Kinh nghiệm thành công ở xứ sở chuột túi của các cựu DHS Việt
(Dân trí) - Những cơ hội kinh doanh cũng như kinh nghiệm khởi nghiệp tại Australia và Việt Nam được các doanh nhân thành công chia sẻ tại sự kiện “Các cơ hội kết nối kinh doanh” do Hội cựu sinh viên Australia tại Việt Nam tổ chức ngày 6/1 tại Hà Nội.
Sự kiện có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán Australia và đông đảo các cựu sinh viên đã và đang học tập, làm việc tại Úc. Những thông tin về quan hệ đối tác kinh tế và cơ hội đầu tư giữa Australia được chia sẻ tạo tiền đề khích lệ khởi nghiệp cho du học sinh Việt Nam.
Học Thạc sĩ tại Australia chuyên ngành kỹ sư xây dựng gây dựng sự nghiệp tại Sydney, ông Phạm Vũ Lâm (Giám đốc điều hành, sáng lập LC Building Australia) hiện sở hữu một công ty phát triển mạnh mẽ, làm hàng ngàn công trình tại Úc mỗi năm.
Theo doanh nhân này, học sinh khi lập nghiệp ở nước ngoài gặp rất nhiều trở ngại về ngôn ngữ, vốn, các mối quan hệ… Nhưng chỉ cần với đam mê, sự chăm chỉ, biết tận dụng cơ hội, lấy chất lượng sản phẩm làm uy tín thì đều có thể phát triển và thành công.
Nói về những khó khăn của mình khi lập nghiệp, ông Lâm chia sẻ: “Khi mới sang Australia lập nghiệp, tôi phải trải qua vấn đề tài chính đầu tiên. Hai vợ chồng tôi chỉ có 500 USD. Trong đó, tôi phải chi trả 350 USD tiền thuê nhà và dành 150 USD cho dự án của vợ tôi.
Lúc hết sạch tiền tôi phải đi làm phục vụ để có thể chi trả cho đời sống sinh hoạt và kinh doanh. Trải qua khó khăn tôi càng trân trọng những gì đang có và người bạn đời của mình”.
Trong số các cựu sinh, bà Đặng Thanh Vân – Giám đốc điều hành, nhà sáng lập SavvyCom là người đạt được nhiều thành tựu đáng nể khi làm việc trong lĩnh vực ICT. Bà Vân được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 15 người lãnh đạo toàn cầu “to watch” năm 2017. Tuy là một người phụ nữ làm “công việc của cánh đàn ông” nhưng bà lại đạt được nhiều thành công đáng phải nể phục.
Bà Thanh Vân chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho các du học sinh nói chung và phụ nữ nói riêng: “Phụ nữ làm công nghệ thông tin có nhiều điều khó khăn, những cũng có rất nhiều lợi thế. Từ khi bắt đầu khởi nghiệp tôi chưa từng nghĩ vì mình là phụ nữ nên công việc này sẽ khó khăn, tôi chỉ nung nấu suy nghĩ muốn làm kinh doanh và phải bắt tay vào làm. Tôi bắt đầu với công ty chỉ có 10 người và dần dần đi lên bằng sự nỗ lực không ngừng”.
Là một người phụ nữ thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bà Thanh Vân chia sẻ bí quyết của mình: “Phụ nữ có áp lực gia đình nhiều hơn, nên tôi lên kế hoạch phân chia công việc rất rõ ràng, khi nào sẽ tập trung cho công ty, khi nào tập trung cho gia đình để có thể cân bằng được cả hai”.
Để học tập, làm việc và khởi nghiệp ở nước ngoài là một điều không dễ. Ông Hoàng Hiếu Huy – Giám đốc điều hành, người sáng lập Công ty Tailored Account là một tấm gương đặc biệt về những nỗ lực của cựu sinh sau khi sang học tại Úc, mở doanh nghiệp riêng khi đi vào thị trường ngách và nhìn thấy xu hướng, lọt vào danh sách 100 doanh nhân xuất sắc của Úc.
Ông Huy chia sẻ: “Sự khích lệ, chia sẻ, hỗ trợ từ bạn bè, những người cựu sinh Australia trong thời gian lập nghiệp là một trong những yếu tố để doanh nghiệp của tôi phát triển. Tôi tin rằng cơ hội học tập và các hỗ trợ của chính phủ Australia cho cựu sinh sẽ giúp họ tăng cường kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa Australia, Việt Nam và các nước khác”.
Sự kiện cũng đánh dấu sự ra mắt của nhóm chuyên môn về kinh tế và kinh doanh của cựu sinh Australia. Chính phủ Australia cũng cam kết tiếp tục giúp đỡ cựu sinh viên khi trở về Việt Nam để họ có thể ứng dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào làm việc nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam.
Phạm Ngoan