“Không xem thời sự cập nhật tin tức, đừng thi Báo chí”
(Dân trí) - Đó là lời nhắc nhở của PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang (Trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho những "sĩ tử" sắp thi vào các chuyên ngành Báo chí của trường. Theo đó, muốn vượt qua "cửa ải" bài thi Năng khiếu báo chí, thí sinh không thể không đọc báo, cập nhật tin tức và các vấn đề thời sự.
Hội thảo "Bí kíp ôn thi môn Năng khiếu Báo chí" trong khuôn khổ Ngày hội tư vấn tuyển sinh AJC Oen Day 2018 do Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức ngày 22/4 đã giải đáp băn khoăn cho nhiều học sinh, phụ huynh quan tâm kỳ thi Năng khiếu báo chí năm 2018 được tổ chức vào tháng 7 tới. Tại đây, học sinh có cơ hội giao lưu cùng các nhà báo nổi tiếng, các cựu sinh viên Báo chí tiêu biểu.
Cần chuẩn bị những kiến thức gì để thi môn Năng khiếu báo chí?
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang (Trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình) nhấn mạnh: "Năng khiếu ở đây thực ra chỉ đơn giản là kiểm tra năng lực, khả năng tố chất của các bạn trong nghề báo. Muốn yêu thích học nghề báo, các bạn phải quan tâm thông tin thời sự trên báo, đài. Từ những thông tin đó, đề thi gửi gắm những vấn đề của đời sống chính trị xã hội, của thời sự hàng ngày".
Bài thi năng khiếu báo chí chính là điểm khác biệt khi thí sinh dự thi vào các chuyên ngành Báo chí ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền so với các trường khác.
Về cấu trúc của bài thi năng khiếu báo chí, Thạc sĩ Nguyễn Nga Huyền (giảng viên Khoa Phát thanh Truyền hình) cho biết có 2 phần chính. Phần 1 (3 điểm): Bài thi trắc nghiệm gồm 30 câu hỏi trắc nghiệm (chung cho các chuyên ngành Báo), thời gian làm bài 30 phút.
Phần 2 (7 điểm): Thi năng khiếu, sẽ có những yêu cầu riêng với từng chuyên ngành.
Đối với chuyên ngành ảnh báo chí: Thí sinh phải phân tích ảnh, thể hiện kiến thức và phỏng vấn với những nhiếp ảnh gia nổi tiếng để thể hiện cảm nhận, năng khiếu về nhiếp ảnh.
Đối với chuyên ngành Quay phim Truyền hình: Thí sinh nhận định đánh giá, phân tích về một đoạn clip và phỏng vấn với các nhà quay phim nổi tiếng.
Với các chuyên ngành khác của ngành Báo chí (Phát thanh, truyền hình, Báo mạng điện tử, Báo in), thí sinh sẽ làm bài thi tự luận gồm 2 câu hỏi trong thời gian 120 phút.
Câu 1: (6 điểm) Biên tập một văn bản báo chí được lấy ngẫu nhiên trên các tờ báo, tác phẩm truyền hình.
Câu 2: (4 điểm) Đưa ra một chủ đề và yêu cầu thí sinh đưa quan điểm và lập luận quan điểm trong bài luận 500 từ.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Nga Huyền, phần 3 điểm kiến thức trải khá rộng bậc THPT ở các môn GDCD, lịch sử, địa lý,... do vậy thí sinh cần cố gắng nhớ các thông tin số liệu kiến thức.
Tức thời với tin tức, bày tỏ quan điểm sâu sắc nhưng văn minh
Và đặc biệt quan trọng, để “vượt ải” năng khiếu báo chí các bạn phải liên tục cập nhật kiến thức thời sự, kiến thức báo chí.
“Nếu các bạn hàng ngày không bao giờ giở báo, lướt mạng báo đọc, không bao giờ quan tâm các bản tin thời sự trên đài truyền hình, đài phát thanh thì tôi khuyên rằng các bạn đừng nên thi vào báo chí. Bởi nếu không có đam mê với tin tức, đam mê truyền tải tin tức với khán giả, công chúng thì chúng ta không học báo được. Người học báo, làm báo phải luôn tức thời trước các tin tức”, giảng viên Nga Huyền nhấn mạnh.
"Bí kíp" ôn thi Năng khiếu báo chí
Do vậy, ngoài việc ôn thi tốt nghiệp THPT, thí sinh hãy đọc báo mỗi ngày. Các giảng viên khuyến khích thí sinh đọc những trang báo chính thống, có nhiều độc giả để biết rằng xã hội đang quan tâm đến điều gì, những quan điểm khác nhau xoay quanh vấn đề.
Phải có quan điểm, phải có lập luận trước các vấn đề đó, tập viết về vấn đề, bày tỏ quan điểm của mình.
“Các em hãy diễn đạt thật mạch lạc, lập dàn ý trước khi làm bài. Cách bày tỏ quan điểm: các em cần sâu sắc nhưng cần phải văn minh. Ngày nay trên mạng xã hội có nhiều người bày tỏ ý kiến về một vấn đề rất sâu sắc nhưng trong họ lại bày tỏ những quan điểm này thái quá và thiếu văn minh, vậy nên dù cho quan điểm của chúng ta là như thế nào, đồng chiều hay trái chiều thì cũng nên thể hiện sự văn minh trong bài thi”, cô Huyền lưu ý.
Nhà báo, giảng viên Dương Quốc Bình từng đoạt giải Nhất Phóng sự Ảnh Eyetime (Mỹ) năm 2014 chia sẻ kinh nghiệm cho thí sinh ở thử thách phỏng vấn trực tiếp với nhà báo, nhiếp ảnh gia.
Nhà báo, giảng viên Dương Quốc Bình (khoa Báo chí), phóng viên báo Lao động, từng đoạt giải Nhất Phóng sự Ảnh Eyetime (Mỹ) năm 2014 cho rằng, phần thử thách đặc thù nhất đối với các bạn thí sinh trong Bài thi Năng khiếu báo chí có lẽ là phần phỏng vấn trực tiếp với các nhà báo, nhiếp ảnh gia.
"Mỗi phần đều có khó khăn riêng. Tuy nhiên phần khó nhất là phần phỏng vấn. Bởi lẽ chỉ qua một vài câu hỏi chúng tôi sẽ thấy được độ đam mê của các bạn sinh viên đến đâu. Báo chí đã đặc thù thì chuyên ngành báo ảnh và quay phim truyền còn đặc thù hơn nữa khi bắt buộc phóng viên phải có mặt tại hiện trường, lấy thông tin bằng hình ảnh. Công việc rất nặng nề, vất vả nên đòi hỏi sinh viên học ngành đó phải thực sự đam mê, yêu thích công việc. Chúng tôi đặt kỳ vọng vào phần vấn đáp phỏng vấn để xem mức độ đam mê của các bạn đến đâu?", ông Bình lưu ý.
Sinh viên Lê Hoàng Cương, sinh viên lớp Báo chí K36.1 với điểm thi năng khiếu báo chí ấn tượng 8,3 (năm 2016) cho biết, cách đây 2 năm, bạn đã tìm hiểu bài thi Năng khiếu báo chí bằng cách luôn theo dõi tìm hiểu thông tin trên mạng và hỏi các anh chị đã tham gia bài thi năng khiếu báo chí năm trước. Ngoài ra bạn cũng luôn cập nhật thông tin tuyển sinh mới nhất được đăng tải trên website, fanpage của trường.
Lệ Thu