GS Đỗ Tất Lợi - Người kế thừa và phát huy di sản của Tuệ Tĩnh, Lãn Ông

Kỳ III: Thầy thuốc cầm súng

(Dân trí) - Đêm 19/12/1946, đèn thành phố vụt tắt. Nhận biết mật hiệu nổ súng đánh Pháp, DS Đỗ Tất Lợi vui sướng vô cùng! Lúc này chưa phải là lúc ngồi bán thuốc. Hãy làm bất cứ việc gì cần để đánh Pháp cái đã!

Súng ngắn, súng dài đã mua, đã tập bắn, bây giờ chính là lúc đem ra dùng rồi đây... Tháng 12/1946, tình hình Hà Nội hết sức căng thẳng.

Chưa phải là lúc ngồi bán thuốc

DS Đỗ Tất Lợi vừa dắt xe đạp ra khỏi hiệu thuốc Huỳnh Quang Đại (ở đầu phố Bà Triệu ngày nay), tay xách một cái cặp da đựng tiền và khẩu súng ngắn, thì một tên lính Tây mũ đỏ chạy ra ngáng xe, bắt dừng lại. Nhiều người đi đường lo lắng cho ông, nhưng chẳng ai dám đến gần.

- Mày là tự vệ?

- Tôi là dược sĩ.

Tưởng trả lời như vậy là yên, vì nhìn bộ côm-plê khá sang ông mặc, chắc nó cũng nghĩ ông nói đúng. Không ngờ nó vặn lại:

- Dược sĩ à? Nếu vậy, thì chính mày lấy hoá chất cho vào nhân bánh, khiến chúng tao... đau bụng!

- Tôi không biết làm bánh.

- Mày không biết làm bánh thì bạn mày làm.

- Tôi không có người bạn nào biết nghề làm bánh cả.

Tên lính đưa tay lên sờ túi trong áo vét-tông của ông, chắc là để moi tiền. Ông hoảng quá! Kêu với ai bây giờ? Mọi người chỉ đứng xa nhìn, nào có ai dám đến gần can thiệp! Ông sợ nhất là nó lục chiếc cặp da! Trong cặp có khẩu súng ngắn, thì thật khó cãi mình không phải là tự vệ!

Nhưng rồi, chẳng hiểu sao, nó bỗng để ông đi. Có lẽ do số người đi đường dừng lại xem mỗi lúc một đông, với vẻ mặt đầy căm phẫn.

Quân Pháp khiêu khích trắng trợn, bắn chết đồng bào ta ở phố Yên Ninh. Nhưng tại sao Chính phủ ta cứ nhịn nhục mãi?

Đêm 19/12/1946, đèn thành phố vụt tắt. Nhận biết mật hiệu nổ súng đánh Pháp, DS Đỗ Tất Lợi vui sướng vô cùng! Đúng rồi! Chính phủ ta chỉ nhượng bộ đến một mức nào thôi. Vượt quá cái mức đó, thì phải đánh! Lúc này chưa phải là lúc ngồi bán thuốc. Hãy làm bất cứ việc gì cần để đánh Pháp cái đã! Súng ngắn, súng dài đã mua, đã tập bắn, bây giờ chính là lúc đem ra dùng rồi đây...

Ngay trong đêm hôm ấy, đứng trong chiến hào Hà Nội, nhà thơ Ngô Linh Ngọc (anh ruột nhà thơ Ngô Văn Phú, và là bạn của DS Đỗ Tất Lợi) viết ngay những dòng thơ đầy sảng khoái:

Ánh điện phố phường vụt tắt,
Bốc cao rồi, ngọn lửa của hồn ta!
Răng nghiến nuốt đau, trán quầng nhịn nhục
Đêm nay thoả nhé, khúc quân ca!...
Hà Nội đứng lên
Ngời rạng ánh sao vàng!
Rầm rập bước người đêm trẩy hội!...
Đêm nổ súng đánh Pháp được nhà thơ tả như là... "đêm trẩy hội"!

Chiến đấu cùng tự vệ làng hoa

GS Lợi kể: "Tiếng súng nổ ran khi tôi đang ở tại nhà riêng trong làng hoa Hữu Tiệp, cạnh làng hoa Ngọc Hà. Tôi và người anh vợ, mỗi người một khẩu súng ngắn, cùng anh em tự vệ làng hoa đi bao vây "nhà rồng", ngôi nhà hai tầng ở góc phố Ngọc Hà - Hoàng Hoa Thám hiện nay. Chúng tôi vào được tầng dưới, nhưng bọn Pháp đóng ở tầng trên bắn xuống rất ghê. Anh em bàn cách chất rơm, đổ xăng đốt. Tôi bảo anh em cứ lấy xăng chạy ô-tô và ê-te ở nhà tôi ra mà đốt.

Tuy nhiên, đến 4 giờ sáng, có lệnh rút khỏi thành phố!

Với ý nghĩ chỉ đi một thời gian ngắn rồi về, tôi bỏ lại tất cả. Có hai đôi giày, tôi chọn đôi cũ đi đã quen, cho khỏi đau chân. Tôi và người anh vợ theo dòng người tản cư đi bộ về phía Hoài Đức. Lần đầu tiên đi trong đêm tối, nghe tiếng súng đì đùng, thấy những viên đạn đỏ lừ bay vèo qua trước mặt! Nhưng vì đường rất đông, nên ít sợ. Từ nhỏ chúng tôi chưa bao giờ đi bộ dài như vậy, nên chân tê mỏi quá! Không có xe đạp, chắc là không đi tiếp được nữa. Nghĩ vậy, cả hai bèn quay trở về lấy xe.

Đường về vắng tanh vắng ngắt! Trời sáng rồi.

Về đến gần chùa Bát Mẫu trong làng Ngọc Hà, bỗng nghe có tiếng máy bay. Trông thấy một đoạn dây chuông, tôi giật lia lịa đứt cả dây! Một nhà sư trẻ ra mở cổng, cáu với tôi. Tôi xin lỗi là vì hoảng hốt, nên giật chuông quá mạnh!

Nhưng khi bước vào trụ sở uỷ ban xã, hai anh em chúng tôi bỗng thấy một cảnh tượng trái hẳn: Ông chủ tịch và anh em tự vệ tề tựu đông đủ, vui vẻ nói cười, lại còn chuếnh choáng say bia - mấy két bia vừa lấy được từ nhà máy bia của Pháp ở chỗ đường Hoàng Hoa Thám hiện nay! Hai chúng tôi bỗng cảm thấy ngượng vì vừa rồi mình đã lo sợ quá đáng.

Tạt về nhà, mỗi người vội lấy một chiếc xe đạp. Trèo lên xe, cảm thấy nhẹ cả người. Tôi định mở két sắt lấy tiền và ít đồ dùng, nhưng không sao mở được! ổ khoá đã bị ai đó bắn nát. Trên mặt bức tường nhà phía ngoài, tôi cùng anh em tự vệ kẻ một dòng chữ to tướng: Nhà đỗ tất lợi, đây mồ chôn giặc pháp!

Nhà tôi nằm trên khoảnh đất cao giữa làng hoa Hữu Tiệp, từ xa, người đi đường đã có thể trông thấy dòng chữ ấy."

Hai lần "vét" nhà thương Bạch Mai

Cả nước chiến đấu, ngồi không là có tội! Nhưng làm gì đây? Ai giao việc cho mình?

Thế rồi một hôm, DS Lợi đang ngồi trong quán nước góc Ba La - Bông Đỏ, nơi rẽ sang Vân Đình, thì bỗng thấy bác sĩ Trần Hữu Nghiệp bước vào. Lúc bấy giờ, bác sĩ Nghiệp là Cục phó Cục Quân y.

- Vào quân y đi, cậu?

- ừ, thì vào!

- Tớ giới thiệu cậu đến Bình Đà, gặp ông Cẩn nhé!

Bình Đà gần Ba La. Ngay chiều hôm ấy, DS Lợi tìm được BS Vũ Văn Cẩn, Cục trưởng Cục Quân y.

- Kháng chiến còn trường kỳ - DS Lợi nói - Ta phải tự khảo cứu và bào chế lấy thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có nơi núi rừng để chữa bệnh cho bộ đội, nhân dân.

- Tối nay, có cuộc họp của Cục ở Vân Đình - BS Cẩn đáp - Cậu đến họp nhé! Rồi ta cùng bàn.

Tối hôm ấy, trong cuộc họp, lãnh đạo Cục Quân y quyết định thành lập Viện Khảo cứu và Bào chế dược phẩm thuộc Cục và giao cho DS Đỗ Tất Lợi làm Viện trưởng.

“Viện thành lập, nhưng trong tay tôi chẳng có gì cả! - DS Lợi bộc bạch. Tôi đề nghị Cục cấp cho tôi một sự vụ lệnh (sau này, gọi là giấy công tác) và hai anh vệ quốc để tôi quay trở về nhà thương Bạch Mai, lấy một ít ống nghiệm, bình cầu, hoá chất mang ra”.

BS Cẩn chấp nhận. DS Huỳnh Quang Đại xin đi cùng. Thế là cả nhóm đến nhà thương Bạch Mai "vét tất cả những gì còn có thể vét"! Lúc bấy giờ, quân Pháp đã chiếm khu vực nay là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, có thể bắn sang khu nhà thương bất cứ lúc nào.

Chuyến thứ nhất đi ban ngày. Vừa chuyển thuốc đến cổng làng Phương Liệt thì máy bay ập đến. Đây là lần đầu tiên hai vị dược sĩ trẻ bị máy bay địch quần đảo. Rõ ràng nó nhằm vào hai vị mà bắn! Hoảng quá, DS Đại thấy có cái nồi đất trong bếp nhà ai đó, liền vớ lấy đội lên đầu, tưởng chừng nồi đất cũng bảo vệ được cái đầu như mũ sắt! DS Lợi chạy đến một bức tường con kiến, nằm rạp dưới chân tường. Nhưng rồi máy bay bay xa. Cả nhóm vội chuyển nhanh mấy thứ "vơ vét được" ra khỏi vùng nguy hiểm.

Hôm sau, DS Đại mệt quá, không đi. Chỉ còn một mình DS Lợi và hai anh vệ quốc. Vào tới nơi thì trời đã tối mịt. Đi qua mấy trạm kiểm soát của ta, cả nhóm mới đến trạm cuối cùng. DS Lợi đọc khẩu lệnh. Vừa đọc xong, ông bỗng nghe tiếng quát: "Giơ tay lên! Đằng sau, quay!" Cảm thấy có một vật gì đó nhọn, cứng, gí vào sống lưng, rồi nghe tiếng giục: "Đi!" Ông hoảng quá, vội nói to lên mình là ai, vào nhà thương để làm gì. Mấy anh tự vệ áp giải ông vào một gian phòng. Sau khi nghe ông nói rõ công việc và xuất trình sự vụ lệnh, anh đội trưởng nhíu mày bảo: "Tối nay, khẩu lệnh đổi rồi! Sao không ai phổ biến cho đồng chí nhỉ?!"

Đợt thứ hai, mấy người nhặt nhạnh suốt đêm được nhiều thứ qua, phải lấy thêm dân công chở xe bò, mới chuyển hết.

"Sáng hôm sau, tôi huy động dân công ở làng Phương Liệt. Mặc dù tôi đã nói rõ đây là mệnh lệnh quân đội, chứ không phải chuyện chơi, nhiều người vẫn cứ ì ra, không chịu đi! Tôi giận quá đập mạnh tay vào bao súng ngắn! Không ngờ, sau đó, ai cũng răm rắp tuân theo! Tôi có giấy phép mang súng do đồng chí Võ Nguyên Giáp ký. Thú thật, nếu hôm ấy, đám dân công kia vẫn cứ ì ra, thì chắc tôi cũng chẳng dám bắn ai!..." GS Đỗ Tất Lợi kể.

Hàm Châu
(Còn nữa)