Không đại học Ivy League nào đạt tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe tâm thần cho sinh viên

(Dân trí) - 8 ngôi trường danh giá thuộc khối Ivy League là những điểm đến lý tưởng cho sinh viên về học thuật. Tuy nhiên, một báo cáo mới đây của tổ chức Ruderman Family Foundation lại cho thấy những ngôi trường này thể hiện khá tệ trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho sinh viên.

Không đại học Ivy League nào đạt tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe tâm thần cho sinh viên - Ảnh 1.

Cả 8 đại học trong khối Ivy League đều không đạt tiêu chuẩn về sức khỏe tâm thần.

  

Cũng theo Tiêu chuẩn Hành động Vì Người Khuyết tật, Đại học Pennsylvania đạt điểm số cao nhất (D+) trong số 8 trường thuộc khối Ivy League về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho sinh viên.

Năm ngoái, một loạt các vụ tự tử của sinh viên đã gây chấn động tại các ngôi trường này. Tính tới tháng 2/2017, 5 sinh viên Đại học Columbia đã tự tử kể từ khi năm học mới bắt đầu. Tỷ lệ hành vi tự tử của sinh viên tại Đại học Harvard cao gấp đôi mức trung bình. Năm 2012, có tới 35% sinh viên Đại học Princeton cho biết họ gặp vấn đề về tâm thần sau khi nhập học tại đây.

Một điều hiển nhiên là cuộc sống tại Đại học – đặc biệt là tại 8 học viện đầy tính cạnh tranh như khối Ivy League – không phải điều dễ dàng. Tuy nhiên, theo rất nhiều sinh viên tốt nghiệp tại các ngôi trường này, việc học tập tại đây không còn chỉ là đòi hỏi cao độ về mặt tinh thần mà đã trở thành mức suy nhược về thần kinh.

Một khảo sát do Hiệp hội Sức khỏe Đại học Mỹ tiến hành năm 2017 cho thấy, 40% sinh viên đại học cảm thấy quá mệt mỏi tới mức việc tới lớp, dành thời gian với bạn bè hay thực hiện một số sinh hoạt cơ bản cũng trở nên quá khó khăn vào một thời điểm nào đó.

Sức khỏe tâm thần của học sinh trong độ tuổi teen và thanh niên Mỹ ngày càng tiến triển theo chiều hướng xấu đi trong những năm qua.

Theo Tiêu chuẩn Hành động Vì Người Khuyết tật của Mỹ, sinh viên đại học gặp khủng hoảng hoặc có vấn đề về tâm thần được pháp luật bảo vệ về một số quyền. Trong đó, các em được cung cấp chỗ ở và đảm bảo việc nghỉ học để chăm sóc sức khỏe sẽ không ảnh hưởng tới sự nghiệp học hành.

Báo cáo mới đây của Ruderman Family Foundation cho thấy không trường nào trong khối Ivy League đạt được những tiêu chuẩn này.

Điểm số của từng trường như sau: Đại học Pennsylvania: D+, Đại học Brown, Đại học Columbia, Đại học Harvard và Đại học Princeton: D, Đại học Cornell: D-, Đại học Dartmouth và Đại học Yale đồng điểm F.

Một nửa trong số 8 ngôi trường trên cấm sinh viên quay trở lại khuôn viên trường khi đang trong thời gian xin tạm nghỉ học (bao gồm nghỉ học để chăm sóc sức khỏe tâm thần). 5 trên số 8 ngôi trường đặt ra giới hạn tối thiểu về thời gian khi sinh viên xin nghỉ, bao gồm xin nghỉ học để chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Điều đó đặt sinh viên trước 2 lựa chọn: hoặc tính thời gian xin nghỉ ngắn ngày đó vào thời gian vắng mặt trên lớp, hoặc chọn nghỉ dài – đồng nghĩa với việc các em sẽ bị tụt lại khá xa với bạn bè về mặt bài vở. Những quy định trên của các trường đã vi phạm Tiêu chuẩn Hành động Vì Người Khuyết tật của Mỹ.

Theo Tiến sĩ Heyman – thuộc Ruderman Family Foundation, sự cô độc là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới việc tự tử. Ông quan ngại rằng việc ngăn cản sinh viên được ở cùng các bạn đồng trang lứa sẽ chỉ khiến tỷ lệ tự tử ở các em gia tăng.

Chủ tịch Ruderman Family Foundation – Jay Ruderman, cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng các trường Ivy League sẽ thay đổi chính sách để thực hiện trách nhiệm của họ trong việc hỗ trợ các sinh viên gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Điều này sẽ khuyến khích hàng trăm đại học và học viện khác trên toàn đất nước (Mỹ) có hành động tương tự”.

Minh Hương

(Theo Daily Mail)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm