"Không thể đổi tên hoặc sáp nhập tùy tiện để "lên đời" thành đại học"
(Dân trí) - "Vì nhiều lý do, các đại học đa lĩnh vực có xu hướng tồn tại dưới dạng "liên hiệp các trường đại học chuyên ngành", mô hình "không giống ai" trên thế giới nên đại học không có sức mạnh tổng hợp".
Trên đây là ý kiến của Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam về mô hình "trường đại học" và "đại học" hiện nay.
Mô hình "không giống ai"
Theo chuyên gia này, từ năm 1993, Nhà nước chủ trương xây dựng các đại học đa lĩnh vực, dựa trên nguyên tắc gom một số cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành có trên cùng một địa bàn.
Như đề xuất ban đầu, tất cả các đại học đa lĩnh vực phải được tổ chức như một chỉnh thể thống nhất, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, với một hệ thống quản trị 3 cấp là: Đại học (University), trường (College) và khoa (Deparment), tức là theo mô hình các University của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, quá trình triển khai lại không phải như vậy. Vì nhiều lý do khác nhau, tất cả các đại học đa lĩnh vực được thành lập ngay từ đầu đã có xu hướng tồn tại dưới dạng "liên hiệp các trường đại học chuyên ngành", một mô hình "không giống ai" trên thế giới.
Sở dĩ nói mô hình không giống ai bởi các trường thành viên vẫn hoạt động gần như độc lập, không phối hợp với nhau, trước hết là về mặt đào tạo, nên đại học không có được sức mạnh tổng hợp như mong đợi.
Do đó, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định mới cho các Đại học Quốc gia và Đại học vùng, trong đó quy định các đại học này phải thay đổi cơ cấu theo hướng chuyển đổi từ mô hình Liên hiệp các trường đại học chuyên ngành qua mô hình Đại học đa lĩnh vực đích thực.
Trước những ý kiến của dư luận về việc rối trong cách gọi tên các khái niệm này, ông Khuyến cho rằng, trong các luật về giáo dục của Việt Nam đều khẳng định có 3 loại cơ sở giáo dục đại học là đại học (University), học viện (Academy/Institute) và trường đại học (College) nhưng không định nghĩa rõ các loại hình này như ở luật giáo dục của nhiều quốc gia khác.
"Điểm bất hợp lý là khi dịch ra tiếng Anh tất cả các trường đại học đều tự nhận là University trong khi ở nhiều nước, việc sử dụng tên gọi tiếng Anh (University, College, Academy/Institute) lại được Chính phủ quản lý rất chặt chẽ.
"Việt Nam cũng nên có thói quen quản lý như vậy để tránh hiểu nhầm về loại hình của các trường đại học.
Nhà nước cũng cần có quy định cụ thể các tiêu chí của loại hình "đại học" và nếu trường nào đạt được các tiêu chí đó thì đương nhiên được mang danh hiệu "đại học" (University)" - ông Khuyến nói.
Không thể đổi tên hoặc sáp nhập tùy tiện
Trao đổi với PV Dân trí, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long - CEA Thăng Long cho rằng, việc chuyển "trường đại học" thành "đại học" là tất yếu và phù hợp với xu thế hiện nay.
Cụ thể, việc "lên đời" là con đường phù hợp với các trường đại học đã có bề dày hoạt động, đã xây dựng được uy tín, thương hiệu trong xã hội; hoạt động đã bao phủ tới nhiều lĩnh vực và có ít nhất từ 3 lĩnh vực trở lên; có quy mô đào tạo tương đối lớn, lực lượng giảng viên hùng hậu và có trình độ cao, phát triển đào tạo sau đại học...
Còn đối với những trường nhỏ, nếu muốn phát triển thành Đại học thì chỉ có liên kết với nhau là con đường ngắn nhất nhưng cũng rất khó thành công.
Nếu có nhu cầu, điều kiện phát triển thành đại học thì phải có chiến lược, kế hoạch chi tiết để đầu tư hiệu quả và việc phát triển thành đại học phải để thực hiện mục đích hoạt động hiệu quả và chất lượng tốt hơn, không phải là vấn đề vị thế hay tên gọi.
TS Lê Viết Khuyến cũng thừa nhận, xu hướng hình thành các đại học lớn hiện nay là tất yếu, tiệm cận với nước ngoài, đáp ứng nhu cầu đào tạo cao hơn.
Trên thế giới có hai hình thức cơ bản để tạo nên đại học là các trường đơn lập liên kết lại hoặc nâng các khoa/viện thành trường để tạo thành đại học.
Việc nâng từ trường lên thành đại học sẽ giải quyết được nhiều nhiệm vụ hơn là các trường đơn ngành.
Tuy vậy, các đại học quốc gia, đại học vùng, trường đại học địa phương đều có những sứ mệnh riêng, đẳng cấp riêng do Chính phủ xác lập.
Do đó, ý kiến của chuyên gia này đưa ra, không thể đổi tên hoặc sáp nhập các cơ sở giáo dục khác đẳng cấp với nhau một cách tùy tiện.