp cận giáo dục đại học. Nếu không phát triển giáo dục tư thục thì không để huy đồng được nguồn lực lớn giáo dục đại học và sẽ không có sự cạnh tranh. 

"Các trường ĐH công làm tốt hay trung bình đều được hưởng lương như nhau, do đó không tạo nên động lực trong khi với trường tư thì không thể như thế. Người làm trường tư họ phải nỗ lực vươn lên nên tôi cho rằng việc xuất hiện các trường tư thục tạo môi trường cạnh tranh, và bây giờ là giai đoạn cạnh tranh quyết liệt, các trường công không thể ngồi yên được nữa. Riêng ở TPHCM, hệ thống các trường ĐH tư ở đây rõ ràng đã tạo ra động lực để các trường công lập đã không thể ngồi yên và đang cố gắng phấn đấu”, ông Áng nói. 

Làm đàng hoàng, trường tư sẽ vượt mặt trường công - 4

Tọa đàm Giáo dục tư thục và định hướng phát triển giáo dục tư thục tại Việt Nam do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội tổ chức thu hút ý kiến nhiều chuyên gia giáo dục

TS Kiều Tuân, Chủ tịch HĐQT trường ĐH Công nghệ TPHCM cũng cho rằng nếu thực hiện được công bằng thì các trường tư thục phát triển nhanh hơn công lập. Trường tư là trường có chủ, họ có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, người học. Lâu nay mình nói công bằng rát nhiều nhưng thực hiện không đơn giản, qua từng cấp, từng nấc khác nhau.

PGS.TS Phan Thanh Bình khẳng định hành lang pháp lý đang được chuẩn bị vững chắc cho giáo dục tư thục phát triển trong 10 năm tới. Các trường tư thục sẽ cạnh tranh trên thước đo chất lượng, hiệu quả đào tạo.

Lê Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm