Kỷ niệm 50 năm thành lập Tổ chức quốc tế Pháp ngữ
(Dân trí) - Ngày 14/11, lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) đã long trọng diễn ra tại khoa Pháp - ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội.
Sự kiện kỷ niệm 50 năm thành lập Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (1970-2020) diễn ra trong khuôn khổ của chương trình “Sắc màu văn hóa”, thể hiện rõ sự đa dạng và đoàn kết văn hóa, sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và các nước thành viên của Cộng đồng Pháp ngữ.
Với 21 thành viên vào thời điểm thành lập, ngày nay Cộng đồng Pháp ngữ đã có tới 88 quốc gia và chính phủ thành viên, chiếm hơn 1 tỷ dân số thế giới trên khắp các châu lục.
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Tổ chức Pháp ngữ (OIF), PGS.TS Lâm Quang Đông - Hiệu phó trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội cho biết: "Trong cuộc gặp gỡ đặc biệt này, chúng ta cùng ôn lại chặng đường 50 năm phát triển của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ với sứ mệnh cao đẹp là phát triển tiếng Pháp, sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ, thúc đẩy hòa bình và tiến bộ xã hội, hỗ trợ giáo dục, nghiên cứu và phát triển hợp tác đa phương trên toàn thế giới.
Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để vạch ra những đường hướng pháp triển tiếp theo của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, hướng tới sự phát triển bền vững nói chung và sự thịnh vượng của cộng đồng Pháp ngữ nói riêng".
Trong 5 thập kỷ qua, các hoạt động của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ đã mở rộng và đa dạng hơn nhiều, không chỉ thúc đẩy tiếng Pháp và đóng góp vào công cuộc phát triển giáo dục và văn hóa, mà còn duy trì hòa bình, dân chủ và quyền con người, khuyến khích hợp tác kinh tế và các giải pháp ứng phó với những thách thức về khí hậu và môi trường.
Chính bởi vậy, theo ông Chekou Oussouman, đại diện OIF khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, dịp kỷ niệm 50 năm thành lập này còn là dịp để suy ngẫm và xác định con đường phát triển của cộng đồng Pháp ngữ trong tương lai.
Ông Oussouman đánh giá: "Cộng đồng Pháp ngữ đóng vai trò rất quan trọng, luôn đáp ứng được mong mỏi của các nước thuộc cộng đồng và phù hợp với xu thế thời đại. Trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng Pháp ngữ phải là cầu nối gắn kết các quốc gia, xây dựng các mối quan hệ hợp tác ngày càng mở rộng, xác định được vị thế của mình và đưa ra các giải pháp để đối phó với những thách thức của thời đại.
Cộng đồng Pháp ngữ hiện đang hướng vào những nhiệm vụ trọng tâm. Đó là phát triển tiếng Pháp. Đây cũng là nền tảng để phát triển cộng đồng Pháp ngữ sau này. Phải ưu tiên hàng đầu cho nhiệm vụ này và tập trung vào các lĩnh vực như phát triển giáo dục, hỗ trợ cho hệ thống giáo dục của cộng đồng Pháp ngữ và phát triển không gian số. Và nhiệm vụ thứ hai mang chính trị, đó là xây dựng một cộng đồng Pháp ngữ có vị thế về chính trị trên trường quốc tế.
Trách nhiệm của chúng ta là xây dựng một cộng đồng Pháp ngữ ngày càng lớn mạnh, đem lại cho cộng đồng Pháp ngữ một làn gió mới. Như vậy, chúng ta cần xây dựng tình đoàn kết giữa các quốc gia thuộc cộng đồng Pháp ngữ và có chung tiếng nói trên trường quốc tế".
Theo đại diện của OIF tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Oussouman, thanh niên đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng Pháp ngữ. Tại nhiều quốc gia, thanh niên chiếm tới 70% dân số. Tuy nhiên, thanh niên đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề và lo lắng cho tương lai của mình nên chưa thấy rõ những lợi ích mà cộng đồng Pháp ngữ mang lại cho họ.
Chính bởi vậy, "trong các hoạt động trao đổi, xây dựng tinh thần đoàn kết về các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo nghề, công nghệ số, tiếp cận doanh nghiệp, văn hóa, biến đổi khí hậu, chính thanh niên là đối tượng mà chúng ta cần phải hướng tới. Đưa thanh niên tham gia vào các dự án của Cộng đống Pháp ngữ vì tương lai của Cộng đồng.
Cộng đồng Pháp ngữ phải tham vấn cho thế hệ trẻ trong các lĩnh vực như công việc, giáo dục, môi trường sống lành mạnh, trao đổi trong Cộng đồng Pháp ngữ và xây dựng mạng lưới kết nối", ông Oussouman nhấn mạnh.
Là tổ chức đa phương hỗ trợ hợp tác và đoàn kết giữa các trường đại học sử dụng tiếng Pháp là ngôn ngữ giảng dạy, tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) hiện có sự tham gia của khoảng 1.000 thành viên đến từ 116 quốc gia khác nhau, chủ yếu tại Châu Phi, các nước Ả Rập, Châu Á - Thái Bình Dương, Trung Âu, Đông Âu và vùng Ca-ri-bê.
Về trọng tâm hướng tới của OIF trong thế kỷ 21 là các bạn trẻ, bà Helene Dejoux - Phó Giám đốc AUF khu vực châu Á - Thái Bình Dương cam kết: "Cơ quan đại học Pháp ngữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương rất vinh dự khi được đồng hành cùng các bạn trong công cuộc phát triển một khối Pháp ngữ tiêu biểu trong các trường đại học.
Chính các bạn sinh viên đang và sẽ là những đại sứ thực sự của Cộng đồng Pháp ngữ. Chính các em đang gây dựng hình ảnh của nhà trường cũng như của Cộng đồng Pháp ngữ mai sau.
Và mỗi khi các bạn muốn thúc đẩy và phát triển Cộng đồng Pháp ngữ, dù ở mặt nào, AUF cũng sẽ luôn sát cánh cùng các bạn bởi vì chính từ những sáng kiến mới mẻ cùng sự hỗ trợ của giới trẻ nói chung và sinh viên nói riêng mà chúng ta có thể cùng nhau thúc đẩy, quảng bá những giá trị chung của Cộng đồng Pháp ngữ".