Kỳ thi THPT Quốc gia: “lò” luyện thi cấp tốc “hết thời”
(Dân trí) - Hàng năm, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa kết thúc, cũng là lúc học sinh, phụ huynh lại “tấp tểnh” khăn gói tìm “lò” luyện thi cấp tốc. Thời điểm này, khi kỳ thi “hai trong một” vẫn đang trong giai đoạn ráo riết chuẩn bị thì đồng thời các “lò” luyện thi cũng dần im ắng.
Kỳ thi THPT Quốc gia xóa tan lớp học luyện thi đại học đông đúc
Im ắng lò luyện thi
Cả khu H1, Đại học Sư phạm Hà Nội (130 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) đã từng là điểm tập trung của các trung tâm luyện thi đại học. Ấy vậy mà năm nay, phải đi đến hai vòng cả khu vực xung quanh Đại học Sư phạm Hà Nội, bác Vụ, một giảng viên Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã nghỉ hưu mới tìm được biển ghi tên một trung tâm luyện thi.
Bác Vụ chia sẻ “tôi có đứa cháu năm ngoái tốt nghiệp THPT nhưng chưa thi Đại học, năm nay cháu dự định thi khối A, gia đình biết tôi từng công tác ở Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội thuộc địa bàn này nên nhờ tôi đến xin học cho cháu. Thế mà lòng vòng cả sáng mới tìm thấy một trung tâm. Trước đây khu vực này đông trung tâm luyện thi lắm, khoảng thời gian này hàng năm, các bàn đăng ký học viên đã đặt san sát hai bên đường rồi”.
Theo chân bác Vụ vào Trung tâm bồi dưỡng kiến thức Đức Phú, có địa chỉ tại số 2, dãy H1, Đại học Sư phạm Hà Nội. Tại đây, hai bác cháu được cung cấp lịch học, giá tiền từng môn học. Lớp học mà cháu bác Vụ sẽ tham gia học là lớp luyện thi cấp tốc mới khai giảng đầu tháng 4 và sẽ kết thúc vào tháng 6.
Bà Nguyễn Thị Lân, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng kiến thức Đức Phú cho biết “hiện nay lớp cấp tốc có hơn chục em đăng ký học, đa phần là những em đang là sinh viên năm thứ nhất, thứ hai của một số Trường Đại học, có nguyện vọng thi chuyển sang trường khác; một số em trượt đại học những năm trước và một số là học sinh lớp 12 đã theo học tại Trung tâm”.
Dạo qua một vòng các khu vực trước đây từng là địa điểm tập trung của các “lò” luyện thi Đại học như đường Tạ Quang Bửu (xung quanh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), đường Nguyễn Trãi (gần Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), phải mỏi mắt mới tìm thấy biển đề tên các Trung tâm luyện thi. Chị Thanh, bán hàng nước ngay đầu ngõ 336, đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội nhẩm đếm và cho biết: “Trước đây con ngõ này có 4 trung tâm luyện thi, nay chỉ còn một trung tâm đang hoạt động. Một trung tâm khác vẫn còn treo biển nhưng đã cho thuê tầng 1 làm địa điểm bán cà phê nên cũng tôi cũng không biết có còn hoạt động không”
Không chỉ ở Hà Nội, tại các tỉnh, thành phố, cảnh đìu hiu của các trung tâm luyện thi cũng đang diễn ra. Tại Trung tâm luyện thi đại học của cô giáo Lê Thị Ngọc Hoa, một địa chỉ khá có uy tín trong nhiều năm qua nằm trên đường Quang Trung, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang, hiện tại, không có một lớp ôn luyện đại học nào.
Cô giáo Hoa cho biết “thời điểm này năm ngoái, trung tâm vẫn có hàng chục lớp, mỗi lớp khoảng 30 em đang ôn luyện nhưng năm nay mới có 5 em đến đăng ký ôn luyện, không đủ lớp nên chúng tôi không tiếp nhận”. Trung tâm luyện thi đại học của cô giáo Lê Thị Ngọc Hoa đang gần như ngừng hoạt động. Hai phòng học trong Trung tâm mới được cho thuê làm chỗ ở.
Cô giáo Hoa chia sẻ: “tôi có hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo, thành lập trung tâm này cũng chỉ với mong muốn các em có nhiều hơn cơ hội hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT và đặt chân được vào ngưỡng cửa đại học. Vì vậy, việc đổi mới kỳ thi để các em giảm bớt áp lực, gánh nặng thi cử và đánh giá thực chất là điều tôi hoàn toàn ủng hộ”.
Nhà trường chủ động ôn tập, học sinh tin tưởng
Trong khi các trung tâm luyện thi có phần lặng lẽ thì tại các trường học, không khí ôn luyện dường như đang nóng hơn bao giờ hết. Đặc biệt kể từ thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 13 đề thi minh họa và đáp án của 8 môn thi.
Hai phòng học trong Trung tâm luyện thi Đại học của cô giáo Lê Thị Ngọc Hoa (phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang) đã cho thuê làm chỗ ở.
Bà Lê Thị Xuân Vân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ỷ La, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang cho biết “bộ đề thi của Bộ đã giúp nhà trường chủ động và yên tâm hơn trong việc ôn tập, đồng thời phần nào giải tỏa tâm lý cho học sinh. Hiện nay nhà trường đang tổ chức các lớp ôn tập cho học sinh khối 12 theo hướng có sự phân hóa trình độ học sinh và có kiểm tra, đánh giá định kỳ, để có sự thay đổi hướng ôn tập sao cho phù hợp và hiệu quả. Nhà trường cũng đã bố trí những giáo viên có trình độ, tận tình, giúp các em vừa củng cố kiến thức, vừa có được phương pháp làm bài tốt nhất. Đối với những học sinh trong diện yếu kém, nhà trường tổ chức ôn tập miễn phí”.
Ở các trường vùng sâu, vùng xa, nơi mà theo khảo sát, tỷ lệ học sinh đăng ký tham gia kỳ thi THPT Quốc gia với mục đích xét tốt nghiệp chiếm bình quân trên 60%, công tác ôn tập cho học sinh cũng đang được các nhà trường đẩy mạnh.
Tại Trường THPT Mường Lát, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa công tác ôn tập đã được nhà trường tiến hành từ cách đây 3 tháng. Nhà trường đã nhận được đăng ký tham dự kỳ thi THPT Quốc gia với mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học của 22 em (trong tổng số 225 em học sinh, chiếm chưa đầy 10%).
Theo ông Trần Anh Văn, Quyền Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát: “Các em không dùng điểm số của kỳ thi này để vào đại học, cao đẳng không có nghĩa là chúng tôi có thể yên tâm. Bởi kết quả tốt nghiệp THPT cũng tác động đến các lựa chọn học tiếp hoặc đi lao động của các em sau này. Hiện nay nhà trường đang dành thời gian tập trung ôn tập cho các em theo bộ đề thi minh họa của Bộ và theo chương trình sách giáo khoa. Theo kế hoạch việc ôn tập sẽ kết thúc vào cuối tháng 5. Sau đó, nhà trường có thể bàn bạc và xem xét, nếu cần thiết sẽ tiếp tục kéo dài thời gian ôn tập”.
Những đổi mới của kỳ thi “hai trong một” đang vừa tạo ra áp lực vừa tạo ra quyết tâm cho mỗi nhà trường để có thể có được kết quả tốt nhất ngay trong năm đầu tiên. Ông Vũ Dương Uyên, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang cho rằng, đề thi minh họa được Bộ công bố đã bám sát sách giáo khoa, chủ yếu là kiến thức lớp 12 và có sự phân hóa cao. Chính vì vậy, việc các trường tập trung ôn tập cho học sinh đồng đều các môn theo kiến thức bậc trung học phổ thông là cần thiết vào thời điểm này. Ngoài ra, phương pháp làm bài, cách phân bổ thời gian hợp lý cũng là những vấn đề nhà trường cần lưu tâm trong quá trình ôn tập cho học sinh.
Còn gần 3 tháng nữa, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2015 sẽ diễn ra. Vẫn còn những âu lo và vẫn cần những chỉ đạo, kiểm tra sát sao để kết quả của kỳ thi phản ánh chân thực chất lượng giáo dục nhưng ngay từ bây giờ, có thể nhìn thấy một “gương mặt mới” của kỳ thi quan trọng này, đó là gương mặt không còn mướt mải lo luyện thi cấp tốc, đó là gương mặt của một kỳ thi mà yếu tố “học tài thi phận” không còn nằm trong suy nghĩ cả thầy và trò.
Minh Thu