Kinh nghiệm dạy trực tuyến bộ môn Khoa học tự nhiên hiệu quả
(Dân trí) - Hội thảo "Bí quyết nâng cao hiệu quả giảng dạy trực tuyến thời 4.0" với chủ đề "Phương pháp biên soạn bài giảng trực tuyến và kinh nghiệm dạy trực tuyến bộ môn Khoa học tự nhiên" vừa được tổ chức.
Ngày 2/10/2021, Hệ thống Giáo dục HOCMAI tổ chức buổi hội thảo online "Bí quyết nâng cao hiệu quả giảng dạy trực tuyến thời 4.0" với chủ đề "Phương pháp biên soạn bài giảng trực tuyến và kinh nghiệm dạy trực tuyến bộ môn Khoa học tự nhiên".
Hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động mà HOCMAI cam kết đồng hành cùng chương trình "Sóng và máy tính cho em" do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động.
Trao đổi tại hội thảo, thầy giáo Nguyễn Thành Nam cho biết, để việc học trực tuyến đem lại hiệu quả, giáo viên cần đóng vai trò là người tổ chức hoạt động học tập để từ đó học sinh có thể trau dồi kỹ năng, kiến thức cùng phẩm chất và trách nhiệm với việc học.
Theo đó, dựa vào khung chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy cô có thể lên kế hoạch cho việc soạn bài giảng trực tuyến của mình. Chất liệu bài giảng không nên giới hạn, mà cần có sự kết hợp tư liệu, hình ảnh từ nhiều bộ sách giáo khoa, thậm chí thầy cô có thể cập nhật các nội dung khoa học đến từ các chương trình giáo dục quốc tế để giúp bài giảng trở nên phong phú, sinh động hơn.
Tiếp đó, trong quá trình dạy trực tuyến, thầy Nguyễn Thành Nam khuyên thầy cô nên sử dụng phương pháp giảng bài bình thường thông qua giọng nói, kết hợp với trình chiếu đa phương tiện bao gồm những slide, hình ảnh, video ngắn… để buổi học trở nên hấp dẫn, thu hút học trò.
"Đối với các môn khoa học tự nhiên, điều quan trọng không thể thiếu đó là thực hành. Trong bối cảnh dịch bệnh, không thể học trực tiếp, thầy cô có thể tiến hành làm thí nghiệm cho học sinh thông qua hệ thống của mình. Một cách làm nữa là thực địa. Ví dụ, giáo viên cầm camera, quay hay livestream lại thí nghiệm đang diễn ra trực tiếp để học sinh theo dõi. Khi quỹ thời gian hạn hẹp, thầy cô có thể khắc phục bằng cách hướng dẫn cho các em các bước làm những thí nghiệm đơn giản, an toàn để học sinh tự làm, tự ghi nhận kết quả và rút ra bài học cho bản thân" - thầy Nam đề xuất.
Còn theo thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, các môn khoa học tự nhiên luôn cần thực chứng. "Nếu có điều kiện để tổ chức trực tiếp các thí nghiệm ngay tại trường học thì sẽ thật tuyệt vời bởi khi đó, học sinh sẽ có cơ hội được tham gia, tự mình kiểm nghiệm giữa lý thuyết và thực hành. Tuy nhiên, hiện tại phải học trực tuyến, các con chỉ gián tiếp thu nhận hình ảnh qua màn hình nên các thầy cô có thể tìm kiếm các video thí nghiệm có sẵn trên mạng để cô và trò cùng học. Điều này giúp giảm tối đa công sức cho giáo viên".
Đối với việc tổ chức hoạt động hay phân công nhiệm vụ học tập cho học sinh, thầy Ngọc lưu ý, thời gian giãn cách, phải học online kéo dài, thầy cô nên chú trọng đến các hoạt động thực tiễn hay vì trực tuyến.
"Trong các buổi tìm hiểu kiến thức của các môn Khoa học tự nhiên, ví dụ cụ thể với môn Hóa học, giáo viên có thể giao cho các em thiết kế các sản phẩm ứng dụng có hình của bảng tuần hoàn hóa học. Những sản phẩm này sẽ không quá hoàn mỹ, long lanh nhưng chắc chắn sẽ gợi cảm hứng và tinh thần thi đua của học trò.
Để quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập này không trở nên "quá tải", thầy cô có thể tính tới phương án giao việc cho các nhóm nhỏ. Mỗi em sẽ đảm nhận một phần trong công việc chung, từ đó hình thành tinh thần đoàn kết và kỹ năng làm việc tập thể".