Quảng Bình:

Không có nhu cầu, giáo viên vẫn bị “ép” đi học bồi dưỡng

(Dân trí) - Dù không có nhu cầu nhưng nhiều giáo viên tại huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) vẫn phải đăng ký đi học bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp bởi có công văn bắt buộc từ UBND huyện và cả Phòng Nội vụ huyện này.

Buộc hơn 1.000 giáo viên phải đi học

Bước vào năm học 2018 - 2019, Phòng Nội vụ huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã có công văn gửi hầu hết các trường học trên địa bàn yêu cầu lập danh sách giáo viên trong biên chế phải đăng ký bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, tiểu học và THCS.

Công văn này bắt buộc các giáo viên phải đăng ký lớp học bồi dưỡng đã khiến không chỉ hiệu trưởng các trường mà nhiều giáo viên vô cùng bức xúc.

Nhiều giáo viên tại huyện Tuyên Hóa cho rằng, việc bồi dưỡng chứng chỉ là dành cho những ai có nhu cầu thăng hạng hoặc cần chứng chỉ bồi dưỡng. Thế nhưng huyện Tuyên Hóa lại yêu cầu bắt buộc gần như 100% giáo viên trên địa bàn tham gia là không đúng.


Công văn của Phòng Nội vụ huyện Tuyên Hóa yêu cầu các trường lập danh sách giáo viên trong biên chế phải đăng ký bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, tiểu học và THCS.

Công văn của Phòng Nội vụ huyện Tuyên Hóa yêu cầu các trường lập danh sách giáo viên trong biên chế phải đăng ký bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, tiểu học và THCS.

Bên cạnh đó, việc bắt buộc tất cả các giáo viên đi học cũng có nhiều bất cập và bất hợp lý bởi có những giáo viên sắp nghỉ hưu. Nhiều giáo viên nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ cũng phải đăng ký đi học là trái quy định, gây khó khăn cho giáo viên. Chưa nói đến việc đi học tập trung ở huyện miền núi rất vất vả, liên quan đến việc phải tự túc phương tiện, chỗ ăn, nghỉ trong cả khóa học...

“Chúng tôi chưa có nhu cầu bồi dưỡng, thăng hạng mà ép buộc như thế là chưa hợp lý. Giáo viên hầu hết lại khó khăn, mà học phí tham gia học bồi dưỡng là gần cả 1 tháng lương. Tuyên Hóa là huyện miền núi nghèo, tổ chức bồi dưỡng hơn 1.000 giáo viên với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng liệu phù hợp không?” - một giáo viên bức xúc nói.

Không chỉ Phòng nội vụ huyện Tuyên Hóa có văn bản bắt buộc các giáo viên phải đăng ký bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp, trước đó, Chủ tịch UBND huyện này cũng có văn bản gửi các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn với yêu cầu tương tự.

Công văn của UBND huyện Tuyên Hóa
Công văn của UBND huyện Tuyên Hóa

Buộc tất cả giáo viên đi học là sai quy định?

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng Phòng nội vụ huyện Tuyên Hóa cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, việc giáo viên trong biên chế phải đi học bồi dưỡng là yêu cầu bắt buộc để chuẩn hóa chức danh nghề nghiệp. Theo ông Trung, huyện này có gần 1.100 giáo viên biên chế và đều phải bồi dưỡng.

“Đối với giáo viên sắp về hưu, mang thai... phía huyện Tuyên Hóa cũng đã liên hệ với Đại học Quảng Bình để trao đổi nhưng họ chưa trả lời nên huyện vẫn làm theo quy định”, ông Trung cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện Tuyên Hóa, người ký công văn gửi các trường học lại nói rằng, với các giáo viên gần về hưu, đang có thai hoặc nuôi con nhỏ thì không bắt buộc đi học. Ông Lợi cũng cho biết sẽ có công văn nói rõ từng đối tượng, đối tượng nào có lý do chính đáng và gần nghỉ hưu thì không bắt buộc nữa.

Về học phí 2,5 triệu đồng/1 học viên, ông Lợi cho hay, đây là quy định chung của tỉnh và Trường Đại học Quảng Bình, huyện chỉ liên hệ địa điểm dạy và lập danh sách.

Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Phòng Nội vụ huyện Tuyên Hóa.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Phòng Nội vụ huyện Tuyên Hóa.

Trao đổi về sự việc nêu trên, ông Hồ Vũ Thường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa nhận định, việc bắt buộc 100% giáo viên trong biên chế phải đi bồi dưỡng là không đúng. Các thông tư hướng dẫn là để giáo viên có nhu cầu đăng ký.

Ông Thường cũng thừa nhận, có nhiều giáo viên không có nhu cầu thăng hạng bởi không gắn với quyền lợi. Quyền lợi ở đây có thể là thay đổi bậc lương hay quy hoạch chức danh. Thế nhưng nhiều người không còn tăng được bậc lương hay quy hoạch chức danh nữa nên không thể bắt họ đi học.

Theo tìm hiểu, để thực hiện việc bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập. Vào tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định giao cho Trường Đại học Quảng Bình tổ chức bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức với các đối tượng: Giáo viên THCS hạng 1, 2 và 3. Giáo viên Tiểu học và mầm non hạng 2, 3 và 4.

Phía trường Đại học Quảng Bình sau đó đã có thông báo tuyển sinh và quy định mức học phí là 2,5 triệu/1 học viên, với chương trình bồi dưỡng 240 tiết.

Nhóm PV