“Không giảng dạy, không nghiên cứu mà vẫn dùng danh xưng giáo sư là không ổn”

(Dân trí) - Các GS, PGS đã nghỉ hưu, hoặc đã chuyển vị trí làm việc sang lĩnh vực không còn tiếp tục hoạt động giáo dục và khoa học (làm ‘quan’ chẳng hạn), theo qui định của Luật giáo dục hiện hành (Điều 71) thì “GS, PGS là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học”. Như vậy, những người này đương nhiên không còn giữ chức danh GS, PGS mà ta vẫn gọi họ bằng danh xưng GS, PGS là không ổn.

Đó là ý kiến của GS.TS Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Dân trí về việc Giáo sư nên là chức danh hay chức vụ và bầu Hội đồng giáo sư các cấp sắp tới.

Giáo sư - nên là chức vụ nghề nghiệp

Phóng viên: Thưa ông, giáo sư, phó giáo sư hiện nay nên hiểu là chức danh hay chức vụ nghề nghiệp?

GS.TS Trần Đức Viên: Nếu GS là chức danh thì giáo sư là một sự ghi nhận, sự tôn vinh của xã hội, sự vinh danh của nhà nước cho một cá nhân dựa trên bộ tiêu chí được nhà nước ban hành và được xã hội tôn trọng; và nhà nước đứng ra phong tặng chức danh (hay danh hiệu) này.

Danh hiệu này đi suốt cuộc đời người được phong tặng, và cũng không thể bị (nhà nước) tước bỏ, trừ trường hợp rất đặc biệt. Ở đây cũng không có chuyện bổ nhiệm chức danh.

Nếu ‘giáo sư’, ‘phó giáo sư’ là một chức vụ khoa học, thì phải được nhà nước hay cơ quan được nhà nước ủy quyền, có thể là cơ quan quản lý giáo dục cao nhất hay Hội đồng GS nhà nước, hay cơ sở giáo dục đại học, bổ nhiệm cho cá nhân nhà giáo, nhà khoa học trong thời gian giảng dạy ở trường Đại học đó, nếu họ hội đủ các điều kiện và tiêu chuẩn theo qui định (của nhà nước hoặc của nhà trường).

Khi họ về hưu, chuyển công tác khác, hoặc không xứng đáng nữa thì cơ sở giáo dục miễn nhiệm họ và tuyển chọn người khác để bổ nhiệm.

Cho đến nay, chúng ta vẫn xem GS, PGS vừa là chức danh, vừa là chức vụ, vừa phong tặng, vinh danh, vừa bổ nhiệm.

Hàng năm (trừ năm nay) Hội đồng Giáo sư nhà nước (HĐGSNN) tổ chức phong tặng, trao giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn cho các GS,PGS, sau đó các vị ‘đủ tiêu chuẩn và điều kiện’ này mới về lại các trường đại học làm thủ tục ‘xin’ bổ nhiệm, và (tuyệt đại đa số) được nhà trường bổ nhiệm.

Ở xứ ta còn có chuyện thật như bịa, ấy là phạm Luật một cách có tổ chức và liên tục kéo dài mà không ai bị xử lý, dù là phê bình, nhắc nhở.

Điều 71. Luật Giáo dục được Quốc hội khóa XI ban hành ngày 14 tháng 6 năm 2005 về giáo sư, phó giáo sư đã qui định “Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học”; thế nhưng những người đã nghỉ hưu, những người đã không còn đang giảng dạy và NCKH tại một cơ sở giáo dục đại học nào nữa vẫn được phong tặng và bổ nhiệm, nhiều vị vốn là người ‘đẻ’ ra Luật nay không còn tham gia giảng dạy hay NCKH nữa vẫn ‘vô tư’ để mọi người gọi mình là Giáo sư!

Những bất cập này đã tác động không nhỏ đến tâm lý xã hội.


GS.TS Trần Đức Viên - Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

GS.TS Trần Đức Viên - Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Vậy còn danh xưng của các nhà giáo, nhà khoa học này khi không còn là GS, PGS (đang giảng dạy và NCKH) nữa, thưa ông?

Tuyệt đại đa số các GS, PGS đã được Nhà nước phong từ trước đến nay đều rất xứng đáng, cả về phẩm chất và năng lực. Có người đã mất, có người tuổi cao, có người sức khỏe yếu, có người chuyển công tác nên không còn điều kiện để có thể tiếp tục làm công tác đào tạo và NCKH nữa; Nhưng họ vẫn được xã hội tôn trọng và cộng đồng các nhà khoa học cùng chuyên môn ngưỡng mộ và tin yêu, vì họ đã có những đóng góp rất xứng đáng cho đào tạo, cho khoa học, cho nhà trường và cho xã hội.

Các GS,PGS đã nghỉ hưu, hoặc đã chuyển vị trí làm việc sang lĩnh vực không còn tiếp tục hoạt động giáo dục và khoa học (làm ‘quan’ chẳng hạn), theo qui định của Luật giáo dục hiện hành (Điều 71) thì “GS,PGS là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học”. Như vậy, những người này đương nhiên không còn giữ chức danh GS,PGS mà ta vẫn gọi họ bằng danh xưng GS, PGS là không ổn.

Theo QĐ37, sẽ có các GS, PGS không còn đủ tiêu chuẩn sau mỗi lần rà soát, đánh giá (5 năm một lần), hay trường hợp được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học này khi chuyển sang làm công tác giảng dạy tại cơ sở giáo dục đại học khác nhưng cơ sở giáo dục đại học họ chuyển đến không có nhu cầu của chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức không thực hiện công tác giảng dạy, ví dụ như doanh nghiệp, thì có nên có một cái ‘danh’ nào đó cho họ và các GS, PGS đã nghỉ hưu không;như có gọi họ là “nguyên GS, PGS” hoặc chọn một từ nào đó phù hợp hơn không?

Ở các nước Âu - Mỹ có một danh xưng ‘Emeritus Profecsor’ (GS đã nghỉ hưu với hàm ý danh dự), việc họ có được cộng đồng khoa học của nơi họ làm việc và các đồng nghiệp cùng chuyên môn kính trọng và ngưỡng mộ ở mức độ nào là tùy thuộc vào chính năng lực khoa học và đạo đức nghề nghiệp của họ, nhưng Nhà nước cũng nên có một qui định nào đó mang tính “kim chỉ có đầu”, để họ có một danh xưng phù hợp, nhất là ở một đất nước còn nặng về sỹ diện (hão) như xứ ta.

Có lẽ là bản thân họ (các nhà khoa học thực sự) cũng vẫn cảm thấy tự hào, hãnh diện về danh hiệu ấy (Emeritus Profecsor hay một danh xưng nào tương tự như thế); còn những người không xứng đáng, thì cũng không vì thế mà ‘mất mặt’.

Vậy, theo ông, phải gọi như thế nào cho chuẩn?chức vụ hay chức danh?

Đúng ra phải gọi là ‘chức vụ’, danh xưng ấy phù hợp với thông lệ quốc tế; hơn nữa trên thực tế, GS hay PGS đều gắn với các nhiệm vụ cụ thể nào đó của cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH), với vị trí việc làm cụ thể của một Nhà trường.

Có người coi việc dùng danh xưng ‘chức danh’ là bước ‘lùi’ so với Quyết định 131-CP do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 29/4/1980… công nhận chức vụ khoa học (đợt I).

Tháng 3/2016 Trường Đại học Tôn Đức Thắng tự bổ nhiệm các chức vụ (position) giáo sư, phó giáo sư của họ; việc làm ấy, đã như một cơn “địa chấn”, gây ra bao cuộc tranh luận, phần nhiều là trái chiều, gay gắt. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Thực ra ở nhiều nước, việc bổ nhiệm chức vụ này là công việc bình thường của các trường đại học; và thậm chí là trường còn phân cấp cho các khoa, viện giống như phân cấp trong đào tạo vậy, xuất phát từ nhu cầu phát triển của khoa, xây dựng thương hiệu của Nhà trường...

Vì vậy, điều kiện và tiêu chuẩn là do mỗi trường, mỗi khoa xây dựng nên, phù hợp với quá trình phát triển của trường, của khoa, thể hiện đẳng cấp và văn hóa của mỗi khoa, mỗi trường, không có GS, PGS “cả làng”, cũng không có giáo sư “cấp nhà nước”.


Không tham gia giảng dạy thì không nên dùng danh xưng giáo sư?

Không tham gia giảng dạy thì không nên dùng danh xưng giáo sư?

Công nhận giáo sư - thực hiện như Tự chủ đại học

Nhiều ý kiến cho rằng, không nên tiếp tục duy trì Hội đồng giáo sư nhà nước như hiện nay vì như vậy đi ngược lại với xu thế của thế giới?

Tuy rằng, trên thế giới chỉ còn vài ba nước có có nền giáo dục đại học phát triển là còn tồn tại HĐGSNN, nhưng trong điều kiện cụ thể hiện nay của Việt Nam, chúng ta vẫn nên và cần duy trì HĐ này, để qui định những vấn đề chung nhất của việc xét, bổ nhiệm và miễn nhiệm, như việc xác định điều kiện và tiêu chuẩn tối thiểu (điểm “sàn”) chẳng hạn.

Nhưng cũng nên mạnh dạn thí điểm rồi sau đó giao quyền cho các cơ sở giáo dục đại học tự làm công việc xét và công nhận GS,PGS như cách Chính phủ đang làm với Tự chủ đại học vậy.

Công việc này cần phải được phân cấp mạnh mẽ hơn nữa theo tiến trình tự chủ; vì hiện nay chưa có qui định nào cho phép các trường được tự xây dựng bộ quy định tiêu chuẩn xét, bổ nhiệm chức vụ GS, PGS của CSGDĐH. Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học hiện nay mới chỉ được phép thực hiện quy trình bổ nhiệm các chức danh này.

Vậy, theo ông vấn đề này sẽ thực hiện thí điểm như thế nào?

Căn cứ để giao thí điểm có thể là đội ngũ (số lượng GS, PGS), năng suất khoa học (số lượng công bố quốc tế và tương đương, trong đó có NSKH của 5 năm liền kề), và nhất là sự tự nguyện và quyết tâm của cơ sở giáo dục.

Cách làm hiện nay mới chỉ thấy ‘bóng dáng’ tự chủ của các Trường qua việc giao quyền cho ‘người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học ra quyết định bổ nhiệm chức danh GS, PGS đối với ứng viên có đủ điều kiện” (Mục 4 Điều 27. “Trình tự xét bổ nhiệm chức danh GS, PGS”).

Theo tôi, điều đầu tiên để nhà nước có thể tin tưởng giao quyền tự chủ việc xét và bổ nhiệm các chức vụ GS, PGS là các cơ sở giáo dục này cần phải có dữ liệu khoa học về đội ngũ giảng viên của họ (TS, GS, PGS); để từ đó xây dựng hệ thống tính điểm xét công nhận GS, PGS của riêng họ. Ví dụ như 5 hay 4 điểm cho 1 công bố trên SCI, 3 hay 2 điểm cho SCIE, 2 hay 1 điểm cho Scopus, hội thảo quốc tế hoặc hội thảo trong nước có phản biện, ngôn ngữ sử dụng là tiếng Anh được 1 điểm… Có người cho rằng, ở các nước phát triển, các nhà khoa học không cần biết đến ISI, SCI, SCIE… điều đó có thể là đúng, vì ở các nước này, các tạp chí khoa học của các trường đại học danh giá đều là ‘tạp chí khoa học quốc tế’ cả rồi, ‘quốc tế’ chính là họ; còn ta, đang hội nhập, thì lại cần những ‘thứ’ này.

Ngay trong một trường, một khoa cũng phần phân định rõ các điều kiện và tiêu chuẩn của họ, ví dụ như thế nào là “nghiên cứu xuất sắc”, thế nào là “đóng góp xuất sắc”…

Bộ tiêu chuẩn của HĐGSNN chỉ là ‘khung pháp lý’ không đánh giá được chi tiết từng người xem họ có đạt chuẩn hay không và đạt chuẩn như thế nào; các trường, sau khi có ‘điểm sàn’ tùy theo điều kiện và thực trạng của mình, đưa ra các điều kiện và tiêu chí cao hơn, tùy thuộc vào từng ngành, không thể yêu cầu ngành lịch sử có điều kiện và tiêu chuẩn xét, bổ nhiệm, miễn nhiệm như ngành công nghệ sinh học ….

Nghĩa là tất cả các trường và các chuyên ngành đều phải xây dựng bộ tiêu chuẩn dựa trên khung tiêu chuẩn chung, đó là các tiêu chuẩn về giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đóng góp cho chuyên ngành, đóng góp cho trường, và đóng góp cho xã hội.

Mỗi ngành, mỗi trường sẽ có “điểm chuẩn” riêng để duy trì và khẳng định ‘tầm cỡ’ của một ngành khoa học, của một trường đại học. Khi ấy, chức vụ GS, PGS mặc nhiên được gắn với tên trường đại học, không còn là GS “cả nước” nữa; và chỉ khi ấy thì chức vụ GS, PGS mới thực sự gắn với vị trí việc làm, các cơ sở đào tạo bổ nhiệm, sử dụng các “vị trí việc làm” này, và việc các cơ sở giáo dục đại học miễn nhiệm các chức vụ này sẽ là điều bình thường, thể hiện vai trò tự chủ của cơ sở giáo dục đại học.

Nhiều trùng lặp giữa Hội đồng cơ sở và Hội đồng ngành

Về quy trình, trình tự thủ tục 3 cấp hội đồng còn khá nặng nề, gây khó khăn cho nhà khoa học, vì mọi người chưa thấy có sự khác biệt rõ nét giữa 3 cấp hội đồng?

Sắp tới (nghĩa là sau 5 năm nữa) cũng nên xem xét bỏ một số công đoạn không cần thiết vì có sự trùng lặp giữa HĐCS và Hội đồng ngành, liên ngành.

Thực ra, đánh giá báo cáo khoa học tổng quan và kiểm tra trình độ ngoại ngữ ở cả HĐGSCS và HĐ ngành đều rất hình thức, không thực chất; hình như chưa có ai bị trượt vì báo cáo khoa học tổng quan, còn trượt ngoại ngữ ở Hội đồng ngành, liên ngành rất ít, trừ những ứng viên quá lười, không chịu khó ôn luyện trước khi HĐ đánh giá trình độ ngoại ngữ, còn cứ chịu khó “học thuộc” là qua.

Hơn nữa, trình độ tiếng Anh của đa số các ứng viên trong các năm tới sẽ khác xa so với thế hệ cha anh họ, chưa dám nói là thậm chí ứng viên còn giỏi ngoại ngữ hơn thành viên Hội đồng.

Thiển nghĩ, khi đã có các tiêu chuẩn và điều kiện tường minh của các thành viên hội đồng và của các ứng viên rồi, nhất là các tiêu chuẩn về công bố quốc tế, thì cũng nên mạnh dạn giao công việc này về cho các trường, và đó mới là thông lệ quốc tế; khi đó có thể bỏ Hội đồng ngành, liên ngành.

Thời gian qua, đã có những hội đồng ngành/liên ngành để lại tai tiếng, chứ không phải hội đồng cơ sở. Người ta vẫn truyền tai nhau về Hội đồng liên ngành nọ, hầu hết thành viên Hội đồng không có công bố quốc tế, quá nửa thành viên Hội đồng không nghe nói thông thạo tiếng Anh, đã “dũng cảm” liên tục đánh trượt (bằng bỏ phiếu và một số qui định nội bộ chẳng giống ai) một số ứng viên có hàng chục công bố quốc tế và trình độ tiếng Anh của họ gần như tiếng mẹ đẻ.

HĐ Nhà nước khi ấy chỉ còn giữ vai trò thay mặt nhà nước, nếu cần, giám sát hoạt động của HĐGSCS, đề ra ‘luật chơi’ chung và các công việc chuyên môn khác. Có người lo rằng, Hội đồng cơ sở sẽ bình duyệt không nghiêm túc, do cả người xét và ứng viên đều là ‘người nhà’, trong khi tâm lý ‘một trăm cái lý không bằng một tý cái tình’ vẫn đang ngự trị, điều đó khó tránh khỏi.


Hội đồng giáo sư Nhà nước chỉ nên giữ vai trò là giám sát hoạt động của Hội đồng giáo sư cơ sở

Hội đồng giáo sư Nhà nước chỉ nên giữ vai trò là giám sát hoạt động của Hội đồng giáo sư cơ sở

Nhưng điều đó hoàn toàn có thể bị loại trừ khi chúng ta đã có được bộ các tiêu chuẩn và điều kiện của Hội đồng và ứng viên tường minh, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, trong đó công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế có uy tín là tiêu chuẩn bắt buộc, thưa ông?

Đúng vậy! Theo thông lệ quốc tế, thì việc xét phong GS, PGS là việc của các đại học (của HĐCS như ở ta), họ tự làm việc ấy theo nhu cầu của chính họ. Vì vậy, cần củng cố HĐCS trên cơ sở các tiêu chuẩn và điều kiện được quốc tế hóa với sự tư vấn, giám sát, kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn... của HĐGSNN.

Người ta mong là, 10-15 năm nữa công việc bình duyệt chức vụ GS, PGS là công việc thường niên của các CSGDĐH, không còn tồn tại Hội đồng ngành, liên ngành và thậm chí là cả HĐGSNN nữa.

Bộ trưởng có thể không phải là Chủ tịch HĐGSNN

Có ý kiến cho rằng, để phù hợp với thông lệ quốc tế cũng nên bỏ quy định bắt buộc Chủ tịch HĐGSNN là Bộ trưởng, ông thấy thế nào?

Đây là hoạt động nghề nghiệp, hoạt động chuyên môn của cộng đồng các nhà khoa học thì nên trao lại công việc này cho cộng đồng các nhà khoa học.

Nếu thật cần thiết (như để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối mọi hoạt động chẳng hạn), thì về mặt quản lý nhà nước, không thiếu gì cách để Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quản lý hoạt động này, ví dụ như Thủ tướng có thể ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quản lý hay giám sát hoạt động của HĐGSNN chẳng hạn.

Cố gắng tránh tối đa lối tư duy “hành chính hóa”, tránh biến hội đồng học thuật thành một thứ “cung bậc” của chính quyền, vì vậy chủ tịch Hội đồng từ cấp cơ sở đến cấp nhà nước nên là các nhà khoa học có uy tín cao, được cộng đồng khoa học trong nước và các nhà khoa học nước ngoài cùng chuyên môn kính trọng và thừa nhận.

Quy định chủ tịch Hội đồng các cấp là GS đầu ngành, rồi lại quy định Chủ tịch HĐ Nhà nước là Bộ trưởng, nghe không được thuận tai cho lắm, dù có thể các vị ấy với thành tích KH của mình, hoàn toàn xứng đáng, và còn hơn thế nữa, với chức danh GS chủ tịch HĐGSNN.

Đã không phải là một cấp hành chính, thì cũng bỏ luôn quy định các thành viên HĐ tham gia không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Ai vẫn đang hoạt động KHCN và giảng dạy, vẫn công bố quốc tế, vẫn được cộng đồng khoa học của họ tín nhiệm và ngưỡng mộ, vẫn đảm bảo sức khỏe về thể chất và tinh thần, thì việc tham gia hay không tham gia Hội đồng là việc của Hội đồng và của cá nhân nhà khoa học; và việc ‘có vào có ra’ của các vị thành viên Hội đồng các cấp có thể tiến hành hàng năm, không nhất thiết phải theo ‘nhiệm kỳ’.

Trong điều kiện hiện nay, chúng ta chưa vội phân chia các chức danh này thành 3 cấp Trợ lý Giáo sư (Assistant Professor), Phó Giáo sư (Associate Professor) và Giáo sư (Professor); và cũng chưa đến lúc phân chia thành 3 ngạch của chức danh này là nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ như nhiều nước tiên tiến đang làm.

Vậy, Nhà nước phải có một cơ chế giám sát?

Người ta thấy là, việc xét (sàng lọc, thẩm định) qua 3 cấp Hội đồng nghe rất chặt chẽ và tường minh; tiếc là trên thực tế có ứng viên có số điểm qui đổi cao gấp nhiều lần điểm tối thiểu vẫn trượt là do phiếu tín nhiệm không đạt.

Có người cho rằng, đây không phải là ‘phiếu tín nhiệm’ KH, mà là “phiếu vừa lòng”. Cơ chế nào xác định trách nhiệm của các cấp Hội đồng và của người thẩm định hồ sơ của các ứng viên? Cơ chế nào giúp cơ quan quản lý và xã hội có thể giám sát, kiểm tra, đánh giá qui trình và quá trình bỏ phiếu tín nhiệm?

Nên chăng, Hội đồng phải giải trình công khai lý do các ứng viên không được công nhận đủ tiêu chuẩn. Nếu được như thế, sẽ làm các ứng viên ‘trượt’, và cả xã hội nữa, tâm phục khẩu phục, vì rất công khai và dân chủ; hạn chế tối đa trường hợp giáo sư ‘dởm’ đánh trượt giáo sư ‘thiệt’.

Trân trọng cám ơn ông về cuộc trao đổi này!

Hồng Hạnh