Ý kiến bạn đọc:

Không công khai danh tính thí sinh gian lận thì mọi chuyện sẽ “hòa cả làng”

(Dân trí) - Hôm nay, tôi có đọc một số bài viết trên báo chí, theo quan điểm đi tìm sự “bao dung” cho 44 “sinh viên” ở Sơn La và 64 “sinh viên” ở Hòa Bình (theo tôi lẽ ra nên gọi thẳng là sinh viên dỏm mới đúng) sau sự vụ gian lận điểm thi, và đề xuất không nên công khai danh tính của các sinh viên nói trên vì lý do “các em còn trẻ lắm, đường đời còn dài lắm”.

 Người ta cho rằng: “Các em sinh viên nói trên còn rất trẻ, mới chỉ 18, 19 tuổi, cuộc đời còn ở phía trước. Hơn một năm qua các em ắt hẳn cũng đã khổ sở vì sống trong lo lắng, ân hận, nhiều ông bố bà mẹ cũng sống trong nỗi giày vò vì thương con không đúng cách”.

Tôi tự hỏi, các em đã 18 tuổi rồi, là độ tuổi đủ chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật. Các em biết, thậm chí bắt tay với bố mẹ với “thương vụ chạy điểm”, nghĩa là có gan làm thì phải có gan chịu chứ.

Tôi nghĩ, hơn một năm qua, các em sống trong lo lắng vì sợ bị phát giác thì có, chứ đừng bảo các em ân hận. Rồi bố mẹ của các em cảm thấy lương tâm bị cắt rứt, giày vò vì thương con không đúng cách ư? Tôi hỏi đến bây giờ có em sinh viên nào, có ông bố bà mẹ nào hối lỗi và sửa sai bằng cách tự nguyện viết đơn xin rút lui không?

Ngay khi sự vụ manh nha được phát hiện, họ và con họ vẫn “trơ trẽn” nhập học cơ mà ! Họ chỉ chịu “khuất phục” khi các cơ quan chức năng, dùng máy móc công nghệ cao, mất gần nửa năm điều tra tỉ mỉ để bóc trần chân tướng, là họ đã dùng tiền, dùng quyền để “chạy điểm, cướp điểm” để có tấm vé cho con mình đỗ vào các trường đại học danh tiếng.

Họ giày vò ư? Nếu mọi chuyện trót lọt, con họ sẽ vẫn cứ chễm chệ ngồi ghế giảng đường, rồi tốt nghiệp và đi làm mà như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Họ ân hận, cắn rứt lương tâm ư ? Nếu thuận buồm xuôi mái, con họ ra trường rồi lại “ngựa quen đường cũ”, tiếp tục dùng tiền để xin, để mua vào những chiếc ghế, những vị trí ngon lành của Nhà nước, rồi lên phó phòng, trưởng phòng và tiếp tục là những “ông này bà nọ” lòe loẹt nhân gian.

Đừng công khai danh tính các sinh viên dỏm cho bọn trẻ làm lại cuộc đời ư? Thế ai sẽ làm lại cuộc đời cho những đứa trẻ đã học thật, thi thật mà bị rớt một cách oan uổng, bị cướp mất cơ hội vì những kẻ có quyền, có tiền?

Ai đi học mà không nhớ câu thơ của nhà thơ, nhà văn Nguyễn Đình Thi: “Bát cơm chan đầy nước mắt? Bay còn giằng khỏi miệng ta” trong bài thơ Đất nước? Ai sẽ khóc thương cho bọn trẻ 12 năm miệt mài đèn sách, để được trở thành bác sĩ, kỹ sư, hoặc chí ít là cô giáo thầy giáo, thì tất cả lụi tàn vì những sinh viên dỏm trên cướp mất?

Lại nói, 44 “sinh viên dỏm” ở Sơn La và 64 “sinh viên dỏm” ở Hòa Bình ấy, nào có phải chỉ chạy 1 điểm, 2 điểm đâu. Có em thi 3 môn không có điểm nào mà nâng lên thành thủ khoa với 26,5 điểm cơ. Có em còn lên báo chia sẻ bí quyết và cách học để thi đại học đạt điểm cao cơ. Các em có thể “dày mặt” thế mà bảo các em đang rất ân hận nghe thật khó lọt vào tai.

Quy chế tuyển sinh đại học, mức cộng thưởng cao nhất cho những thí sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, cho con em những người có công với cách mạng, cho học sinh dân tộc miền núi, nên nhớ tối đa chỉ có 2,75 điểm. Đằng này chỉ cần có tiền, các em “sinh viên dỏm” được “thưởng" đến... 26,5 điểm.

Còn đâu là công bằng, là luật pháp nghiêm minh?

Thế nên chẳng có lý do gì để phải sợ, phải ngại khi công khai danh tính thí sinh gian lận cả, vì nếu không mọi chuyện sẽ “hòa cả làng”, và rồi mở đường cho những người khác khi có cơ hội sẽ sẵn sàng “biến không thành có”, “hóa méo thành tròn”.

Thế Nam

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm