Không công khai điểm thi đoạt giải HSG quốc gia: Bộ GD-ĐT lý giải vì sao
(Dân trí) - Liên quan đến việc không công bố điểm thi học sinh giỏi (HSG) quốc gia THPT 2021-2022 vừa qua, Bộ GD-ĐT nhiều người phản ứng và mong muốn công bố cả bài thi đoạt giải. Bộ GD-ĐT nói gì về điều này?
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố danh sách học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021-2022, nhiều giáo viên bất ngờ bởi năm nay không còn thấy phần thông tin điểm từng thí sinh.
Sự việc gây xôn xao trên nhiều diễn đàn bởi lẽ, không ai hiểu lý do vì sao lại như vậy.
Cũng nhân câu chuyện không công bố điểm thi, nhiều giáo viên đặt ra một số vấn đề, trong đó có cả việc công bố đáp án và bài thi của thí sinh đoạt giải.
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT chủ trương không công bố đáp án của các môn thi Khoa học xã hội. Câu hỏi là tại sao?
"Đọc kỹ đáp án của đề thi sau khi kết thúc công việc chấm thi, dù đó là kỳ thi ở cấp độ nào cũng là một cách học kiến thức và kỹ năng làm bài thi.
Ý nghĩa của việc đọc và học đáp án chấm đó không chỉ có tác dụng với học sinh sau khi thi mà còn có ích về chuyên môn với các giáo viên bồi dưỡng HSG.
Nói ngắn gọn, cả thầy và trò khi được đọc đáp án đều rất bổ ích, học được kiến thức và rèn được kỹ năng và phương pháp làm bài thi HSG", thầy Trần Trung Hiếu bày tỏ.
Cùng với việc công bố điểm thi của các thí sinh, thầy Hiếu cũng cho rằng cần thiết phải công bố công khai bài thi đoạt giải cao, bởi đây là nguồn tham khảo đối với thầy cô giáo đang giảng dạy, bồi dưỡng HSG và các em học sinh.
Bài thi đã đoạt giải HSG quốc gia của các thí sinh sau khi đã công bố điểm/giải liệu có phải là tài liệu nằm trong danh mục "bí mật quốc gia" không? Nếu không thì tại sao lại không công bố khi có rất nhiều ý kiến đề xuất?
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, chiều nay (29/3) chi tiết dữ liệu điểm thi HSG quốc gia đã được gửi về các tỉnh để các trường được biết.
Về việc dư luận đặt câu hỏi có nên công bố điểm cả các bài thi đoạt giải, đại diện Cục Quản lý chất lượng cho rằng, bài thi không phải là tài liệu nằm trong danh mục "bí mật quốc gia" nhưng lại là sản phẩm của cá nhân từng thí sinh nên Bộ không được phép tự công bố.
Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Anhxtanh Hà Nội cho rằng, ngoài việc công bố điểm số, nên chăng cần công bố cả đáp án để cuộc thi trở nên minh bạch hơn.
Về đáp án, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh ở Hà Nội cũng chia sẻ, kỳ thi chọn HSG quốc gia vô cùng quan trọng, đây là kỳ thi chọn nhân tài của cả nước, những học sinh ưu tú nhất sau đó sẽ đại diện đất nước tham gia tranh tài với thế giới, lẽ dĩ nhiên kỳ thi cần sự giám sát của toàn xã hội.
Việc công bố đáp án thể hiện tính minh bạch trong kiểm định chất lượng, tuyển chọn người xứng đáng, sẽ là nguồn tài liệu quý giá cho giáo viên và học sinh cả nước, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo hàng năm.
Đáp án khi được công bố công khai sẽ nhận được sự phản biện từ giới chuyên môn, qua đó thể hiện tinh thần cầu thị của cơ quan quản lý, cơ quan kiểm định, nâng cao hơn nữa chất lượng đề thi.
Một nền giáo dục phát triển phải dựa trên sự nâng cao tri thức của toàn bộ giáo viên, học sinh trên cả nước chứ không phải cục bộ tại một nơi nào đó.
Đối với các bài thi đoạt giải, thầy Hiền cho rằng, Bộ GD-ĐT không cần công bố hết nhưng có thể công bố bài thi xuất sắc nhất ở mỗi môn. Điều đó thể hiện tính công tâm và minh bạch, tính xứng đáng.
Thêm nữa, Bộ cũng cần tuyên dương những học sinh hoàn cảnh khó khăn nhưng đạt giải HSG quốc gia, điều mà trước nay Bộ chưa từng làm bởi giáo dục là noi gương. Những trường hợp như vậy sẽ truyền cảm hứng, động lực học tập cho rất nhiều thế hệ.