Không còn chuyện điểm thi cao mà vẫn trượt!

(Dân trí) - Với đột biến trong khâu ra đề thi ĐH, Bộ GD muốn đạt mục tiêu phân loại thí sinh rõ nét hơn. Phổ điểm 5-6 dành cho những thí sinh có học lực trung bình khá trở lên, vùng phổ điểm 8-10 là cuộc đua tranh của những học sinh khá giỏi.

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí- Bộ GD-ĐT, với cơ cấu ra đề như vậy thì năm nay sẽ khó có tình trạng thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn trượt NV1.
 
Không còn chuyện điểm thi cao mà vẫn trượt! - 1
Với đề thi phân loại thí sinh rõ nét thì sẽ không còn chuyện điểm thi cao vẫn trượt ĐH.

Các trường “ngán” điểm chuẩn cao

“Đề thi dễ thì dẫn đến việc điểm chuẩn sẽ tăng cao. Bên cạnh đó việc phân loại thí sinh khó khăn hơn. Chính vì thế chúng tôi cũng không “khoái” điểm chuẩn quá cao” - PGS.TS. Nguyễn Hữu Tú, phó hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ.

Theo PGS. Tú thì đề thi cần đủ độ khó để phân loại thí sinh rõ nét. Việc đề thi dễ dẫn đến tính trạng trường không đánh giá được năng lực thực của thí sinh. Thậm chí có những em có trình độ cao hơn nhưng không thể hiện được mình ở những đề thi dễ.

Dẫn chứng về vấn đề này, PGS. Tú cho biết, trước kia dự thi vào trường Y lúc đó điểm chuẩn chỉ là 16-16,5 điểm nhưng chất lượng sinh viên khá tốt. Trong khi đó những năm gần đây điểm chuẩn của trường ĐH Y Hà Nội luôn ở mức rất cao nhưng số sinh viên đáp ứng được nhu cầu học và chuyên môn thì lại không có quá nhiều.

“Theo tôi thì đề thi cần có độ khó nhất định. Không nên dễ quá. Tuy nhiên cũng nhìn nhận một vấn đề là nếu đề thi khó thì thí sinh ở nông thôn sẽ chịu nhiều thiệt thòi, khó có thể đạt điểm cao”, PGS. Tú chia sẻ.

Thầy Tú giải thích: “Ở thành phố các em có thời gian ôn luyện nhiều, tiếp cận được nhiều dạng toán khó nên nếu đề thi khó thí sinh thành phố có lợi nhất. Trong khi đó thí sinh ở nông thôn không có cơ hội tiếp cận với việc ôn tập này nên chắc chắn sẽ làm bài sẽ không tốt bằng”

Cùng chung quan điểm trên, GS.TS. Nguyễn Hữu Dư - phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội tâm sự: “ Nếu chúng ta chỉ tính điểm 3 môn thi không nhân hệ số thì tổng điểm tối đa là 30. Nếu mức điểm chuẩn càng gần với cận 30 nhiều thì khả năng phân loại thí sinh càng thấp”

“Theo tôi thì nên cơ cấu đề thi theo hình thức 30-40-30. Nghĩa là 30% câu hỏi tương đối dễ dành cho tất cả các thí sinh, 40% tiếp theo dành cho những thí sinh có kiến thức vững chắc. Khoảng 30% còn lại dành cho những thí sinh thực sự xuất sắc. Với cơ cấu như vậy thì các trường sẽ dễ phân loại thí sinh hơn”, GS. Dự nhấn mạnh.

Hệ lụy của việc ra đề thi “khó”

Các chuyên gia tuyển sinh nhận định, nếu ra được đề thi để phân loại thí sinh tốt thì Bộ GD-ĐT đành phải chấp nhận với thực tế là điểm sàn có thể thấp hơn 13 điểm. Tuy nhiên điều được lại là khá lớn: Thứ nhất không còn chuyện thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt. Thứ 2, sẽ giảm thiểu hiện tượng 8 điểm/3 môn vẫn đỗ ĐH.

Bên cạnh đó các trường ngoài công lập sẽ phải có sự cạnh tranh khốc liệt hơn về chất lượng nhằm hút thí sinh có trình độ ĐKĐT để tránh việc tuyển thiếu chỉ tiêu. Đây rõ ràng là một việc làm cần thiết trong thời điểm hiện tại khi mà chất lượng giáo dục ĐH đang được xã hội mổ xẻ một cách khá gay gắt.

Theo GS.TS. Nguyễn Hữu Dư thì không nên quá quan trọng về việc điểm sàn cao hay thấp. Thậm chí điểm sàn ĐH là 10 điểm cũng chẳng sao miễn là kì thi được tổ chức nghiêm túc và phân loại được thí sinh.

Giải thích về vấn đề này, GS. Dư nêu ví dụ: Nhiều kì thi Olympic Quốc tế các thí sinh cách khá xa với mức tối đa nhưng vẫn nhận được huy chương vàng. Đến kì thi quốc tế họ còn dám chấp nhận như vậy thì tại sao chúng ta không đối mặt với thực tế đề thi khó thì điểm sàn sẽ thấp.

Cũng theo đánh giá của giới chuyên môn, nếu năm nay đạt được mức điểm sàn ổn định như năm 2009 thì Bộ GD-ĐT sẽ nhận sự chỉ trích từ phía xã hội khi mà “độ vênh” giữa kì thi tốt nghiệp THPT và kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ khá lớn. Qua đó hình ảnh về căn bệnh thành tích ở kì thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ được hiển thị rõ hơn.

Không những thế nó cũng sẽ là một minh chứng để khẳng định: Không thể sát nhập hai kì thi thành một vì tính chất của mỗi kì thi là hoàn toàn khác nhau.

Nguyễn Hùng

Dòng sự kiện: Kỳ thi ĐH, CĐ năm 2010

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm