Không nên lấy kết quả một kỳ thi để đánh giá năng lực tiếng Anh của cả xã hội

(Dân trí) - “Không nên dựa vào kết quả một kỳ thi dành cho học sinh ở bậc THPT để đánh giá năng lực tiếng Anh của cả xã hội…” - TS Vũ Thị Tú Anh - Phó Trưởng ban Thường trực BQL Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí.

Trong 2 ngày 28 và 29-7, tại trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, đã diễn ra Hội thảo quốc tế về giảng dạy Tiếng Anh như một ngoại ngữ.

Hội thảo do trường ĐH Ngoại ngữ  Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức TESOL tổ chức. Đây là một trong những hạng mục trọng tâm năm 2015 của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020.

Tham gia Hội thảo có hơn 300 giáo viên tiếng Anh tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; giảng viên tiếng Anh tại các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài nước tham gia báo cáo, thảo luận tại các phiên của Hội thảo Anh ngữ quốc tế này.

29-7-tingd2-6cf7f
Hội thảo thu hút nhiều giáo viên, giảng viên và chuyên gia trong lĩnh vực dạy học tiếng Anh trong và ngoài nước

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo về điểm thi môn tiếng Anh của các thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia vừa qua khá thấp, liệu có phải Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 triển khai chưa có hiệu quả trong dạy học tiếng Anh?

TS Vũ Thị Tú Anh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2010 cho biết:  “Chúng ta phải công nhận với nhau là năng lực xuất phát điểm trong dạy học tiếng Anh và cả năng lực tiếng Anh trong xã hội của chúng ta không cao. Chính vì điều đó, để có sự đổi mới toàn diện trong dạy học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung, Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã được triển khai sâu rộng ở các bậc học, mục tiêu đổi mới cả phương pháp giảng dạy của giáo viên, và trong cách học ngoại ngữ của học sinh, tiến tới nâng cao năng lực ngoại ngữ trong toàn xã hội. Điều này không phải một sớm một chiều là đạt mục tiêu".

"Tuy nhhiên, theo cá nhân tôi, không nên dựa vào kết quả một kỳ thi dành cho học sinh ở bậc THPT để đánh giá tiến trình hiệu quả của Đề án, cũng như đánh giá năng lực tiếng Anh của cả xã hội” - Bà Tú Anh cho hay.

Còn TS. Nguyễn Văn Long - Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng cho rằng: “Nguyên nhân phổ điểm thi tiếng Anh thấp là do đề thi tiếng Anh năm nay khó hơn các năm trước. Đối tượng học sinh thi tiếng Anh năm nay bao gồm cả học sinh thi lấy điểm xét tốt nghiệp và cả thi đại học trong khi đề thi có tính phân hoá cao cho cả hai mục đích xét tốt nghiệp cho học sinh và tuyển sinh đại học, Do đó, phổ điểm thấp hơn so với phổ điểm thi đại học các năm trước là tất yếu”.

Bên cạnh đó, đề thi ngoại ngữ năm nay, nội dung vẫn còn nặng tính hàn lâm, vẫn kiểm tra năng lực hiểu biết về môn tiếng Anh của học sinh hơn là kiểm tra năng lực sử dụng, ứng dụng tiếng Anh của học sinh trong thực tiễn.

Trong khi đó, mục tiêu giảng dạy ngoại ngữ trong trường học đang đổi mới theo hướng nâng cao năng lực ứng dụng ngoại ngữ trong thực tiễn của người học.

Khánh Hiền

(khanhhien@dantri.com.vn)