"Lắc đầu" với điểm học bạ, trường đại học lo điểm không trung thực?

Hoài Nam

(Dân trí) - "Thẳng tay" loại điểm học bạ hoặc giảm bớt chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ, nhiều trường đại học hướng tới tuyển sinh chất lượng đầu vào bằng các phương thức khác.

Mùa tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Sư phạm TPHCM gây sốt với thông báo "loại" hoàn toàn điểm học bạ trong các phương thức xét tuyển.

Lắc đầu với điểm học bạ, trường đại học lo điểm không trung thực? - 1

Hàng loạt trường đại học không sử dụng điểm học bạ để tuyển sinh (Ảnh: Hoài Nam).

Trường sẽ sử dụng các phương thức xét tuyển thẳng theo quy chế Bộ GD&ĐT (10% chỉ tiêu); ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên (10%-20%); xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt (40%-50% chỉ tiêu) và chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.

Nói về việc bỏ xét tuyển học bạ trong tuyển sinh từ năm 2025, TS Huỳnh Trung Phong, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và phát triển khởi nghiệp, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, trường bỏ học bạ để đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Đồng thời, việc này nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng đầu vào, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại.

"Trường không sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT và chỉ giữ lại những điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, đáp ứng các yêu cầu theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Trong định hướng sau này, phương thức sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ thành chủ đạo", TS Huỳnh Trung Phong cho biết.

Từ 30% chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ hàng năm, Trường Đại học Công Thương TPHCM cũng giảm mạnh chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức này.

Năm 2025, trường sẽ chỉ còn dành 15-20% chỉ tiêu cho điểm học bạ và dần tiến tới bỏ hẳn phương thức này.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Tuyển sinh Trường Đại học Công thương TPHCM chia sẻ, nhiều trường đại học công lập "quay lưng" với xét học bạ là do điểm học bạ giữa các trường THPT có sự chênh lệch đáng kể, dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá chính xác năng lực thí sinh.

Với thực tế đó, việc sử dụng học bạ làm tiêu chí xét tuyển có thể gây ra sự thiếu công bằng giữa các thí sinh.

Ở vị trí tuyển sinh của một trường đại học, ông Phạm Thái Sơn cho biết, họ đặt ra nghi vấn về tình trạng gian lận hoặc làm đẹp điểm số học bạ ở bậc phổ thông, ảnh hưởng đến tính minh bạch và mất công bằng trong tuyển sinh.

Việc xét tuyển bằng học bạ cũng có thể khiến học sinh chủ quan, chểnh mảng trong học tập và ôn thi tốt nghiệp THPT, ảnh hưởng đến chất lượng.

Ông Sơn cho hay, hiện nhiều trường đại học tổ chức các kỳ thi riêng đánh giá năng lực, tư duy với chất lượng khá tốt để lấy kết quả xét tuyển cùng các phương thức như sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc kết hợp nhiều tiêu chí trong tuyển sinh.

Từ năm 2024, Đại học Kinh tế Quốc dân đã bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT. Năm 2025, trường sử dụng 3 phương thức xét tuyển chính gồm xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, xét tuyển kết hợp.

Theo đại diện nhà trường, nhiều năm qua hầu hết học sinh giỏi ở các trường chuyên (nhóm đủ điều kiện xét tuyển bằng học bạ vào trường) đều đủ điều kiện xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế hoặc điểm thi riêng. Việc bỏ xét học bạ làm giảm tỉ lệ ảo do một thí sinh có thể dùng nhiều phương thức.

Trước đó, hàng loạt trường đại học ngay từ đầu đã không sử dụng phương thức tuyển sinh bằng điểm học bạ như Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y dược TPHCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sài Gòn…

Đại diện một trường đại học "nói không" với điểm học bạ nhận xét rằng kết quả học tập THPT phụ thuộc vào đánh giá của từng địa phương, từng trường và thậm chí cả cá nhân từng giáo viên nên khó có sự đồng nhất.

"Thí sinh có điểm học bạ cao ở khu vực này, trường này chưa chắc có đã có năng lực học tập tốt hơn thí sinh có điểm thấp hơn ở khu vực khác, trường khác", ông nói. 

Lắc đầu với điểm học bạ, trường đại học lo điểm không trung thực? - 2

Theo nhiều trường đại học, có nhiều phương thức tuyển sinh chất lượng hơn là xét tuyển bằng học bạ (Ảnh: Hoài Nam).

Vì thế, để đảm bảo quyền lợi và sự công bằng với thí sinh, trường không sử dụng học bạ mà dùng kết quả các kỳ thi khác và các phương thức kết hợp.

Theo người này, khi các trường có thể chủ động tuyển sinh bằng các phương thức hiệu quả hơn thì không lý gì phải phụ thuộc vào điểm số ngày càng cao chót vót trong học bạ ở bậc phổ thông. Qua đó tránh tình trạng chỉ cần có điểm học bạ "bóng loáng" - mà chưa thể đánh giá được thực chất đến đâu - là đỗ đại học.