Kinh nghiệm đỗ 6 trường đại học Mỹ của nữ sinh chuyên Văn
(Dân trí) - Đoàn Quỳnh Linh, cô gái chuyên Văn năng động xinh đẹp trường Ams mới đây được 6 trường đại học Mỹ mời nhập học. Em dự định theo học ngành Truyền thông tại Đại học Case Western Reserve.
Trong mùa du học năm nay, Quỳnh Linh ứng tuyển 7 trường trong đợt nộp sơ sớm (Early Action và Early Decision I).
Kết quả, em nhận được thư đỗ của 6 trường và waitlist (danh sách chờ) của 1 trường. Vì đã đỗ trường Early Decision I nên theo quy định, Linh sẽ không nộp hồ sơ vòng sau nữa.
Khi nhận được dần các lá thư chấp nhận từ các trường Early Action, nữ sinh Ams cảm thấy yên tâm phần nào về tương lai đi du học Mỹ của bản thân.
Tuy nhiên, điều em mong chờ nhất chính là thư từ trường Case Western Reserve University (rank 40 trong các trường National University ở Mỹ) - ngôi trường em đã “đặt cược” vào vòng Early Decision I. Đó chính là ngôi trường mơ ước và phù hợp với em từ rất lâu.
“Khi nhận được lá thư chấp nhận từ trường, em đã hạnh phúc vỡ oà, sau đó là mãn nguyện khi số tiền được hỗ trợ đã đủ với tình hình tài chính của gia đình em.
Khoản hỗ trợ tài chính của em cho 4 năm học ở Case Western Reserve University là 180.000 USD”, Linh cho hay.
Ở Ams, em tham gia 2 câu lạc bộ là Hanoi - Amsterdam Art Team (CLB Nghệ thuật lớn nhất trường Ams) và Ams Advisor (CLB Học thuật lớn nhất trường Ams), giữ chức trưởng ban PR nhiệm kì 2018-2019 của cả hai câu lạc bộ.
Linh từng làm Trưởng Ban tổ chức chương trình dạy kĩ năng Joys and Jobs 2018, Giám đốc Truyền thông Gala HAT 2019, Phó Trưởng Ban tổ chức Club Fair 2018, Đại biểu tham gia Asia Youth International Model United Nations tại Malaysia,... cùng nhiều hoạt động khác.
“Trải nghiệm đảm nhận vị trí Giám đốc Truyền thông Gala HAT 2019 khiến em trưởng thành hơn nhiều. Đây là một chương trình nghệ thuật tổng hợp có quy mô lớn trong cộng đồng học sinh, thu hút khoảng 700 khán giả cho 2 buổi diễn hàng năm.
Khi dành cả mùa hè để làm Gala, em được thoả sức sáng tạo với lĩnh vực truyền thông mà em đam mê và bùng nổ hết mình với nghệ thuật.
Từ việc quản lý các trang mạng xã hội, liên hệ báo đài, truyền hình và hướng dẫn các thành viên trong phân ban,... tất cả đều giúp em hoàn thiện những kĩ năng vô giá.
Và hơn cả, gala cho em những kỉ niệm không thể nào quên bên những người bạn có cùng đam mê với nghệ thuật biểu diễn. Chúng em đã góp một phần công sức để lan toả tình yêu này tới cộng đồng học sinh cấp 3”.
Thêm vào đó, Quỳnh Linh tham gia thêm các hoạt động ngoại khóa về lãnh đạo như Asia Youth International Model United Nations tại Malaysia, Future Leadership Camp được tổ chức bởi Đại sứ quán Mỹ.
Ngoài ra, em từng đoạt giải Nhì cuộc thi Kiến thức – kỹ năng tài chính thông minh “Hiểu đúng về tiền” do Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước), VTV3 và Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam phối hợp thực hiện, bài viết “Cashless Payment - The Path to the New Era” (Thanh toán không dùng tiền mặt - Con đường dẫn đến kỷ nguyên mới).
Ấp ủ “American Dream” - giấc mơ Mỹ từ khi mới vào lớp 10, Linh ao ước khi nhìn những ngôi trường đại học danh tiếng trên ảnh, tự tưởng tượng rằng chính em sẽ được trải nghiệm việc du học xa nhà và bước ra khỏi vòng an toàn của bản thân.
Bước vào Ams, Quỳnh Linh luôn cảm thấy may mắn vì được sống trong một môi trường tuyệt vời như ở đây. Xung quanh em là các anh chị đi trước không chỉ giỏi giang trong học tập mà còn rất đa tài.
Em bắt đầu đi học SAT và thử sức mình với những câu lạc bộ; vừa hoàn thiện bản thân và cũng chuẩn bị thật tốt cho một hồ sơ apply có bề dày và thực chất.
Lên lớp 11, Linh bắt đầu thi các kỳ thi chuẩn hoá và đến học kỳ 2 thì khởi động việc viết bài luận chính, phụ, chuẩn bị hồ sơ hoạt động ngoại khoá, xin thư giới thiệu từ thầy cô, xin đi thực tập và các chương trình trao đổi nước ngoài,..
Kỳ nộp hồ sơ sớm nhất bắt đầu vào khoảng giữa học kỳ 1 lớp 12 của em, khi đó em vừa phải đảm bảo việc học trên trường và cùng lúc “chạy nước rút” cho việc apply.
Hoạt động ngoại khoá và học tập dày đặc dù đôi lúc khiến Linh mệt mỏi, nhưng cảm thấy mình được phát huy hết nội lực bản thân, khi đặt mình vào những thử thách.
“Điều trở ngại lớn nhất với em chính là phải đối diện với những cảm xúc tiêu cực khi chuẩn bị hồ sơ. Vừa phải đảm bảo việc học trên lớp và cũng đồng thời hoàn thiện hồ sơ khiến em đã rất nhiều lúc thấy khó khăn, áp lực.
Tuy nhiên, đó cũng là những cảm xúc tất yếu, và khi vượt qua tất cả thì em thấy rằng bản thân đã mạnh mẽ và là một phiên bản tốt hơn rất nhiều. Đó cũng chính là điều mà em biết ơn nhất về khoảng thời gian apply khi đó!”, Linh kể.
Theo nữ sinh, ngoài việc phải đảm bảo điểm thi chuẩn hoá, hồ sơ hoạt động ngoại khoá (Resume) của em chính là một điểm mạnh. Những hoạt động xã hội trải dài ở những mảng khác nhau cùng với việc xin đi thực tập có lẽ đã khiến em ghi điểm nhiều hơn với hội đồng tuyển sinh của các trường đại học Mỹ, phần nào thể hiện con người em: Em luôn luôn mong muốn sẽ trở thành một người đóng góp và giúp ích cho những người xung quanh, cho xã hội, dù là có tác động nhỏ hay lớn.
Trong bài luận chính, Quỳnh Linh quyết định viết về chính điểm yếu nhất của em - đó chính là việc em luôn quyết định những lựa chọn ít mạo hiểm, không dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân và hành trình em vượt qua rào cản đó.
Em tin rằng không có cánh cửa mới nào sẽ mở ra nếu em còn e dè và không dám thử làm những điều khác biệt dù là rất thử thách.
Hiện nay, ngành học mà em muốn theo theo đuổi là Truyền thông. Sau khi có một số kinh nghiệm trong môi trường cấp 3, Quỳnh Linh thấy rằng quảng bá là một trong những “công cụ” hiệu quả nhất thể hiện quan điểm bản thân và truyền đạt sứ mệnh của các dự án tới công chúng, cộng đồng.
Về dự định tương lai còn dài phía trước, Quỳnh Linh có nguyện vọng muốn quay trở về Việt Nam sau khi hoàn thành việc học tại Mỹ để góp một phần công sức của mình cho những dự án vì cộng đồng mà em đang ấp ủ.
Lệ Thu