Kinh nghiệm dạy học online của giáo viên Hà Nội trong đợt dịch corona
(Dân trí) - Học online, với lứa tuổi tiểu học, việc “tương tác với người" là quan học hơn bất kỳ hình thức học tập nào. Công cụ không thể thay thế GV mà chỉ đóng vai trò kết nối giáo viên và học sinh ở xa nhau.
Sau một tuần triển khai, nhiều vấn đề phát sinh với cách dạy và học online đã được trường Wellspring, Hà Nội đã giải quyết và rút ra kinh nghiệm chung.
Những thế mạnh trong việc ứng dụng công nghệ để quản lý lớp học và tạo ra các trải nghiệm học tập lý thú cho học sinh cũng được trường Wellspring tập trung phát triển thêm trong tuần học tại nhà tiếp theo này.
Các hoạt động online được triển khai phù hợp với đặc điểm riêng của từng cấp học
Trong thời gian nghỉ học từ ngày 3/2-7/2/2020, để duy trì thói quen và nề nếp học tập của học sinh không khác nhiều so với học tập trên lớp, Trường Wellspring đã đưa ra Thời khóa biểu Online cho cả 3 cấp học với các môn học trên các hệ thống online như Email, Google Classroom, Facebook Social Learning, Microsoft Office 365 Teams, Edmodo…
Các nền tảng, công cụ này được sử dụng tùy theo tình hình thực tế cấp học và bộ môn. Các giáo viên cả chương trình Việt Nam cũng như chương trình Quốc tế đều rất tích cực giảng dạy, gửi tài liệu, giải đáp, hướng dẫn, tương tác các bài học online với học sinh cũng như chấm chữa bài, chấm điểm, đánh giá, qua hệ thống theo như khung Thời khóa biểu hàng ngày.
Trong vòng 1 tuần học vừa qua, nhà trường hướng dẫn các thầy cô giáo điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với thực tế học tập online, với kỹ năng tự học và điều kiện học tập của học sinh.
Riêng với cấp tiểu học, do học sinh (HS) còn nhỏ nên cần tới sự hỗ trợ của phụ huynh (PH). Các giáo viên (GV) đã tiến hành hướng dẫn PH và HS cách tương tác, công cụ để tương tác, thời gian giao và trả bài...
Ngoài ra, GV cũng trực tiếp trao đổi với HS qua các công cụ giao tiếp trực tuyến như Messenger, Skype… Các nội dung học tập đưa ra tập trung vào ôn tập, luyện tập kiến thức đã học, các nội dung kiến thức mới nếu có được điều chỉnh hướng tiếp cận, thực hành phù hợp với hình thức học online.
Giải quyết kịp thời những khó khăn và vấn đề phát sinh
Trong năm học, HS và GV trường Wellspring đã rất quen thuộc với các công cụ công nghệ hỗ trợ việc học tập và trao đổi online.
Tuy nhiên, việc dạy và học 100% trên môi trường trực tuyến với số lượng học sinh của tất cả các lớp là một thách thức lớn đối với giáo viên triển khai và công tác quản lý, điều phối của Ban Giám hiệu.
Để tối ưu hiệu quả học tập cho học sinh, nhà trường liên tục cập nhật các vấn đề của từng giáo viên và đưa ra phương án giải quyết, đồng thời rút kinh nghiệm chung cho toàn bộ hệ thống.
Khó khăn lớn nhất khi triển khai học online với cấp Tiểu học là HS còn nhỏ, chưa tự chủ về thiết bị nên HS nhiều khi không online đúng giờ để theo dõi đầy đủ tiết học, GV phải giảng lại cho những bạn tham gia muộn; đường truyền của mỗi gia đình là khác nhau nên có thể bị gián đoạn, khó nghe, HS khó tập trung…
Để khắc phục điều này, các GV Tiểu học đã đưa ra cách phối hợp chặt chẽ với PH để giúp HS chủ động học tập đúng thời gian biểu.
Đồng thời, để thu hút sự tập trung của các em, GV đã bổ sung thêm các trò chơi trực tuyến để củng cố kiến thức, làm mới phương pháp dạy để tạo nên không khí vui vẻ, hài hước cho lớp học online.
Những hình thức khích lệ đặc biệt cũng được sáng tạo nên để giúp học sinh có thêm động lực học tập trong thời gian ở nhà dài ngày.
Với từng môn học, việc học online hoàn toàn sẽ gây ra những vấn đề khác nhau và các thầy cô luôn phải sự sáng tạo và đưa ra cách giải quyết của riêng mình.
Với môn Sinh học, cô Nguyễn Thị Huyền - GV trường THCS Wellspring chia sẻ: “Điều khó nhất trong việc giảng dạy online ở môn Sinh và Hóa học đó là những bài thực hành, HS sẽ không được làm trực tiếp. Như bài thực hành mổ ếch ở môn Sinh học lớp 7 hay thực hành chương Hidro – Nước của môn Hóa học lớp 8.
Để khắc phục tình trạng này, các GV đã tiến hành tìm kiếm các video minh họa cụ thể và phù hợp nhất để HS tìm hiểu và quan sát các thí nghiệm, các kết quả và hiện tượng thí nghiệm.
Ngoài ra, môn Sinh học 6 đang triển khai dự án Trồng rau mầm. Nếu đi học, các con sẽ được thực hiện thí nghiệm trong phòng Thí nghiệm với đầy đủ dụng cụ, thiết bị.
Tuy nhiên, vì lý do nghỉ học, các thầy cô đã hướng dẫn để các con thực hiện trồng rau mầm tại nhà. Các hình ảnh và video quay lại quá trình quan sát rau mầm lớn sẽ được gửi lại các thầy cô trong tuần kế tiếp. Việc này vừa đảm bảo việc học của học sinh không bị gián đoạn mà còn tạo hứng thú cho học sinh khác với việc học thông thường.
Ở cấp THPT, sự tự giác và khả năng làm chủ công nghệ của HS trường Wellspring là rất lớn. Do đó, các GV chỉ gặp vấn đề trong việc bị giới hạn giáo cụ trực quan và phối hợp cùng lúc với nhiều học sinh qua mạng do sự hạn chế của các công cụ online.
Để khắc phục điều này, nhiều giáo viên đã chủ động quay clip hướng dẫn học sinh tại phòng thí nghiệm và biên tập tài liệu môn học một cách chi tiết hơn để học sinh có thể chủ động nghiên cứu tại nhà.
Với tình huống học tập đặc biệt này và sự tâm huyết của các GV trường Wellspring, các PH cũng có phản hồi rất tích cực và phối hợp, hỗ trợ nhà trường rất nhiều.
Một PH lớp 7AB7 chia sẻ: “Tôi thấy đây là trải nghiệm quý giá của các con. Tôi thấy con nói học khó hơn học ở lớp với các thầy cô, và phải chủ động hỏi các thầy cô khi không hiểu... Đây thật là một tình huống bất khả kháng nhưng đã giúp các con có một trải nghiệm về cuộc sống thật sự chẳng hề suôn sẻ như những gì các con được nhà trường và bố mẹ dành cho bấy lâu”.
Những điều cốt yếu mà giáo viên cần chú ý
Trong thời điểm tâm lý cộng đồng hoang mang về dịch bệnh và thời điểm quay lại trường của HS chưa được đảm bảo chắc chắn, điều quan trọng nhất là tạo lập được tinh thần học tập ổn định và hứng thú học bài tại nhà cho HS. Đồng thời, giữ vững được sự tin tưởng và nhiệt tình phối hợp từ phía PH.
Do hạn chế lớn nhất của công cụ online là giáo viên không thể quản lý, đốc thúc trực tiếp HS tham gia các hoạt động học tập như ở trên lớp. Nên GV cần tập trung vào việc tạo động lực học tập chủ động cho các em.
Một số phương pháp tạo động lực học tập online có thể áp dụng là: Tạo ra một thử thách vừa phải để thu hút sự chú ý của học sinh ngay khi bắt đầu lớp học bằng cách đặt các câu hỏi thú vị, đưa ra một vấn đề cần giải quyết gần gũi với cuộc sống…;
Thay đổi không gian giao tiếp và tương tác với không gian mới đó để học sinh không bị nhàm chán về mặt thị giác, âm thanh; Để HS làm giáo viên, tìm hiểu trước bài học và giảng lại online cho các bạn khác trong lớp; Thường xuyên tạo ra các tình huống hài hước và tiếng cười; Tạo ra các cuộc thảo luận nhóm online để HS tự tương tác với nhau ngoài lớp học…
Với các học sinh nhỏ tuổi, GV cần hết sức lưu ý lắng nghe và trao đổi thường xuyên với PH để kịp thời điều chỉnh và hỗ trợ các em trong quá trình tương tác với công cụ.
Với lứa tuổi tiểu học, việc “tương tác với người" là quan học hơn bất kỳ hình thức học tập nào. Công cụ không thể thay thế giáo viên mà chỉ đóng vai trò kết nối GV và HS ở xa nhau.
Do đó, GV cần luôn sáng tạo nên các trải nghiệm học tập thú vị như các trò chơi, tình huống… để tối đa sự tương tác giữa người dạy với người học thông qua công cụ kết nối.
Việc chuẩn bị, triển khai và quản lý học tập online sẽ làm tăng lượng công việc và thời gian của giáo viên so với ngày thường rất nhiều. Do đó, bản thân các thầy cô cũng cần chú ý giữ gìn sức khoẻ, sinh hoạt hợp lý và sắp xếp thời gian khoa học để đảm bảo chất lượng công việc và cuộc sống.
Trong tuần tới, khối Tiểu học trường Wellspring sẽ triển khai thêm các tiết học Kỹ năng sống, trong đó cung cấp thêm cho HS và PH cách thức để bảo vệ sức khoẻ, phòng chống dịch Corona tại gia đình.
Hồng Hạnh