Thi ĐH-CĐ:

Kiến thức lịch sử ngô nghê trầm trọng

Có thí sinh ngô nghê viết: để củng cố chính quyền cách mạng phải thực hiện 4 chương trình: diệt ruồi, diệt muỗi, diệt nhặng và diệt bọ...; Hay phải thực hiện 3 sạch: ăn sạch, ở sạch, uống sạch để củng cố chính quyền.

Tiếp tục sai trầm trọng

 

Điểm thi môn Lịch sử từng gây sốc cho cả xã hội với kết quả: Điểm số từ 0-1 chiếm 1/3 số  bài thi vào năm 2005. Năm nay, tình hình có vẻ khả quan hơn sau 3 ngày chấm đầu tiên nhưng lại có vẻ chưa chắc như lời khẳng định của một số giảng viên ĐHKH XH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội chấm thi môn này.

 

Điểm môn Lịch sử năm nay rải đều từ 0 - 8 điểm (điểm 8 ít); số điểm từ 0-1 ít hơn năm trước; số thí sinh bỏ giấy trắng giảm hẳn; điểm cao ít; năm ngoái bỏ về giữa chừng nhiều năm nay, tình hình khả quan hơn.

 

Nếu năm trước điểm trung bình môn Lịch sử chỉ là 2,3 thì năm nay dự báo có thể lên tới 3,0 trở lên là những tín hiệu bước đầu.

 

Lý giải điều này, PGS TS Ngô Đăng Tri - Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trưởng ban chấm thi môn Lịch sử, ĐHKH XH&NV cho biết: Đề thi năm nay có câu dễ, câu khó nên số thí sinh trung bình cũng làm được bài (ví dụ với những câu hỏi như: hoàn cảnh, nội dung Hiệp định Giơ-ne-vơ...).

 

Tuy nhiên những tín hiệu trên không làm các thầy yên lòng bởi lẽ bài làm của thí sinh có quá nhiều lỗi ngớ ngẩn thảm hại.

 

Câu hỏi thi hỏi về quân đồng minh, thí sinh không hiểu nên kể ra nào là quân đồng minh xây dựng căn cứ địa cách mạng, quân đồng minh phát động phong trào phá kho thóc của Nhật; Một thí sinh khác lại viết: Quân đồng minh đánh quân Nhật với trận mở màn tại thị xã Lạng Sơn! Có lẽ thí sinh này nhầm quân đồng minh với quân Việt Minh của Việt Nam.

 

Thậm chí có những  thí sinh làm bài ngô nghê đến mức viết như sau: để củng cố chính quyền cách mạng phải thực hiện  4 chương trình: diệt ruồi, diệt muỗi, diệt nhặng và diệt bọ...; có thí sinh lại cho rằng phải thực hiện 3 sạch: ăn sạch, ở sạch, uống sạch để củng cố chính quyền.

 

Lỗi chính tả rất nhiều, viết câu sai vô cùng nhiều là lời miêu tả của các thầy. Hội nghị Phông-ten-nơ-blô thì được viết thành tên của nhà tư tưởng khai sáng thế kỷ XVIII Mông-te-xki-ơ của Pháp. 

 

Có hiện tượng không hiểu gì cứ viết triền miên, nghĩ gì viết nấy là rất nhiều. 12 trang giấy viết lung tung; người chấm phải đọc hết và cuối cùng không chọn được ý đành hạ bút cho 0,5 điểm.

 

Cần ngay giải pháp

 

Xưa nay đề cứ ra theo kiểu trình bày cho “phù hợp với trình độ phổ thông” . Để  có điểm cao phải phân tích đánh giá thì học sinh phổ thông chịu, một thầy giáo nói.

 

Mặt bằng học sinh chỉ có thế; số thí sinh có thể đi vào phân tích đề hiểu thực sự ít. Vì chủ yếu các em học với sự ép buộc ít có say mê, đi sâu, đào sâu môn học, chỉ hiểu đơn giản trong SGK.

 

Đã đến lúc phải trú trọng hơn tới việc học Lịch sử ở trường phổ thông như: thay đổi việc học, có bản đồ, có phim... để học sinh đi vào cái hiểu Lịch sử, nắm được ý nghĩa nội dung biết phân tích đề thi để làm đúng.

 

Thầy Nguyễn Văn Ánh - Giảng viên  khoa Lịch sử (ĐHKH XH&NV) cho biết, rất tiếc sau sự cố năm ngoái, việc đổi mới việc giảng dạy Lịch sử chưa là bao nhiêu  nên điểm của thí sinh chỉ ở mức như vừa phân tích.

 

Theo H.T
Tiền Phong

Dòng sự kiện: Chấm thi ĐH 2006