Kiểm tra trực tiếp lớp 1,2: Ai cũng phải thích nghi, chỉ quy định dậm chân?
(Dân trí) - Trong khi tất cả, từ học sinh, giáo viên, phụ huynh đều tìm cách để thích nghi với điều kiện mới thì hướng dẫn "kiểm tra trực tiếp với lớp 1, 2" của Bộ GD-ĐT", theo nhiều người như "dậm chân tại chỗ"?
Trước thông tin của Bộ GD-ĐT về việc kiểm tra định kỳ với học sinh lớp 1, 2 bằng hình thức trực tiếp, nhiều phụ huynh ở TPHCM không tài nào hiểu nổi khi họ đã vật vã giữ con trong nhà học online hơn nửa năm trời.
Sinh con năm một, một bé lớp 1, một lớp 2, chị Phan Thị Nga, ở phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TPHCM ngạc nhiên lẫn khó chịu trước thông tin đang xôn xao: Trẻ lớp 1, 2 kiểm tra định kỳ trực tiếp.
Hai con học online từ đầu năm, chị vẫn chưa nhận được thông báo từ trường về kế hoạch kiểm tra học kỳ nên chưa rõ cách thức. Nhưng nghe thông tin kiểm tra trực tiếp với học sinh lớp 1, 2 chị không thể chấp nhận nổi, nhất là khi các con khi các con đã học online một thời gian rất dài.
Theo chị, tất cả trẻ, thầy cô, phụ huynh đã rất cố gắng để dạy học online trong hoàn cảnh dịch bệnh không ai mong muốn. Các cháu đã ở trong nhà hơn 8 tháng trời để "trốn" dịch vì sự an toàn.
"Vậy mà, các cháu lại có thể phải tập trung ở trường chỉ để kiểm tra? Chẳng lẽ học thì cần an toàn để ở nhà nhưng kiểm tra thì bất chấp, không cần sự an toàn?", người mẹ thắc mắc.
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ GD-ĐT, việc kiểm tra định kỳ với học sinh lớp 1,2 bằng hình thức trực tiếp. Trong trường hợp bất khả kháng, phải kiểm tra bằng hình thức trực tuyến.
Hướng dẫn này làm nhiều người vừa khó hiểu vừa muốn... té ngửa, cảm giác như quy định đang "một mâm một chiếu". Chưa bàn đến việc thực hiện, ai cũng biết cả nửa năm học vừa rồi, hàng triệu học sinh trong cả nước đang học tập trong điều kiện "bất khả kháng" là học qua các thiết bị điện tử. Lớp học truyền thống đóng cửa, cô trò, bạn bè nhiều chưa hề một lần biết mặt nhau ngoài đời.
Nhưng hướng dẫn được gọi là "để ứng phó với dịch Covid-19" của Bộ lại... như chưa từng có dịch Covid, "bình chân như vại" khi vẫn tập trung vào kiểm tra trực tiếp và chỉ trừ trường hợp "bất khả kháng".
Anh Nguyễn Văn Quang, có con học lớp 2 tại một trường tiểu học ở Phú Nhuận, TPHCM bày tỏ, năm nay, các con chưa một phút học trực tiếp, chưa một ngày đến trường. Việc học online có những khó khăn và cả thuận lợi rất đặc thù mà tất cả mọi người tham gia đều vẫn đang trong quá trình thích nghi, đặc biệt là với trẻ nhỏ lớp 1, lớp 2 mới làm quen với việc học.
Theo ông bố này, nếu như trẻ nhỏ đến trường lúc này là để các em "hít hà cuộc sống", để nhìn mặt mũi bạn bè, thầy cô, để ngắm cái bàn, cái bảng... Liệu có đứa trẻ 6, 7 tuổi nào, sau thời gian dài chỉ biết đến máy tính, điện thoại, nhìn nhau qua màn hình có thể đến trường thực hiện bài kiểm tra để xem khả năng tiếp thu.
"Trong giáo dục hay nghe bắt con cá leo cây, còn giờ giống như bắt cái bàn biết chạy", anh Quang ví von.
Phó hiệu trưởng chuyên môn một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh bày tỏ, trường nắm theo hướng dẫn theo quy định của Sở GD-ĐT TPHCM, nơi nào, trường nào đi học trực tiếp thì kiểm tra trực tiếp, nơi nào chưa đi học lại thì kiểm tra theo hình thực trực tuyến.
Vậy nhưng, hướng dẫn của bộ về kiểm tra trực tiếp với trẻ lớp 1, lớp 2 cũng làm nhiều người... nặng lòng.
Theo vị Phó hiệu trưởng này, quy định nêu ra có phần gây tổn thương cho những nỗ lực học tập tại nhà, giữ mình trong nhà nhiều tháng trời để chống dịch. Quá trình, nỗ lực đó dường như không được xem trọng bằng việc kiểm tra đánh giá.
Dù rằng, việc kiểm tra đánh giá là cần thiết nhưng theo vị hiệu phó, việc kiểm tra đánh giá là kết quả của một quá trình, cần phù hợp với quá trình đó và đặc biệt là phù hợp với bối cảnh.
Người này cũng nêu quan điểm, bối cảnh học tập mới chưa từng xảy ra, tất cả đều phải thay đổi từ bảng đen phấn trắng qua việc lướt phím, nhấp chuột. Từ một đứa trẻ 6 tuổi vừa vào lớp 1, đến giáo viên đã chuẩn bị về hưu hay có những phụ huynh chưa từng lướt điện thoại thông minh cũng phải tìm cách "xoay mình" để thích nghi...
Vậy nhưng, bà cảm giác như chỉ có các quy định là không thay đổi, không cần thích nghi. Lâu nay thế nào thì bây giờ cứ vậy, rất bàng quang. Trong khi lẽ ra, các hướng dẫn, quy định từ trên phải chủ động, phải nắm bắt, phải có định hướng.
Tùy thuộc vào địa phương
Trao đổi với PV Dân trí tối 14/12, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT chia sẻ để mọi người rõ hơn về công văn hướng dẫn. Trong công văn nêu, việc kiểm tra định kỳ đối với học sinh lớp 1, lớp 2 khi đã hoàn thành xong chương trình môn học và đã được kiểm tra đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập.
Chỉ tổ chức kiểm tra học sinh lớp 1, 2 đối với 2 môn Toán và Tiếng Việt khi kết thúc chương trình ở thời điểm kết thúc học kỳ 1 và năm học. Việc này nhằm đánh giá chất lượng quá trình dạy học, tăng trách nhiệm quản lý của các cấp. Từ đó, để điều chỉnh lại kế hoạch giảng dạy đảm bảo chất lượng giáo dục, tránh tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp.
Bài kiểm tra này chỉ là đánh giá thường xuyên, tính chất rất nhẹ nhàng. Học sinh nào chưa đảm bảo yêu cầu sẽ có kế hoạch tổ chức học tập bổ sung.
Về việc tổ chức theo hình thức trực tiếp, ông Thái Văn Tài nhấn mạnh, theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, việc tổ chức các hoạt động trở lại trên quy mô như thế nào phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại địa phương đó. Việc đón học sinh trở lại lớp, quy mô ra sao phải đảm bảo các yêu cầu theo quy định tại địa phương.
Trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ, học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, các cơ sở giáo dục chủ động báo cáo phương án cho địa phương trước khi thực hiện.
Ông Thái Văn Tài cũng trao đổi, khi điều kiện có thể đi học trực tiếp trở lại, các địa phương cần ưu tiên hai khối học sinh lớp 1, lớp 2 - những nhóm tuổi chịu nhiều thiệt thòi vì ảnh hưởng của dịch bệnh hai năm qua.
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TPHCM, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, đối với các trường ở địa bàn được xác định dịch cấp độ 1, 2, 3 và học sinh đã đi học trực tiếp sẽ kiểm tra trực tiếp.
Nếu trường ở địa bàn được xác định dịch cấp độ 4 và học sinh không thể đến trường học trực tiếp, học sinh sẽ kiểm tra theo hình thức trực tuyến.
Sở yều cầu các cơ sở giáo dục không kiểm tra những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông; không kiểm tra đối với các nội dung phải thực hiện tinh giản và các nội dung hướng dẫn học sinh tự học, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu những nội dung thực hành, thí nghiệm.