Khuyến khích các trường tiểu học xã hội hóa việc dạy học ngoại ngữ

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Việc xã hội hóa dạy học ngoại ngữ cần được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, theo công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024- 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn các Sở GD&ĐT thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025.

Một trong những nội dung đáng chú ý là hướng dẫn tổ chức dạy học các môn ngoại ngữ 1 theo chương trình phổ thông cấp tiểu học.

Theo đó, Bộ khuyến khích các cơ sở giáo dục thực hiện xã hội hóa dạy học ngoại ngữ để tăng cường thời lượng học, dạy học ngoại ngữ qua các chủ đề toán - khoa học và dạy một số môn học bằng tiếng nước ngoài. 

Việc dạy học ngoại ngữ hình thức xã hội hóa này cần căn cứ trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ học sinh.

Khuyến khích các trường tiểu học xã hội hóa việc dạy học ngoại ngữ - 1

Giáo viên kiểm tra kỹ năng nghe, nói tiếng Anh của học sinh tại Mèo Vạc (Ảnh: Trường Marie Curie).

Bộ cũng khuyến khích các trường tăng cường tổ chức cho học sinh đẩy mạnh thực hành ngoại ngữ qua hoạt động trải nghiệm, đọc sách truyện, đồng thời cần tạo môi trường ngoại ngữ ngoài lớp học, các sân chơi, giao lưu cho học sinh.

Đối với nhiệm vụ chung, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; tăng cường bảo đảm an toàn trường học; thực hiện hiệu quả phân cấp quản lý gắn với trách nhiệm giải trình trong tổ chức thực hiện kế hoạch năm học theo quy định và phù hợp với thực tiễn tại địa phương.

Ngành giáo dục địa phương cần chú trọng thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp và đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Nhiệm vụ trọng tâm khác là tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; thực hiện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để có đủ giáo viên, bảo đảm chất lượng dạy học các môn học, hoạt động giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; triển khai hiệu quả công tác đánh giá và bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp và chuẩn hiệu trưởng.

Các Sở GD&ĐT cũng cần đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học; thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nề nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục tiểu học.

Ngoài ra, địa phương cần tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.