Kiến nghị nâng cấp hệ thống “lọc ảo” trong xét tuyển năm 2019
(Dân trí) - Ngày 11/12, ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức buổi tổng kết công tác lọc ảo, xét tuyển nhóm phía Nam năm 2018 với sự tham gia của đại diện của gần 90 trường ĐH, CĐ. Dịp này, các trường kiến nghị Bộ GD-ĐT cập nhật và nâng cấp hệ thống lọc ảo, xét tuyển chung của nhóm.
Năm 2018, nhóm xét tuyển ĐH, CĐ khu vực phía Nam gồm các trường ĐH, CĐ tự nguyện tham gia với mục đích phối hợp thực hiện hiệu quả quy trình xét tuyển đợt 1, dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia. ĐH Quốc gia TPHCM đóng vai trò đơn vị điều phối và hỗ trợ kỹ thuật. Nhóm có ban điều hành để thống nhất và chỉ đạo mọi hoạt động.
Theo báo cáo tổng kết, có 86 trường tham gia nhóm xét tuyển phía Nam, tăng hơn năm 2017 bảy đơn vị. Năm 2018, cả nước có gần 292 trường ĐH, CĐ đào tạo giáo viên trên cả nước xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia, tỉ lệ các trường nhóm phía Nam chiếm gần 30%, nhóm phía Bắc (57 trường) gần 20%. Vì vậy còn 50% các trường không tham gia nhóm lọc ảo, xét tuyển chung. Quy mô tuyển sinh của các đơn vị tham gia nhóm phía Nam là hơn 160.000 thí sinh (chiếm gần 50% quy mô tuyển sinh cả nước).
Quá trình lọc ảo năm 2018 nhóm phía Nam thực hiện trong 3 đợt với 11 lần lọc ảo của nhóm. Trong lần lọc ảo đầu tiên ngày 3/8, chỉ có 63 trường tham gia, trong đó có Trường ĐH Công nghiệp TPHCM không tham gia cả hai đợt lọc ảo của nhóm lần 1, 2 và lọc ảo của bộ lần 1 vì trường không kịp thực hiện xét tuyển (do phần mềm xét tuyển offline chạy chậm).
Đợt lọc ảo ngày 4/8, có bốn lần lọc ảo nhóm, trong đó có hai trường không tham gia cả 4 lần lọc ảo nhóm lần 5, 6, 7 và 8. Đợt lọc ảo ngày 5/8, lần lọc ảo thứ 9 của nhóm có 80 trường tham gia và hai lần lọc ảo cuối có 65 trường tham gia. Trong đó có 3 trường không tham gia cả 3 lần lọc ảo nhóm lần 9, 10, 11.
Nhận định chung về kết quả trúng tuyển sau khi lọc ảo của các trường tham gia nhóm lọc ảo phía Nam thành công, không có sự cố đáng kể nào phát sinh. Sau quá trình lọc ảo nhóm và chung toàn quốc, các trường đã xác định được mức gọi trúng tuyển phù hợp với đơn vị, đảm bảo cho việc nhập học đạt được chỉ tiêu của đơn vị đề ra. Việc tham gia lọc ảo nhóm giúp các đơn vị xác định được dự kiến các mức và tỉ lệ gọi trúng tuyển dần hội tụ đến kỳ vọng của đơn vị.
Tuy nhiên, trong quá trình lọc ảo, xét tuyển đã có vài lỗi, một số trường không thể cập nhật danh sách trúng tuyển dự kiến lên hệ thống để lọc ảo nhóm lần 1 theo đúng thời gian quy định. Thời gian lọc ảo lần 1 của bộ không được thực hiện theo đúng thời gian của quy trình nên quá trình lọc ảo nhóm lần 3, 4 sau đó phải dời lại chậm 30 phút so với quy trình của nhóm.
Theo PGS. TS Vũ Hải Quân, phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, nhóm xét tuyển phía Nam sử dụng phần mềm lọc ảo nhóm do Bộ GD-ĐT cung cấp và hỗ trợ kỹ thuật, nhằm thực hiện việc lọc ảo các thí sinh đã trúng tuyển vào nguyện vọng cao hơn vào một trường thành viên (lọc ảo), giúp các trường xét tuyển phù hợp yêu cầu và giảm tỉ lệ "thí sinh ảo".
Các trường hoàn toàn tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc điều chỉnh tỉ lệ gọi trúng tuyển (chỉ tiêu xét tuyển) và xác định điểm chuẩn trúng tuyển cho từng ngành, nhóm ngành hay chương trình. Kết quả của việc xét tuyển theo nhóm đã đạt được kỳ vọng của các trường, tuyển được các thí sinh đúng với mục tiêu đào tạo của trường.
Dịp này, ĐH Quốc gia TPHCM kiến nghị Bộ GD-ĐT cập nhật và nâng cấp hệ thống lọc ảo, xét tuyển chung của nhóm và toàn quốc bằng điểm thi THPT quốc gia năm 2019.
Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường chưa tham gia vào nhóm lọc ảo, xét tuyển tự nguyện tham gia để giảm thời gian lọc ảo, xét tuyển chung toàn quốc. Các đơn vị tham gia nhóm lọc ảo và xét tuyển phải tuân thủ nguyên tắc, quy trình trong quá trình triển khai.
Theo ông Quân, công tác lọc ảo và xét tuyển năm 2019 nhóm phía Nam tiếp tục thực hiện trên nguyên tắc các trường thành viên tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc tuyển sinh là xác định tỉ lệ gọi trúng tuyển, xác định điểm chuẩn và công bố trúng tuyển cho thí sinh.
Lê Phương