Không mải vui sau Tết

Chỉ còn 3 ngày nữa hơn 1 triệu học sinh Thủ đô sẽ trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết dài nhất từ trước tới nay. Đối mặt với áp lực học tập sau cả quãng thời gian nghỉ ngơi sẽ khiến học sinh uể oải, chán nản nếu các bậc phụ huynh không chuẩn bị trước tâm lý cho con em mình.

“No dồn đói góp”
 
“No dồn đói góp”

Kỳ nghỉ Tết năm nay khiến các bạn học sinh rất thoải mái. Tuy nhiên, khi không còn nhiều thời gian trước khi quay trở lại lịch học bình thường, nhiều bạn đã có tâm lý lo lắng, chán nản bởi đống bài vở dồn lại trước mắt. “Mới chỉ nhắc con tranh thủ khi nào rỗi thì xem lại sách vở, ngay lập tức tôi nhận được phản ứng khó chịu từ phía con mình, rằng mẹ phải cho con thời gian nghỉ ngơi, rằng đang là nghỉ Tết ai lại nhắc đến chuyện học hành, mất vui…” - chị Nguyễn Mai Hoa, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi cho biết. 

Trước khi nghỉ Tết, trong buổi họp phụ huynh sơ kết học kỳ I, cô giáo chủ nhiệm đã thông báo sẽ không có bài tập về nhà cho các con theo đúng yêu cầu của ngành. Tuy nhiên, cô cũng đề nghị các bố mẹ nhắc nhở con ôn luyện nội dung đã học để tránh quên kiến thức trong 2 tuần nghỉ Tết. Cũng chính vì vậy, chị Hoa lại rơi vào tình thế khó khăn khi không có “cái gậy” là bài tập của cô giáo để làm trọng lượng với lời nhắc nhở con mình học tập trong mấy ngày nghỉ cuối cùng này.

Trong khi đó, Nguyễn Minh Na, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Siêu lại ôm một tập đề được cô photo sẵn để giải quyết trong thời gian nghỉ Tết. Khó có thể từ chối lượng bài tập cô giao về nhà trong các dịp nghỉ kéo dài với lý do sợ các con chểnh mảng, không bắt nhịp được với lịch học sau kỳ nghỉ, phụ huynh của Na động viên con hoàn thành toàn bộ bài tập trước giao thừa để có thể yên tâm chơi Tết. Tuy nhiên, cách xử lý bài tập này lại phản tác dụng giáo dục. Vì các thầy cô đều mong muốn học sinh của mình duy trì nề nếp học tập hàng ngày chứ không phải “no dồn đói góp”, làm để đối phó như vậy. “Mình nghĩ cô giáo không nên quá lo lắng mà giao nhiều bài tập như vậy. Một năm có một dịp Tết, nên cho con có thời gian chơi, nghỉ ngơi cùng mọi người...” - chị Nguyễn Hoàng Mai, phụ huynh học sinh Trường Nguyễn Siêu chia sẻ.

Lấy lại nhịp trước ngày đi học

Còn theo TS tâm lý Đinh Đoàn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn: Đây là thời điểm đặc biệt của mỗi gia đình. Thời gian này là để các thành viên dành cho nhau chứ không phải phân cho công việc, học tập. Học tập không có nghĩa chỉ là làm bài tập về nhà. Các bạn học sinh được vui chơi, sinh hoạt đúng nghĩa cũng là một cách học tập thiết thực, đem lại những kiến thức, cảm xúc thực tế về đời sống văn hóa, truyền thống. Trước sự lo ngại của nhiều giáo viên về tình trạng học sinh uể oải, không bắt nhịp kịp guồng học tập sau thời gian nghỉ Tết kéo dài nếu không có bài tập về nhà để “tạo đà”, TS Đinh Đoàn cho rằng không nên quá lo ngại về việc này. Quan trọng là các vị phụ huynh có thể tổ chức cho con vui chơi lành mạnh, tránh quá đà, đua đòi với bạn bè. 

Nhằm khuyến khích các con quan tâm đến việc học tập, chị Mai Hoa cho biết, ngay mùng 1 Tết chị đã cùng con ngồi vào bàn làm vài bài toán, viết một đoạn văn để khai bút đầu xuân. “Các con có ý thức rằng đây là công việc nhẹ nhàng, không gây áp lực, tạo tâm lý thoải mái để những ngày nghỉ Tết sau vẫn có thể túc tắc tự học mà không cần bố mẹ phải nhắc nhở”.

Với kinh nghiệm của giáo viên lâu năm, cô Nguyễn Mai Anh, giáo viên Trường THCS Tứ Liên cho rằng để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng học tập trở lại, phụ huynh nên có kế hoạch rõ ràng để con em được vui chơi nhưng vẫn dành thời gian ổn định sinh hoạt trước khi đi học trở lại. “Khoảng 2 ngày cuối kỳ nghỉ Tết, phụ huynh nên tập dần thói quen cho con mình học tập như những ngày đi học trước đó. Tránh thức quá khuya, dậy muộn do mải vui chơi. Như vậy, đến ngày nhập học, các em sẽ thích nghi nhanh. Nếu không, trạng thái rề rà kéo dài, gây ảnh hưởng rất lớn đến học tập của các em”.
 
Theo Duy Anh
ANTĐ