Bí quyết “vượt cửa ải” bài thi Năng khiếu báo chí
(Dân trí) - Những lời khuyên bổ ích để vượt qua “cửa ải” Năng khiếu báo chí cho hàng nghìn sĩ tử đăng ký thi tuyển vào Học viện viện Báo chí & Tuyên truyền đến từ một nữ giảng viên thuộc Ban tư vấn tuyển sinh và truyền thông của trường.
Mới đây, trên trang cá nhân của mình, Tiến sĩ Vũ Thị Kim Hoa (Phó trưởng ban đào tạo, Học viện Báo chí Tuyên truyền) đã chia sẻ những lưu ý trọng tâm khi làm viết bài luận cũng như bài thi năng khiếu ảnh báo chí và quay phim truyền hình. Trước những lo lắng, bỡ ngỡ của đông đảo thí sinh về bài thi năng khiếu báo chí, nữ giảng viên động viên các em tự tin, “quyết chiến, quyết thắng”.
Bài luận: Biết phát hiện vấn đề và thể hiện quan điểm cá nhân
Bài luận trong đề thi năng khiếu báo chí là bài viết các em cần thực hiện để thể hiện khả năng phát hiện vấn đề, khả năng lâp luận và khả năng thực hiện văn bản của mình.
Đề bài sẽ nêu một vấn đề, một sự kiện và yêu cầu các em thực hiện một bài viết luận có dung lượng 500 chữ.
Trong bài viết, các em cần thể hiện được quan điểm cá nhân của mình về vấn đề được hỏi đến. Các em chú ý, những sự kiện được chọn sẽ là những sự kiện đang là vấn đề được xã hội quan tâm và có tầm ảnh hưởng. Ví dụ năm 2015 chủ đề được lựa chọn là bình luận trên mạng xã hội; năm 2016 trúng chủ đề về phát triển kinh tế và vấn đề môi trường; năm nay có nhiều sự kiện xảy ra: biệt phủ và quan chức; đổi mới giáo dục (qua việc đổi mới kì thi THPT quốc gia vừa rồi); vấn đề lễ hội (qua vụ trâu chọi ở Đồ Sơn); vấn đề thượng tôn pháp luật (qua vụ tài xế xe công chống người thi hành công vụ)…
Điểm lưu ý quan trọng là trong bài viết, thí sinh cần phải thể hiện được quan điểm cá nhân. Thông qua bài luận, đề thi có mục đích đánh giá năng lực phát hiện vấn đề và thể hiện quan điểm cá nhân của các em.
Về cấu trúc, thí sinh nên chia bài viết của mình theo cấu trúc thông thường gồm phần mở bài; phần triển khai và phần kết luận
“Phần mở bài các em có thể vào đề theo kiểu trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên, với vấn đề được chọn thường là vấn đề nóng nên các em có thể chọn các vào đề trực tiếp. Các câu viết thường là ngắn mạnh và hiệu quả”, giảng viên, TS. Vũ Thị Kim Hoa lưu ý.
Ở phần triển khai vấn đề, thí sinh cần đưa ra các luận điểm, các luận điểm có các minh chứng cụ thể thuyết phục.
Ví dụ, về vấn đề mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, các em cần đưa ra tác động tích cực của phát triển kinh tế với môi trường, tác động tiêu cực là gì, bài học rút ra là gì. Để làm tốt phần này, các em nên theo dõi báo chí và đọc mục bình luận trên các báo. Đôi khi họ có ý tưởng và cách lập luận rất hay.
Phần này để bài viết sâu hơn các em cũng nên nhìn vấn đề với nhiều góc nhìn khác nhau. Ví dụ, vụ tài xế xe công chống người thi hành công vụ, nên nhìn dưới góc nhìn của xã hội, của những người thực thi nhiệm vụ, của các tài xế và của người dân. Mục đích cuối cùng là đưa ra quan điểm cần thượng tôn pháp luật để bảo vệ sự công bằng, bình an và ổn định trong toàn xã hội.
Phần kết bài em nên đưa thêm một ý: là người đam mê báo chí và mơ ước trở thành nhà báo, em đã và sẽ làm gì…
Cố gắng viết bài luận đủ 500 chữ và nên có ý tưởng sáng tạo trong cách vào đề cũng như triển khai vấn đề. Phần này không quá khó, trước khi đọc đề em cần tĩnh tâm và tìm ra hướng cảm xúc cho cả bài viết để thể hiện được quan điểm và cảm xúc của mình trong bài viết.
Bài thi năng khiếu ảnh báo chí và quay phim truyền hình
Dưới đây là lời khuyên cho các bạn thi Năng khiếu ảnh báo chí và quay phim truyền hình.
+ Đối với thí sinh dự thi chuyên ngành Quay phim truyền hình, Ảnh báo chí:
(1) Xem hình ảnh (ảnh chụp, video clip) và viết bình luận không quá 500 chữ về hình thức, kỹ thuật, nội dung hình ảnh được xem, thời gian làm bài 30 phút (3 điểm);
Với bài luận này, các em chú ý vẫn cần có mở bài, triển khai và kết luận. Tuy nhiên, bài luận của ảnh báo chí và quay phim truyền hình thường tập trung các luận điểm bình về bố cục, về kĩ thuật thể hiện, về góc quay, ánh sáng… các em cũng phải thể hiện cảm xúc trong các bài luận đó.
Phần trả lời phỏng vấn yêu cầu các em thể hiện hiểu biết về lĩnh vực quay phim truyền hình, ảnh báo chí; kiến thức về tạo hình và bố cục, tư duy hình ảnh; ý tưởng sáng tạo; khả năng giao tiếp… Các em cần chú ý các kiến thức về tạo hình, bố cục, ánh sáng, tiêu cự, góc máy... để trả lời cho tốt.
“Trong phần trả lời các em cũng phải thể hiện được sự đam mê của mình với ảnh báo chí hoặc quay phim. Phần này cũng phụ thuộc nhiều vào khả năng thuyết phục và khả năng giao tiếp của các em. Nhớ gây ấn tượng tốt bằng câu trả lời và sự biểu cảm trên khuôn mặt. Các em chú ý và thi tốt nhé”, đại diện ban tuyển sinh nhắn nhủ.
PGS.TS. Lưu Văn An - Phó Giám đốc Học viện Báo chí & Tuyên truyền cho hay: "Hiện tại, Học viện hiện có 18 khoa được chia làm 32 chuyên ngành đào tạo, riêng ngành Báo chí đã có tới 7 chuyên ngành riêng biệt. Mảng truyền thông cũng được chú trọng với chuyên ngành Quan hệ công chúng, Quảng cáo, Truyền thông đối ngoại.
Điểm đầu vào cao nhất năm 2016 ở chuyên ngành Khoa học quản lý nhà nước, ngành Quan hệ công chúng là 29,5 điểm. Năm 2017, học viện dự kiến tuyển sinh 1.550 chỉ tiêu hệ đào tạo chính quy tập trung 4 năm, khoảng 300 chỉ tiêu hệ đào tạo 2 năm".
Cũng theo PGS.TS Lưu Văn An, trong chương trình tuyển sinh năm nay, ngoài các môn thi bắt buộc như Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, học viện có bổ sung thêm môn Vật lý vào môn thi tự chọn và kết hợp với kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 để xét tuyển.
Sáng nay 8/7, các thí sinh thi vào Học viện Báo chí & Tuyên truyền tập trung tại trường nghe phổ biến Quy chế thi, nhận thẻ dự thi.
Chiều 8/7, tất cả thí sinh thi vào các ngành làm bài thi Trắc nghiệm. Bài thi Tự luận (viết luận) áp dụng đối với thí sinh đăng ký dự tuyển các chuyên ngành Báo in, Báo phát thanh, Báo truyền hình, Báo mạng điện tử.
Sáng 9/7: Các thí sinh thi vào ngành Báo ảnh thi Năng khiếu chuyên ngành Ảnh báo chí;
Chiều 9/7: Thí sinh thi vào chuyên ngành Quay phim truyền hình làm bài thi Năng khiếu chuyên ngành Quay phim truyền hình.
Kết quả thi Năng khiếu báo chí công bố vào ngày 13/7/2017. Lưu ý: Thí sinh có thể đăng ký 3 nguyện vọng vào ngành Báo chí.
Lệ Thu