Người kế thừa và phát huy di sản của Tuệ Tĩnh, Lãn Ông:
Kỳ II: Trí thức trẻ với trái tim bốc lửa
(Dân trí) - Chưa bao giờ tôi say sưa vui sướng hơn những giờ phút theo đoàn biểu tình đi chiếm trại Bảo an binh ngày 19/8! Đến gần trại, tôi cố len lên phía trước để được nhìn tận mắt và được góp sức vào việc chiếm trại.
Nỗi đau ly biệt
GS. Đỗ Tất Lợi sinh ngày 1/2/1919 tại Phù Xá, Kim Anh, Phúc Yên (nay là Phú Minh, Sóc Sơn, Hà Nội). Phụ thân là ông Đỗ Văn Kiêm, một người trồng na, nuôi hươu. Do vậy, từ bé cậu Lợi đã yêu thích cỏ cây, chim thú. Người chú là Đỗ Xuân Mai dạy trường làng. Bé Lợi thường theo chú Mai đến lớp. Cứ mỗi lần giảng đến bài thơ L'Exilé của Victor Hugo, thi hào Pháp hồi thế kỷ 19, mà chú dịch là Người đi đày biệt xứ, thì chú lại khóc. "Quái, người lớn mà cũng khóc!" - cậu bé ngạc nhiên, nhất là khi thấy chú khóc lâu, khóc tức tưởi trước mặt đám học trò trẻ con! Tò mò dò hỏi, dần dà cậu mới biết ông nội cậu là cụ Đỗ Văn Phong, vì hoạt động Đông Kinh nghĩa thục, mà bị Pháp đày đến tận đảo Guyane, một xứ thuộc Pháp ở vùng Nam Mỹ quá xa xôi, nghe nói đi tàu thủy ba tháng mới tới. Bài thơ Người đi đày biệt xứ gợi cho chú Mai liên tưởng đến cảnh ngộ buồn đau vô hạn của người cha ở chốn đất khách quê người, khiến chú không sao cầm được nước mắt!
Lớn hơn chút ít, có lần cậu Lợi nghe lỏm được chuyện ông nội hai lần vượt ngục. Lần thứ nhất, trôi giạt vào vùng thuộc địa của Anh, bị bọn Anh bắt trả lại cho Pháp. Lần thứ hai, mới trốn thoát sang Canada, rồi từ Canada qua Hong Kong về Sài Gòn, trong vai một thương nhân người Hoa. Ông cụ tiếp tục hoạt động bí mật chống Pháp cho đến khi qua đời ở Chợ Lớn.
Ai dán báo Việt Minh nơi tủ kính?
Năm 1944, trong toàn cõi Đông Dương thuộc Pháp, chỉ có 6 người tốt nghiệp dược sĩ đại học. Đỗ Tất Lợi nằm trong con số ít ỏi ấy. Ông thuê một ngôi nhà ở góc Bờ Hồ - Hàng Gai để mở hiệu thuốc, một vị trí lý tưởng chỗ ngã năm.
Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp.
Khi DS Lợi vừa chữa xong ngôi nhà, treo biển, thì bọn Nhật đến, đòi chiếm làm phòng thông tin! Chả là vì nơi đây đông người qua lại. DS Lợi không chịu. Nhưng, cuối cùng, đành nhượng bộ cho chúng sử dụng hai tủ kính về phía Bờ Hồ để dán mấy tờ báo thân Nhật. Hằng ngày, nhân viên phòng thông tin của chúng từ phố Tràng Tiền đến thay báo, rồi yêu cầu ông "trông coi".
Một buổi sáng, trong khi ông đang mải miết làm việc, thì bỗng thấy phía trước tủ kính người đông nghịt! Có gì lạ vậy? Thì ra Việt Minh đã lọt vào hiệu thuốc từ lúc nào rồi, bóc mấy tờ báo phản động kia đi, dán vào đấy mấy số báo Cứu Quốc! Mấy số báo ấy DS Lợi đã đọc trước đó, nhưng phải đọc lén vào lúc nghỉ trưa, sau khi khoá trái các cửa, nhân viên ra ngoài hết cả rồi. Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh, một người bạn thân thời trung học, chuyển cho ông đọc đều đặn báo của Việt Minh.
Ai dám dán mấy số báo kia ngoài tủ kính thế nhỉ? Ông cảm thấy vừa mừng, vừa phục, vừa lo. Nếu bọn Nhật đến, sẽ phải đối phó ra sao? Chưa biết thế nào, nhưng thôi, ông cứ liều kéo dài thời gian mở cửa hiệu thuốc tới 10 giờ đêm (thường chỉ tới 5 giờ rưỡi chiều) cho dân chúng tha hồ xem báo.
KTS Ngô Huy Quỳnh có người cháu gái là Ngô Minh Nguyệt làm công ở hiệu thuốc. Về sau, DS Lợi mới biết Nguyệt là người của Việt Minh. Cô đưa cho ông mấy tờ tín phiếu để ông mua, góp quỹ Việt Minh. Rồi cô khuyên ông nên quyên góp thuốc sốt rét, thuốc đỏ, bông băng gửi lên chiến khu Cao - Bắc - Lạng...
Người thứ hai, anh Phạm Văn Phong, nhân viên thu tiền ở hiệu thuốc, hoá ra cũng là cán bộ Việt Minh!
Thảo nào mà mấy số báo Cứu Quốc kia được dán ở hai cái tủ kính!
Tay không, chiếm trại bảo an binh
Với bản tính sôi nổi, chân thành và cởi mở, GS. Đỗ Tất Lợi kể lại những ngày đầu "non nớt" đến với cách mạng.
"Năm 1945, tôi mới 26 tuổi, còn trẻ lắm. Rất may - ông nói - tôi được gần gũi nhiều cán bộ Việt Minh, từ kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh đến cháu Ngô Minh Nguyệt. Tôi coi việc giành độc lập là tiên quyết. Phải có độc lập rồi, thì người trí thức "bản xứ" mới được tôn trọng. Cho nên anh Quỳnh, cháu Nguyệt bảo tôi làm gì cho công cuộc giải phóng, là tôi làm liền; nếu bảo cần đóng cửa hiệu thuốc, tôi cũng sẵn lòng.
Giờ Tổng Khởi nghĩa tới rồi! Tôi cho may một lá cờ đỏ sao vàng thật to treo trước cửa hiệu thuốc. Ông Hoàng Mộng Giác, một dược sĩ già ở phố Hàng Gai, ngạc nhiên chỉ vào lá cờ đỏ to tướng ấy, hỏi tôi bằng tiếng Pháp: "'Tu es communiste, toi?" (Cậu là cộng sản, chính cậu?). Tôi trả lời ngay: "Pourquoi pas?" (Tại sao không?). Thú thật, khi trả lời như vậy, tôi chẳng biết Việt Minh có phải là cộng sản hay không! Và cộng sản là như thế nào, tôi cũng chẳng rõ! Tôi chỉ biết, những lời kêu gọi, những điều viết trên báo Cứu Quốc và những việc làm của cán bộ Việt Minh thì ai là người Việt Nam có chút lòng yêu nước cũng phải tán thành.
Chưa bao giờ tôi say sưa vui sướng hơn những giờ phút theo đoàn biểu tình đi chiếm trại Bảo an binh ngày 19/8! Đến gần trại, tôi cố len lên phía trước để được nhìn tận mắt và được góp sức vào việc chiếm trại. Vào được trại rồi, bỗng nghe tin lính Nhật kéo đến vây! Có thể đổ máu? Tôi xin phát súng để bảo vệ cái trại ta vừa giành được. Nhưng rồi, tôi bỗng cảm thấy sợ. Một số người khác cũng cứ nói liều là họ biết dùng súng nhưng, khi được phát, lại bóp cò nổ đì đẹt lung tung! Không khéo tôi chết oan vì mấy "ông tướng" này! Chẳng làm sao biết được ai là người chỉ huy giữa đám đông nhốn nháo!
Cũng may, cuối cùng, ta thuyết phục được bọn Nhật: Tokyo đã đầu hàng rồi, vậy thì ở Hà Nội, bọn họ còn can thiệp vào chuyện Việt Minh chiếm trại Bảo an binh để làm gì?"
Tiền quan kim và súng Pạc-hoọc
Trong lúc chờ quân Đồng Minh vào tước vũ khí, quân Nhật rất hoang mang. DS Lợi nhân cơ hội ấy, dùng tiền mua súng do chúng giấm giúi mang đến bán. Ông vẫn nghe đồn "quân đội thiên hoàng" có tinh thần "võ sĩ đạo", rất trọng danh dự. Nhưng sự thật đâu phải vậy! Ông mà cả, mua được hai khẩu Côn, một loại súng ngắn rất tốt, cho mình và cho người anh vợ (chính là người bán hàng ở hiệu thuốc). Ông còn mua thêm một khẩu súng trường Anh-đô-si-noa, một khẩu các-bin với 500 viên đạn sáng choang cho tự vệ làng hoa Hữu Tiệp. Có súng, có đạn rồi, anh em liền mở hội thi bắn. Không ngờ ông là dược sĩ trẻ bắn giỏi nhất làng hoa!...
Quân Tàu Tưởng vào giải giáp quân Nhật. Chúng bắt dân ta tiêu đồng tiền giấy "quan kim" với cái giá hối đoái ngất ngưởng cao hơn giá trị thực nhiều lần. Ở Quảng Đông dạo đó, nghe nói, muốn ăn một bát sủi cảo, phải xách theo cả một bị tướng thứ tiền "khỉ gió" kia!
"Hôm đó, một tên Tàu Tưởng đến mua thuốc - GS. Đỗ Tất Lợi kể. Nó hỏi giá tiền Việt, nhưng rồi đưa trả bằng tiền quan kim. Người anh vợ tôi không chịu bán. Nó cứ giằng lấy thuốc. Anh ấy giằng lại, rồi giận dữ hô lên "tả lớ!" (đánh bỏ đời!). Tên này bỏ đi. Nhưng, lát sau, hắn quay lại cùng một tên khác mang súng Pạc-hoọc. Biết chuyện lôi thôi to, anh ấy tránh mặt. Vừa lúc đó, tôi bước ra. Súng Pạc-hoọc gí sau lưng, chúng áp giải tôi tới nơi "xét xử" ở cuối dốc Hàng Than. Chúng giam tôi vào một căn phòng có nhiều người dân thường đã bị chúng đánh nhừ đòn. Sờ trong túi quần, tôi bỗng thấy còn mấy viên đạn súng ngắn! Vứt đâu bây giờ? Tôi bèn lẻn vào hố xí, ném xuống đống phân. Tôi vừa bước ra, thì chúng gọi tới tên tôi! May mà trong khi chúng áp giải tôi đi cả một chặng đường dài, từ đầu phố Hàng Gai đến cuối dốc Hàng Than, người anh vợ tôi đã kịp chạy đến gặp một ông bạn người Hoa quen tên chỉ huy Tàu Tưởng, nhờ can thiệp. Thế nên chúng mới chịu thả tôi về. Nếu không, chắc chúng cũng đã đánh tôi nhừ tử!
Ngày ấy, tôi chưa thấu hiểu những nỗi gian truân của Ông Cụ, nên thầm oán trách Chính phủ ta mềm yếu quá, nhượng bộ bọn Tàu Tưởng nhiều quá! Cứ lùi mãi thế này, chưa biết chừng lại để mất nước một lần nữa đây!..."