Chương trình GDPT tổng thể:

Không cần phải có giáo viên chuyên dạy trải nghiệm sáng tạo?

(Dân trí) - Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Nhiều ý kiến đồng tình, đánh giá cao nhưng cũng có ý kiến băn khoăn về vị trí, vai trò cũng như cách triển khai hoạt động này trong nhà trường.

Để hiểu hơn về hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT.


PGS TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT.

PGS TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT.

Khi lời giải "thông minh" hơn người ra đề

PV: Hoạt động trải nghiệm sáng tạo không phải là hoạt động mới trong nhà trường. Tuy nhiên khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố, vẫn có một số ý kiến trái chiều hiểu chưa đúng về hoạt động này. Vậy, hoạt động trải nghiệm sáng tạo cần được hiểu như thế nào, thưa ông?

PGS Nguyễn Xuân Thành: Trước hết phải nhấn mạnh rằng, hoạt động trải nghiệm sáng tạo không phải là một môn học riêng biệt mà là hoạt động giáo dục gắn liền và đan xen với các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông.

Trong hoạt động trải nghiệm sáng tạo, học sinh được hoạt động thực hành trải nghiệm những kiến thức, kĩ năng đã học trong các môn học; đồng thời qua đó tiếp tục tìm tòi, mở rộng kiến thức và khả năng ứng dụng của kiến thức vào thực tiễn.

Tôi có thể nêu một ví dụ như sau, song song với việc học các kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học trong các môn học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, chúng ta có thể tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh như trải nghiệm trồng rau sạch.

Khi tham gia vào hoạt động trồng rau sạch, học sinh sẽ phải vận dụng kiến thức đã học trong môn Sinh học, Hóa học để từ đó nghiên cứu cách trồng rau sạch (khảo sát, cải tạo chất lượng đất trồng; chọn phân bón; cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh...).

Từ việc tham gia hoạt động trải nghiệm đó, các em sẽ được vận dụng kiến thức được học ở trong trường, qua đó học sinh được mở rộng, tìm tòi, sáng tạo hơn trong kiến thức. Tôi muốn nói thêm tại sao trải nghiệm lại gắn với sáng tạo? Khi đặt ra một yêu cầu trải nghiệm, học sinh phải hoạt động, phải hoàn thành một sản phẩm, và sản phẩm đó chính là kết quả hoạt động trải nghiệm.

Sản phẩm đó không theo khuôn mẫu nào, đó chính là sự sáng tạo của học sinh khi giải quyết vấn đề được đặt ra, theo một cách nào đó lời giải "thông minh" hơn người ra đề.

PV: Ông có thể phân tích về vai trò của Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong chương trình giáo dục phổ thông mới?

PGS Nguyễn Xuân Thành: Với nội dung và hình thức nêu trên, hoạt động trải nghiệm sáng tạo có vai trò quyết định đối với việc hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, cùng với việc áp dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực trong dạy học các môn học để học sinh được học qua hoạt động, "Hoạt động trải nghiệm sáng tạo" là cầu nối để học sinh "học qua làm" trong thực tiễn, từ đó mới giúp cho kiến thức "biến" thành năng lực.

Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều môn học có thể tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong cuộc sống như Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu tự nhiên ở cấp Tiểu học, các môn Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Vật lý, Hóa học, Sinh học ở cấp Trung học... Các môn đó đều có nhiều ứng dụng trong thực tế và học sinh cần phải được trải nghiệm để vận dụng kiến thức đã học được trong cuộc sống.


Để giúp các em học sinh hiểu và thêm yêu nét đẹp văn hóa dân tộc ẩn chứa trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam, trường Lomonoxop đã tổ chức Ngày hội gói bánh chưng cổ truyền ý nghĩa dành riêng cho học sinh và giáo viên nhà trường trong những ngày giáp Tết.

Để giúp các em học sinh hiểu và thêm yêu nét đẹp văn hóa dân tộc ẩn chứa trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam, trường Lomonoxop đã tổ chức Ngày hội gói bánh chưng cổ truyền ý nghĩa dành riêng cho học sinh và giáo viên nhà trường trong những ngày giáp Tết.

Không có ranh giới chính khóa hay ngoại khóa

PV: Có ý kiến cho rằng, hoạt động ngoài giờ lên lớp và hoạt động trải nghiệm sáng tạo có vị trí, vai trò và hình thức tổ chức khá thống nhất, nhưng có những điểm khác biệt. Ý kiến của ông như thế nào? Trong chương trình mới, có còn hoạt động ngoài giờ lên lớp hay ngoại khóa hay không?

PGS Nguyễn Xuân Thành: Tôi đồng ý với ý kiến trên, hoạt động trải nghiệm sáng tạo không hoàn toàn đồng nghĩa với hoạt động tham quan, dã ngoại. Tham quan, dã ngoại chỉ là một trong số rất nhiều hình thức của hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, hoạt động ngoài giờ lên lớp là hoạt động giáo dục nằm trong chương trình chính khóa với 6 nội dung giáo dục cơ bản là: Giáo dục truyền thống; Giáo dục ý thức học tập; Giáo dục ý thức và tình cảm với Tổ quốc, với Đảng, với Bác Hồ, với Đoàn, Đội; Giáo dục tình bạn, tình yêu và gia đình; Giáo dục hòa bình, hữu nghị và hợp tác; Mùa hè vui, khỏe, bổ ích và tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Các nội dung giáo dục trên được thực hiện trong các tiết Sinh hoạt dưới cờ; Sinh hoạt lớp; Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp theo chủ đề.

Trong hoạt động trải nghiệm sáng tạo của chương trình mới, những nội dung giáo dục nói trên sẽ được lồng ghép trong các chủ đề học tập trải nghiệm gắn với nội dung học tập trong các môn học ở cùng thời điểm. Điểm khác biệt căn bản là ở việc thiết kế nội dung hoạt động không nhằm trực tiếp vào những nội dung đó mà thông qua các chủ đề tích hợp để học sinh được trải nghiệm kiến thức có liên quan, nhất là các kiến thức trong các môn Khoa học xã hội như Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lí…

Như vậy, hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bao hàm những nội dung giáo dục trong hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp hiện nay, nhưng với phương thức thực hiện mới để đáp ứng yêu cầu cao hơn về chất lượng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.

Với phương thức này, sẽ không còn ranh giới "chính khoá" hay "ngoại khoá". Nội dung và phương thức thực hiện các tiết "sinh hoạt lớp", "sinh hoạt dưới cờ" cũng sẽ được đổi mới theo hướng tạo cơ hội để học sinh trải nghiệm trong tổ chức, chia sẻ, trình diễn kết quả hoạt động trải nghiệm đã thực hiện.

PV: Hiện nay có thực trạng là rất nhiều học sinh học rất tốt nhưng khi ra ngoài xã hội lại thiếu kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm... Vậy theo ông, hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ giúp các em hình thành nên những năng lực cần thiết nào?

PGS Nguyễn Xuân Thành: Thông qua hoạt động trải nghiệm, cho dù nội dung hoạt động liên quan đến kiến thức của môn học nào thì học sinh đều phải thực hiện bằng hành động; phải tìm hiểu, sử dụng các sản phẩm, công cụ và thiết bị trong thực tế; phải nghe, nói, viết, làm; phải giao tiếp, hợp tác với bạn bè, thầy cô và những người xung quanh để hoàn thành nhiệm vụ.

Qua đó học sinh sẽ được phát triển nhiều kĩ năng cần thiết, nếu chỉ dạy trên lớp thì không thể hình thành kỹ năng này. Nói chung, hoạt động trải nghiệm sáng tạo giúp học sinh hình thành rất nhiều kỹ năng để hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Giáo viên có thể làm tốt hoạt động trải nghiệm sáng tạo

PV: Thưa ông, với kết quả đầu ra khá đa dạng và khó xác định mức độ chung như vậy thì làm thế nào để có thể đánh giá kết quả hoạt động trải nghiệm sáng tạo?

PGS Nguyễn Xuân Thành: Hoạt động trải nghiệm sáng tạo hướng tới những sản phẩm cụ thể. Với mỗi chủ đề, tuy khác nhau về nội dung và hình thức thể hiện nhưng đều có một tiêu chí chung về mức độ vận dụng kiến thức, kĩ năng để hoàn thành.

Đánh giá hoạt động trải nghiệm sáng tạo được thực hiện qua các sản phẩm đó. Trong các ví dụ nói trên, chúng ta đều có thể thấy hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ được đánh giá thông qua các sản phẩm như video clip, bài trình bày, báo cáo và các sản phẩm cụ thể.

Không những thế, nếu có điều kiện thì không chỉ "chấm điểm" các sản phẩm mà yêu cầu học sinh thuyết trình và phỏng vấn, nếu có điều kiện thì thực hiện bằng Tiếng Anh (đã có một số trường thực hiện bằng Tiếng Anh) thì việc đánh giá sự phát triển về năng lực và phẩm chất được thực hiện chính xác, toàn diện hơn.

PV: Vậy muốn thiết kế các hoạt động trải nghiệm sáng tạo thật sự có giá trị cho học sinh, cần có những yêu cầu gì, cách thức tổ chức ra sao?

PGS Nguyễn Xuân Thành: Mục tiêu cao nhất là học sinh phải được tạo cơ hội để vận dụng kiến thức trong các môn học trong quá trình trải nghiệm của bản thân, không để học sinh thiếu sự chủ động, tích cực khi tham gia hoạt động.

Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải xây dựng được chủ đề phù hợp với nội dung học tập, khả năng của học sinh và điều kiện thực tiễn. Đối với mỗi hoạt động cần xác định rõ mục tiêu, nội dung, phương thức hoạt động và đặc biệt là phải mô tả rõ sản phẩm học tập mà mỗi học sinh phải hoàn thành.

Khi tổ chức hoạt động thì cần hết sức chú trọng việc giúp cho học sinh xác định rõ nhiệm vụ học tập trước khi thực hiện để đảm bảo mỗi học sinh hiểu rõ yêu cầu và chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện.

PV: Cho đến nay rất nhiều trường học trên cả nước đã triển khai hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nhưng chưa thực sự bài bản và khoa học. Ông có thể chia sẻ về việc làm sao để hoạt động này thực sự đem lại hiệu quả?

PGS Nguyễn Xuân Thành: Để việc triển khai hoạt động này một cách thiết thực và hiệu quả, cán bộ quản lí, giáo viên cần có nhận thức đúng về bản chất của hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Với nội dung và phương thức tổ chức như trên, chúng ta không nên hiểu là phải có giáo viên chuyên "dạy" trải nghiệm sáng tạo, bởi chủ thể trải nghiệm là học sinh và không "dạy" được. Giáo viên chỉ đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn học sinh thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện của học sinh.

Mỗi giáo viên và tổ/nhóm bộ môn có thể và có trách nhiệm tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ đề hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với yêu cầu của bộ môn. Trên cơ sở đó mỗi nhà trường căn cứ vào yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông xây dựng được các chủ đề hoạt động tích hợp, liên môn để tổ chức cho học sinh thực hiện.

Như vậy có thể hình dung với cơ cấu giáo viên như hiện nay, việc thực hiện các hoạt động trải nghiệm sáng tạo đã có thể được thực hiện tốt. Trong đó giáo viên các bộ môn tham gia xây dựng các chủ đề hoạt động, chịu trách nhiệm đưa ra mục tiêu, nội dung, phương thức và sản phẩm hoạt động; tham gia đánh giá kết quả hoạt động của học sinh.

Trong quá trình thực hiện hoạt động ở trong hoặc ngoài trường, nếu cần người hỗ trợ tổ chức thì nhà trường có thể cử các giáo viên, mời các chuyên gia, nghệ nhân, huy động sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương...

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Việt An (thực hiện)