Kỳ thi quốc gia THPT 2015: “Dùng từ thất bại là quá nặng nề”!
(Dân trí) - Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, về cơ bản kỳ thi THPT 2015 đã đạt yêu cầu trong việc giảm áp lực thi cử và tránh gây lãng phí cho xã hội. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều hạn chế, bất cập trong khâu tổ chức mà chúng ta cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong những năm tới.
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục: “Gộp hai kỳ thi vào 1” là một bước tiến mới của Bộ Giáo dục!
Trong những ngày qua, ông có theo dõi những thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2015 không? Ông đánh giá như thế nào về những đổi mới của kỳ thi năm nay?
Có thể nói rằng không chỉ tôi mà rất nhiều các chuyên gia giáo dục đều theo dõi sát sao các thông tin về kỳ thi tuyển sinh năm nay. Đây là lần đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nhằm hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Điều này phù hợp với xu thế tuyển sinh của các nước trên thế giới: thi xong, có kết quả rồi mới nộp hồ sơ xét tuyển ĐH. Nhìn vào bản chất của kỳ thi như vậy, tôi cho rằng đây là một nỗ lực, tư tưởng rất tiến bộ của Bộ trong việc giảm tải áp lực thi cử cũng như tránh gây tốn kém cho xã hội.
Tuy nhiên, đáng tiếc hiện nay ý tưởng này lại đang bắt đầu bộc lộ những điều chưa được như mong muốn ban đầu. Những ngày qua, cả thí sinh và phụ huynh cùng nhiều trường ĐH đang phải vật vã với việc xét tuyển dù chỉ còn ít ngày nữa là hết hạn nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1. Tôi đọc báo, thấy những thí sinh 3 ngày chưa rút được hồ sơ, rất mệt mỏi. Tôi thương học sinh và phụ huynh phải đi thi và rút hồ sơ xa. Nếu một kỳ thi được tổ chức không khéo sẽ gây mệt mỏi cho thí sinh và ảnh hưởng uy tín của ngành giáo dục.
Như vậy, rõ ràng mục tiêu ban đầu của kỳ thi là giảm tải, tránh gây tốn kém cho ngân sách nhà nước chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Thậm chí, nhiều phụ huynh, học sinh còn phản ánh họ rất mệt mỏi, căng thẳng khi phải chầu trực, xếp hàng nộp rồi rút hồ sơ ra vào các trường. Theo ông, nguồn cơn của mọi rắc rối này bắt đầu từ đâu?
Thực ra cái gốc gác của vấn đề là Bộ Giáo dục chưa giao quyền tự chủ cho các trường đại học mà Bộ cứ tiến hành điều chỉnh một cách thường xuyên, hết cái này chưa được, lại ra công văn điều chỉnh cái khác dẫn đến sự rối loạn. Các trường đại học, cao đẳng phải được tự chủ trong vấn đề tuyển sinh, trường họ đào tạo, thì họ biết mình cần làm gì để có chất lượng đào tạo tốt nhất.
Thứ hai, Bộ nên phân chia các trường thành từng hạng như: top đầu, top giữa và top trung bình đồng thời tương ứng với nó là những điểm thi có thể tuyển sinh. Ví dụ, trường hạng đầu được phép tuyển từ phổ điểm nào đến điểm nào, hạng trung là ở điểm nào có như thế học sinh người ta mới không thể rút ra, rút vào một cách lộn xộn như hiện nay. Đặc biệt, Bộ phải khống chế chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với năng lực của các trường, đưa ra một khung điểm sàn cụ thể chứ không thể tùy tiện thích bao nhiêu điểm cũng được.
Theo ý kiến của tôi, để làm tốt công tác tuyển sinh thì chính Bộ phải làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh. Học sinh thấy mình yêu thích phù hợp ngành nào thì đăng ký vào ngành đó chứ không phải việc chọn trường lại phụ thuộc vào điểm số như hiện nay. Tôi thấy nhiều sinh viên vào học một thời gian lại kêu chán nản, không yêu thích ngành nghề mình chọn thì làm sao mà có kết quả tốt được!
Ông có cho rằng kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT đã thất bại khi áp lực xã hội còn cao hơn những năm trước?
Không nên dùng chữ “thất bại” vì nó quá nặng nề! Ngành Giáo dục từ chỗ hai kỳ thi người ta chấp nhận một kỳ thi đã là một thành công lớn rồi. Để đánh giá một kỳ thi chúng ta phải xem xét việc tổ chức kỳ thi đó có ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng giáo dục, kết quả kỳ thi đó đưa vào phục vụ cho xã hội và tuyển sinh ra sao? Nhìn nhận một cách khách quan thì đúng là trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi khâu tổ chức của chúng ta chưa được và còn nhiều hạn chế.
Tôi nghĩ, trong các năm tới, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp nên giao hẳn về cho địa phương quản lý và phụ trách. Tại sao Bộ cứ phải ôm đồm nhiều làm chi cho mệt mỏi như vậy?
Bộ chỉ nên hỗ trợ trong việc ra đề để đảm bảo đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở sau này tiến hành tuyển sinh vào các trường chuyên nghiệp. Hai nữa, Bộ Giáo dục phải quy định đề thi như thế nào đó cho hợp lý, tránh việc học lệch cho học sinh. Tôi thấy, trong thời gian vừa qua, việc quy định thi 3 môn bắt buộc và một môn tự chọn tạo nên sự học lệch cho em, đây là một tồn tại mà chúng ta cần phải khắc phục.
Nói tóm lại, như Thủ tướng đã phát biểu trong một hội nghị gần đây là Bộ GD&ĐT hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, khắc phục những thiếu sót trong kỳ thi này để sang năm làm tốt hơn. Với kỳ thi năm nay cũng không còn cách nào khác vì rối rắm quá rồi. Chỉ hy vọng dựa trên những khó khăn gặp phải của năm nay, các lãnh đạo Bộ sẽ rút kinh nghiệm để những khó khăn được khắc phục.
Tôi cũng mong mọi người, dư luận chúng ta đừng áp đặt, dùng từ “thất bại” để đánh giá về kỳ thi này. Chúng ta phải nhìn nhận vào sự cố gắng, thay đổi để có cái nhìn khách quan nhất. Bất cứ một cái gì mới cũng cần phải có thời gian, sự rút kinh nghiệm. Kỳ này chưa tốt thì kỳ sau chắc chắn sẽ tốt hơn.
GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Bộ chưa lường hết khó khăn dẫn đến việc “hỗn loạn” trong việc rút và nộp hồ sơ
Đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia 2015, hiện nay đang có hai luồng ý kiến trái ngược nhau: một bên cho rằng kỳ thi thành công khi giúp giảm tải được áp lực thi cử cho học sinh trong khi một số lại đánh giá “thất bại hoàn toàn”, bản thân ông nhận xét như thế nào về kỳ thi này?
Theo tôi, bước đầu kỳ thi này đã đạt được mong muốn là giảm áp lực, giảm sự tốn kém, giảm sự khó khăn cho thí sinh trong việc đi lại. Hai mục đích xét tuyển và tốt nghiệp cũng đạt đạt yêu cầu khi tỷ lệ học sinh tốt nghiệp ở mức chấp nhận được.
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng điểm thi năm nay không có sự phân hóa cao. Đề thi có đến 70% là dành cho tốt nghiệp như vậy chỉ còn 30% là để phân loại học sinh, làm cơ sở xét tuyển vào các trường chuyên nghiệp. Điều này theo tôi rất khó đạt được mục tiêu.
Vừa rồi, xảy ra tình trạng học sinh và phụ huynh liên tục rút hồ sơ tại các trường gây ra một sự hỗn loạn. Theo tôi đây chỉ là một sai sót mang tính kỹ thuật nó không thuộc về bản chất. Ngay từ đầu Bộ Giáo dục đã không cân nhắc thận trọng mà quá nóng vội trong việc đổi mới. Việc tổ chức thi và xét tuyển theo phương thức hoàn toàn mới trên toàn quốc theo tôi là một sự mạo hiểm. Chưa kể, Bộ vừa cho học sinh quá nhiều nguyện vọng, lại không tính đến năng lực cán bộ, hệ thống kỹ thuật trực tuyến để đáp ứng được việc rút và nộp hồ sơ, dẫn đến sự hỗn loạn và bức xúc là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, tôi không tán thành việc dùng từ “thất bại hoàn toàn” để đánh giá về kỳ thi này, nó khiên cưỡng và nặng nề quá bởi mục tiêu tốt nghiệp của chúng ta đã đạt yêu cầu!
Theo ông, có nhất thiết phải tiến hành nhập hai kỳ thi làm một hay không? Và nếu có Bộ nên tổ chức và có những điều chỉnh như thế nào để khắc phục được những hạn chế như vừa qua?
Triết lý nhập 2 kỳ thi là 1 ngay từ đầu đã không hợp lý. Đây là khó khăn về bản chất không có cách nào khắc phục được. Bởi vì, một đề thi phải thực hiện hai chức năng không giống nhau là rất khó, sẽ có một cái làm được, một cái còn lại thì không tốt.
Bộ thì nói rằng, việc đổi mới trong thi cử sẽ tạo cơ hội cho nhiều em có cơ hội đỗ đại học nhưng thực tế, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường chỉ có thế. Cơ hội không thể trao tất cho mọi người, em này đỗ thì em kia phải trượt và đi tìm cơ hội khác. Chính vì thế, ý định thực hiện đổi mới là tốt nhưng khi đi vào thực tế lại có những điều phản tác dụng.
Trước kia, chúng ta có hai kỳ thi, trong đó đề thi THPT khá dễ phần lớn các em với học lực trung bình hoặc trung bình khá nếu làm bài cẩn thận thì đều có thể dễ dàng dàng đỗ tốt nghiệp. Còn đề thi tuyển sinh vào các trường đại học khó hơn nhiều vì phải đạt được mục tiêu là tính phân hóa rất cao và toàn diện để phù hợp với các trường có những yêu cầu khác nhau về chất lượng đầu vào. Tức là ở đây có sự phân hóa giỏi, khá, trung bình… để các trường đại học top trên có thể chọn được những em giỏi, còn những trường top giữa là những em khá, tương tự những em trung bình thì chỉ vào được những trường top dưới thôi. Năm nay trong một đề thi, Bộ Giáo dục chỉ dành 30% để phân loại học sinh thì không khả thi và rất khó để các trường xét tuyển.
Theo tôi, kỳ thi tốt nghiệp THPT nên giao cho các tỉnh thậm chí về lâu dài cho các trường tổ chức vì ở đó họ biết năng lực của từng học sinh. Còn lại chúng ta nên dốc sức dành thời gian, tiền của đề đầu tư tập trung cho việc tuyển sinh vào các trường ĐH và CĐ. Bộ cũng không nên đứng ra tổ chức như hiện nay mà nên giao quyền tự chủ cho từng trường vì điều này đã được quy định rất rõ trong Luật Giáo dục rồi.
Thứ nữa, mỗi thí sinh cũng chỉ nên được phép đăng ký một nguyện vọng trong mỗi đợt xét tuyển. Điều này sẽ giúp tránh ảo khi đăng ký xét tuyển. Thời gian mỗi đợt xét tuyển nên rút ngắn lại để tránh gây mệt mỏi, kết thúc đợt xét tuyển trường nào còn thiếu thí sinh thì lại tiếp tục xét tuyển bổ sung.
Hà Trang