1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người kế thừa và phát huy di sản của Tuệ Tĩnh, Lãn Ông:

Kỳ I: Cứu vớt di sản của tiền nhân

(Dân trí) - Rất khó điểm qua, dù chỉ là đôi nét hơn 200 công trình mà giáo sư Đỗ Tất Lợi để lại. Công trình nổi bật nhất của ông là bộ sách để đời, "gối đầu giường" của sinh viên ngành dược: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam…

Giáo sư Đỗ Tất Lợi qua đời hồi 14h30 ngày 3/2/2008 tại Hà Nội, thọ 90 tuổi. Ông mất vào hôm áp Tết Mậu Tý, có lẽ vì vậy, tin này ít được báo chí đưa tin, viết bài, mặc dù những cống hiến của ông cho nền y - dược nước nhà rõ ràng là to lớn.

Rất khó điểm qua - dù chỉ là đôi nét - hơn 200 công trình ông để lại! Nhưng điều quan trọng hơn không phải là số lượng, mà là chất lượng.

Công trình nổi bật nhất của ông là bộ sách để đời, "gối đầu giường" của sinh viên ngành dược: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, cùng đợt với các công trình của những nhà khoa học Việt Nam đương đại tiêu biểu nhất như: Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Đặng Thai Mai, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Lê Văn Thiêm, Hoàng Tuỵ, Nguyễn Văn Hiệu...

“Áng Kiều trong y văn nước Việt”

Bộ sách gần 2.000 trang, đã được in tới 14 lần - hiện tượng có một không hai trong ngành xuất bản nước ta. Năm 1962, ngay khi tập 1 (của bộ sách 6 tập) mới ra đời, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã đánh giá: "Bộ sách rất tốt, rất dễ hiểu, nội dung phong phú. Cái hay ở đây là trình bày kinh nghiệm bản thân cùng với kinh nghiệm dân gian và kinh nghiệm nước ngoài."

Năm 1968, Hội đồng Khoa học Viện Hoá dược Leningrad (nay là Saint Petersburg) tặng dược sĩ Đỗ Tất Lợi học vị tiến sĩ khoa học mà không cần bảo vệ luận án, bởi vì "trong rất nhiều bộ sách viết về cây thuốc nhiệt đới, chưa có bộ sách nào có thể sánh ngang bộ sách của ông về mức độ chính xác, tỉ mỉ, khoa học (...). Ông là người có khả năng bắc nhịp cầu giữa nền y học khoa học hiện đại với một trong những nền y học lớn của châu á - nền y học Việt Nam".

Để rút ra kết luận thận trọng nói trên, các nhà bác học Liên Xô (cũ) đã đối chiếu bộ sách của ông với các bộ sách khác cùng chủ đề của các nhà dược liệu học Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, ấn Độ, A Rập... được công bố cho tới thời điểm đó. Năm 1983, bộ sách của GS. Đỗ Tất Lợi được Hội chợ Sách Matxcơva bình chọn là "một trong bảy viên ngọc quý" giữa biển sách năm châu!

Không hẳn quá lời khi một nhà thơ nhận xét: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam là một áng Kiều trong y văn nước Việt.

Tham gia chống Pháp, cùng tự vệ sao vuông Hà thành nổ súng đánh trả bọn xâm lược ngông cuồng ngay trong đêm 19/12/1946, cuộc đời người trí thức ấy gắn bó với vận mệnh nhân dân, ánh xạ cả một thời kỳ hào hùng trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Trên những nẻo đường Việt Bắc, để giữ bí mật, ông lấy bí danh Tuệ Lãn, hàm ý quyết chí noi gương Tuệ Tĩnh, Lãn Ông. Với tư tưởng nhân văn cao quý và những cống hiến nổi bật cho nền y - dược dân tộc, ông xứng đáng là người kế thừa và phát huy di sản của Tuệ Tĩnh, Lãn Ông.

Từ chuyện ông lang Tày cứu sống Bác Hồ

Trong thiên hồi ký Từ Pác Bó đến Tân Trào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: Tháng 7/1945, giữa lúc công việc bộn bề, Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội sắp họp ở Tân Trào thì Bác ốm. Hôm ấy, khi đồng chí Giáp đến thăm Bác tại lán Nà Lừa, Bác đang lên cơn sốt cao, miệng toàn nói mê. Đồng chí đưa Bác uống thuốc cảm aspirin, thuốc chữa sốt rét ký-ninh (quinine), nhưng vẫn không hạ sốt.

Rất lo lắng, đồng chí nghỉ lại cả đêm với Bác trên sàn liếp giữa cánh rừng tre. Khi nào tỉnh, Bác chỉ nói về tình hình và nhiệm vụ: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới! Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập!" - Mỗi lúc nhớ ra điều gì, Bác lại dặn. Chắc cảm thấy mình quá yếu, Bác có ý trăng trối, dặn dò về công việc.

Suốt đêm, Bác lúc tỉnh lúc mê. Hôm sau, đồng chí Giáp viết thư hoả tốc về Trung ương và tìm hỏi bà con địa phương xem có thứ thuốc gì chữa được. Bà con nói, gần đấy, có một ông lang chuyên chữa sốt cao. Đồng chí liền cho người cưỡi ngựa đi đón ông về. Ông lang già người Tày xem mạch, sờ trán Bác, rồi đốt cháy một thứ củ gì đó vừa đào trong rừng về, hoà vào cháo loãng đưa Bác ăn. Cơn sốt nhẹ dần. Bác bắt đầu ngồi dậy làm việc...

Ngày nay, đọc lại đoạn hồi ký đó, ta thầm cảm ơn ông lang Tày đã cứu Bác khỏi cơn trọng bệnh. Con người vô danh kia quả đã có công với nước. Và, cái loại củ "bí ẩn" nọ mà ông đào từ trong rừng về chữa bệnh cho Bác chẳng phải là một thứ "thần dược" hay sao? Lẽ nào chúng ta, các thế hệ hậu sinh, lại để cho cái kinh nghiệm vô giá ấy bị thất truyền?

Muốn giúp dân sinh, trước tìm thuốc thánh

Suốt mấy nghìn năm, ông cha ta vẫn quen dùng cây cỏ trong rừng, ngoài vườn, trên nương để chữa bệnh. Thế mà lắm khi rất hiệu nghiệm! Ở tỉnh Hải Dương có một ngọn núi mang tên Dược Sơn (núi thuốc), tương truyền vua Trần đã cho trồng cây thuốc trên núi để chữa bệnh cho binh lính và dân thường trong những năm kháng chiến chống Nguyên - Mông.

Danh y Tuệ Tĩnh có công gom góp những kinh nghiệm tản mát trong nhân dân, viết thành bộ sách Nam dược thần hiệu, ghi lại những cây thuốc và vị thuốc ở nước ta. Khác với nhiều lương y thời ấy thường coi trọng thuốc Bắc hơn thuốc Nam, Tuệ Tĩnh hầu như chỉ nói đến thuốc Nam. Tư tưởng y - dược của ông rất độc đáo:

Muốn giúp dân sinh,

Trước tìm thuốc thánh.

Thiên thư riêng định cõi Nam,

Thổ sản khác nhiều xứ Bắc.

Và ông khẳng định như một lời tuyên ngôn:

Tôi tiên sư kính đạo tiên sư

Thuốc NamViệt chữa người NamViệt.

Cần chú ý đến ngữ nghĩa của từ “tôi” ở đây. Tuệ Tĩnh coi mình là người học trò, là bề tôi của người thầy (tiên sư), do vậy, phải kính trọng cái đạo của thầy là tìm thuốc quý sẵn có ở vùng Nam Việt để cứu chữa cho người Nam Việt.

Kế tục sự nghiệp của Tuệ Tĩnh, bằng tác phẩm đồ sộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh, Lãn Ông Lê Hữu Trác cố gắng "Việt Nam hoá" kho tàng y - dược mấy nghìn năm của Trung Hoa.

Thê thảm đông y thời thuộc Pháp

Đến thời thuộc Pháp thì cả thuốc Bắc lẫn thuốc Nam đều bị khinh rẻ! Đại học Y - Dược Đông Dương chỉ dạy Tây y. Sinh viên chỉ biết tên các cây thuốc bằng tiếng Pháp, tiếng Latin, mà không hề biết dân ta gọi cây ấy là gì nếu nó có ở nước ta!

Anh sinh viên Đỗ Tất Lợi bước vào la-bô dược liệu của trường, hỏi bác nhân viên già:

- Thưa bác, bác có thể cho tôi mượn một ít hạt mã tiền không?

- Mã tiền à? Tôi chưa nghe ai nói đến nó bao giờ! Anh làm ơn cho biết tên Latin!

- Thưa bác, đó chính là hạt Strychnos nux vomica Linn.

- À, ra thế! Tôi tìm ngay cho anh.

Thời bấy giờ, khá nhiều vị thuốc sẵn có ở nước ta, nhưng vẫn cứ phải nhập từ Pháp và phải được coi là "thuốc Tây" thì mới "thiêng"! Một số vị thuốc của ta như râu ngô, vỏ lựu, chè, mã tiền... xuất sang Pháp để rồi quay trở lại nước ta, sau khi được đóng gói, dán nhãn Pháp!

Các thầy thuốc Tây y kê đơn chỉ gồm toàn các thứ thuốc ngoại.

Trong ngành y - dược cổ truyền, tình hình cũng rất ảm đạm. Người hành nghề Đông y không được đào tạo ở một trường lớp nào, không phải qua một kỳ thi kiểm tra kiến thức nào. Trong Đông y, có những vị thầy thuốc chân chính giàu kiến thức, dày kinh nghiệm, hầu hết là những nhà nho hay chữ, nhưng không chịu ra làm quan. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều người chỉ biết bào chế, rồi đem bán một vài thứ thuốc gia truyền. Và, có cả những kẻ chuyên đầu cơ trục lợi.

Cách mạng thổi bùng cao vọng của người dược sĩ 27 tuổi

Cách mạng Tháng Tám thành công.

Ngày 31/10/1946, trên báo Dân Thanh xuất bản tại Hà Nội, dược sĩ Đỗ Tất Lợi, lúc bấy giờ 27 tuổi vừa ra trường được hai năm, cất cao tiếng nói lưu ý dư luận: "Nghề thuốc Bắc, thuốc Nam đã có mấy nghìn năm kinh nghiệm và còn để lại nhiều tên tuổi rõ ràng trong lịch sử. Thế mà ngày nay, nghề ấy đang ở trong tình trạng suy đồi như chúng ta đã thấy và cứ cái đà ấy, nó sẽ đi đến chỗ chết! Nghề chết thì cả cái kho tàng kinh nghiệm của tiền nhân cũng chẳng còn!"

Tất nhiên, nguyên nhân của tình trạng đó là do chính sách của nhà cầm quyền thực dân hạn chế Đông y.

"Chính vì muốn cứu vãn cái nghề thuốc Bắc, thuốc Nam, cứu vớt cái di sản quý hoá của tiền nhân - Đỗ Tất Lợi viết tiếp - mà chúng tôi thấy cần phải cải tổ nghề ấy. Chúng tôi lại còn có cao vọng là, khi đã xây dựng lại nghề thuốc trên những căn bản mới, chúng ta sẽ có những điều kiện khoa học thuận tiện để tiếp tục bồi bổ công cuộc của tiền nhân."

Ông hết lòng tin tưởng: "Khi nào có những dược sĩ thông thạo phương pháp khoa học của Âu Tây và am hiểu môn thuốc Bắc, thuốc Nam trông coi thì nghề thuốc Bắc, thuốc Nam mới có cơ phát đạt (...). Ngày ấy sẽ có những người đủ học lực để bảo vệ những bài học của tiền nhân, cứu vớt những kinh nghiệm cổ truyền đã phai mờ trong trí nhớ, tiếp tục và bồi bổ cái di sản của các nhà dược học phương Đông."

Hàm Châu
(còn nữa)