Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển:

“Không chạy theo thành tích ảo"

"Việc đánh giá, kiểm tra, thi học kỳ trong từng năm học phải được làm nghiêm túc và thực chất hơn... Cần phải chấn chỉnh khâu coi thi và cải tiến việc ra đề thi" - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển khẳng định trước thềm năm học mới.

Thưa Bộ trưởng, trong năm học 2005 - 2006,  cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào mà các năm học trước chưa được giải quyết dứt điểm?

 

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhiệm vụ trọng tâm của thầy và trò cũng là dạy tốt, học tốt.

 

Tôi nghĩ không ai dám nói rằng nhiệm vụ này đã được giải quyết dứt điểm. Nhất là trong giai đoạn hiện nay khi mà yêu cầu nâng cao chất lượng đang trở thành nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của ngành giáo dục.

 

Dĩ nhiên, có một vấn đề hiện đang tồn tại dai dẳng. Năm học vừa qua tuy có cố gắng, nhưng chưa làm được mấy. Đó là hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm, học thêm. Năm học này, thầy và trò, cũng như nhà truờng, gia đình và xã hội có nhiệm vụ thực hiện nghiêm chỉnh ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và các quy định của ngành để chấm dứt tình trạng học sinh phải nộp tiền học thêm cho chính thầy, cô giáo của mình.

 

Mong muốn đánh giá kết quả học tập, phấn đấu của học sinh một cách khách quan, đúng thực chất, không chạy theo thành tích ảo cũng là một yêu cầu bức xúc hiện nay.

 

Năm tới là năm đầu tiên thực hiện việc bỏ thi tốt nghiệp THCS. Dư luận có nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng bậc THCS sẽ bị “thả nổi”. Bộ GD-ĐT sẽ có những biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?

 

Đúng là hiện nay trong ngành và trong dư luận xã hội đang có sự lo ngại như vậy. Do đó, chúng tôi đang khẩn trương xây dựng văn bản chỉ đạo để bảo đảm tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục THCS trong bối cảnh bỏ thi tốt nghiệp THCS.

 

Việc đánh giá, kiểm tra, thi học kỳ trong từng năm học phải được làm nghiêm túc và thực chất hơn. Trách nhiệm cá nhân của giáo viên và đặc biệt là trách nhiệm cá nhân của hiệu trưởng phải được quy định cụ thể.

 

Cán bộ quản lý giáo dục các cấp, trước hết là cán bộ thanh tra phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tập trung vào công tác thanh tra chuyên môn.

 

Ngay trong năm học này cũng như trong vài năm tới, nhất thiết phải đổi mới mạnh mẽ công tác kiểm tra, sao cho chuẩn đánh giá được bảo đảm, kết quả đánh giá được chính xác, công bằng, khách quan. Có như vậy việc bỏ thi tốt nghiệp THCS mới có ý nghĩa tích cực, vừa giảm nhẹ áp lực nặng nề của việc thi cử, vừa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Kết quả thi ĐH, CĐ trong mấy năm gần đây của phần lớn thí sinh rất thấp. Phải chăng, chất lượng dạy - học của thầy, trò ở bậc phổ thông có vấn đề? Mặt khác, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT lại rất cao. Phải chăng ở bậc phổ thông, chúng ta chưa tìm ra được phương thức đánh giá chính xác hơn?

 

Cách đây 2 năm, kết quả thấp của phần lớn thí sinh dự thi tuyển vào đại học đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình hình đã được cải thiện một bước trong 2 kỳ tuyển sinh mới đây.

 

Tuy nhiên, không nên chỉ căn cứ vào kết quả thi tuyển đại học để đánh giá chất lượng dạy và học của thầy và trò ở phổ thông. Đúng là giữa kết quả thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh vào đại học có sự chênh lệch khá lớn.

 

Điều này là do mục đích, yêu cầu của 2 kỳ thi khác nhau. Thi tốt nghiệp chỉ nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh ở một “ngưỡng” nhất định, xem có đạt hay không, còn thi tuyển sinh lại nhằm lựa chọn, sàng lọc một cách khá gắt gao.

 

Tuy nhiên, cũng có vấn đề trong việc tỷ lệ tốt nghiệp THPT quá cao ở một số địa phương, nhất là ở những địa phương còn gặp nhiều khó khăn về bảo đảm chất lượng giáo dục.

 

Ngay cả khi 2 địa phương có điều kiện tương tự như nhau, nhưng kết quả thi tốt nghiệp lại rất khác nhau, cũng là điều phải xem xét một cách nghiêm túc.

 

Nguyên nhân cũng đã được các báo phân tích nhiều, trong đó có một nguyên nhân chưa dễ khắc phục ngay được. Đó là bệnh thành tích, là sự nể nang, dễ dãi mang tính cục bộ, địa phương. Ở góc độ chuyên môn của ngành giáo dục, có thể nêu một số nguyên nhân. Đó là công tác thi chưa được chuẩn hóa, hiện đại hóa.

 

Trong vài năm tới, ngành giáo dục phải đổi mới mạnh mẽ công tác thi và kiểm tra theo hướng bảo đảm chuẩn đánh giá, nâng cao tính chính xác, công bằng, khách quan của kết quả thi và kiểm tra. Đồng thời cũng phải tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra ở tất cả các khâu của các kỳ thi.

 

Để phản ánh được chất lượng thực chất của việc dạy - học ở bậc phổ thông, theo Bộ trưởng liệu chúng ta có cần phải đổi mới khâu thi cử cũng như cách đánh giá? Nếu đổi mới thì đổi mới như thế nào?

 

Trước hết, cần phải chấn chỉnh khâu coi thi và cải tiến việc ra đề thi. Các địa phương và từng trường cần phải tổ chức thật tốt việc coi thi và chấm thi. Mọi giáo viên phải ý thức được việc coi thi chặt chẽ, nghiêm minh, chấm thi chính xác là lương tâm, là trách nhiệm đối với thế hệ trẻ, đối với nghề nghiệp. Để việc coi thi, chấm thi được tiến hành nghiêm túc, thì công tác thanh tra  phải được tăng cường.

 

Việc ra đề thi sẽ được cải tiến theo hướng phát huy tư duy sáng tạo của học sinh, khắc phục lối học vẹt, học thuộc lòng, hạn chế các câu hỏi mang tính “đánh đố”, đồng thời tăng cường trắc nghiệm khách quan.

 

Điều này có liên quan đến việc xây dựng ngân hàng câu hỏi và sử dụng công cụ hiện đại trong kiểm tra, đánh giá. Dĩ nhiên vẫn có tự luận. Vấn đề là phải kết hợp thật tốt trắc nghiệm khách quan với tự luận để bảo đảm tăng cường tính chính xác, toàn diện và khách quan trong đánh giá, loại trừ các yếu tố tiêu cực có thể nẩy sinh.

 

Cố gắng giảm bớt số kỳ thi, sử dụng tối đa các kết quả kiểm tra, đánh giá định kỳ trong suốt năm học thay cho việc đánh giá bằng một kỳ thi.

 

Đây sẽ là những đổi mới quan trọng trong tiến trình đổi mới thi cử mà ngành giáo dục đã và đang triển khai trong giai đoạn 2001 - 2010.

 

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 

Theo Quý Hiên

 Tiền phong