Chương trình GDPT tổng thể: Cần tổng kết giáo dục một cách toàn diện
(Dân trí) - Cần tổng kết giáo dục một cách toàn diện trên cơ sở những quan điểm chỉ đạo Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đã ghi trong Nghị quyết 29-NQ/HNTW. Vấn đề giáo dục hiện nay không vội được, càng vội càng rối, bởi kinh nghiệm ngàn đời là "Dục tốc bất đạt".
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã đưa ra ý kiến góp ý về Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể mà Bộ GD&ĐT đang trưng cầu ý kiến.
Tổng kết giáo dục thật nghiêm túc thì mới thấy lối đi sắp tới
Việc đầu tiên là nên dừng lại những công việc được gọi là ĐỔI MỚI (ví dụ năm nào cũng quy định lại việc thi tốt nghiệp phổ thông), để cho hoạt động Dạy và Học tạm ổn định, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như lãnh đạo Bộ, các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách cùng với dân chúng có thời gian suy nghĩ, đánh giá cho đúng thực trạng giáo dục về mọi mặt.
Cần tổng kết giáo dục một cách toàn diện trên cơ sở những quan điểm chỉ đạo Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đã ghi trong Nghị quyết 29-NQ/HNTW. Vấn đề giáo dục hiện nay không vội được, càng vội càng rối, bởi kinh nghiệm ngàn đời là Dục tốc bất đạt.
Tổng kết giáo dục thật nghiêm túc thì mới thấy lối đi sắp tới.
Đổi mới giáo dục là sự nghiệp cách mạng giáo dục, được tiến hành với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở triết học, cơ sở thực tiễn và phải dựa vào cơ sở khoa học, trong đó có khoa học giáo dục, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học nhân văn.
Tôi có cảm tưởng rằng, rất nhiều thay đổi (mà được gọi là Đổi mới) trong giáo dục thường chẳng dựa vào nghiên cứu khoa học, nhất là những nghiên cứu về khoa học giáo dục, về con người và sự phát triển con người Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Không dựa vào kết quả nghiên cứu cụ thể, mà lại dựa vào ý chí chủ quan, dựa vào những quan niệm lỗi thời, dựa vào lối tiếp thu cách hiểu và cách làm giáo dục của nước ngoài một cách cứng nhắc và không chọn lọc (và dựa vào ý kiến của không ít người được gọi là chuyên gia giáo dục nhưng thật ra là những người ít hiểu biết về lĩnh vực này) thì nhiều khi Đổi mới chỉ là thay đổi tùy tiện, thiếu trách nhiệm.v.v…
Chẳng hạn, năm nào ta cũng thay đổi cách thi tốt nghiệp. Nhưng vì sao cứ phải thay đổi hàng năm khi chưa tổng kết được những vấn đề:
- Kỳ thi mang lại lợi ích gì cho trẻ em (đối tượng đi thi), cho cha mẹ chúng, cho xã hội?
- Kỳ thi hướng vào mục đích gì, vì quyền lợi của dân, vì sự phát triển con người hay vì sự tiện lợi và lợi ích của nhà quản lý?
- Kỳ thi mang lại tác động gì tới xã hội về các phương diện làm tăng chất lượng đào tạo, động viên trẻ em học hành, được xã hội đồng thuận hay phân tâm?
5 vấn đề cần thay đổi
GS.TS Phạm Tất Dong nhận định, chương trình có tính chất mới, tính khoa học hơn so với những chương trình trước đã từng được đưa ra lấy ý kiến. Điều này ai cũng thấy rõ và trân trọng. Tuy nhiên, GS.TS Dong đã đưa ra 5 lưu ý trong dự thảo:
1. Chương trình này vẫn hao hao chương trình trước đây: thể hiện rõ nhất là ở quan điểm chỉ đạo xây dựng chương trình, việc bảo lưu tên những môn học, sự lý giải một số vấn đề và giải thích vấn đề (giải thích sai từ lần trước, nhưng lần này vẫn giữ nguyên cách giải thích).v.v…
Cái ấn tượng của tôi về chương trình này có thể được tóm tắt như sau:
- Người lớn hóa thế hệ trẻ, đòi hỏi ở trẻ nhiều điều mà chính người lớn cũng khó có thể thực hiện.
- Phức tạp hóa nội dung giáo dục và giảng dạy thế hệ trẻ, làm cho nhiều vấn đề vốn đơn giản thành khó thực hiện.
- Kỳ vọng quá lớn nhưng điều kiện thực thi lại rất hạn chế.
- Đại học hóa chương trình giáo dục phổ thông.
- Tầm thường hóa công tác nghiên cứu khoa học.
- Tuy tuyên bố định hướng phát triển năng lực người học nhưng chương trình nặng về nhồi nhét kiến thức, tăng áp lực lên trí nhớ và vẫn xa lánh quan hệ Học – Hành.
- Muốn hướng nghiệp, nhưng chương trình lại là hướng ngành, coi nhẹ giáo dục lao động, con đường liên thông từ học đường sang lao động xã hội không được mở ra, tinh thần thực học, thực nghiệp, hướng nghiệp, khởi nghiệp rất mờ nhạt.
2. Đòi hỏi quá cao đối với việc học của trẻ em
Đề nghị bỏ các môn học tự chọn ở Tiểu học. Một đứa trẻ 6 – 10 tuổi hiểu gì về các môn học mà tự chọn nội dung cần cho mình (nội dung giáo dục địa phương). Bọn trẻ này chưa có tầm nhìn ra ngoài làng xã của nó, biết địa phương có vấn đề nào nó cần được biết. Có lẽ, chúng phải nhờ cha mẹ chọn.
Bỏ môn Thế giới công nghệ ở Tiểu học. Với trình độ “chưa sạch nước cản” về 4 phép tính cộng, trừ, nhân, chia thì hiểu sao một công nghệ, hơn nữa lại là Thế giới công nghệ. Mà, các nhà soạn chương trình có hiểu đầy đủ về thế giới công nghệ hiện đại hay không? Nếu không hiểu thì chọn kiến thức, kỹ năng gì từ cái thế giới công nghệ bao la này, nhất là cái thế giới công nghệ do Industry 4.0 đang tạo ra, để đưa vào chương trình.
Ở cấp trung học cơ sở, nên dạy cho trẻ em về kỹ thuật sản xuất, làm quen với các kỹ thuật (với những công cụ, thiết bị cần thiết hàng ngày), liên quan tới nghề nghiệp và các gia đình đang làm: kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, kỹ thuật sản xuất công nghiệp, kỹ thuật xây dựng.v.v… Thông qua dạy kỹ thuật với các công cụ, thiết bị hiện đại mà trên thực tế đang sử dụng mà truyền đạt tinh thần công nghệ (các quy trình đổi mới sản phẩm trên cơ sở sử dụng kỹ thuật để làm ra hàng hóa có thương hiệu), tinh thần khởi nghiệp.v.v…
Nên giảng dạy công nghệ thông qua kỹ thuật, nghĩa là đứng trên những nguyên lý cơ bản của việc tìm ra những phương pháp nhằm sáng chế, phát minh, tức là tìm ra các Know – how (gần như xưa dạy theo tinh thần kỹ thuật tổng hợp), đặc biệt là gợi ý khởi nghiệp (tìm ra công việc mới) và lập nghiệp (tạo việc làm, tạo nghề cho bản thân).
3. Bỏ yêu cầu viết chuyên đề học tập khi học môn tự chọn ở lớp 11 và 12. Mỗi chuyên đề được dành 15 tiết. Nếu mỗi tiết là 45 phút thì 15 tiết viết chuyên đề có 675 phút, tức là 11h05. Thì giờ này chưa đủ để sao chép một vấn đề nào đó, có gì đáng gọi là một hoạt động học tập mang tính độc lập nghiên cứu.
4. Rà soát lại những định hướng nội dung giáo dục, bỏ đi những yêu cầu không cần thiết, những đòi hỏi không thực tế, đề ra mà không làm được hoặc không cần đặt ra ở trường phổ thông.
Vấn đề này quá nhiều, tôi chỉ nêu làm ví dụ:
● Về dạy tin học, ở Tiểu học thì chỉ cần cho các cháu biết một số phần mềm đơn giản để qua đó giúp các cháu khai thác một số kiến thức mới theo hướng dẫn của giáo viên. Với những nơi có máy tính bảng, giúp các cháu dùng máy tính thay cho sách vở, không việc gì phải dạy về nguyên tắc bảo vệ, giữ gìn sức khỏe khi sử dụng thiết bị tin học.
Ở các lớp Trung học cơ sở, việc sử dụng máy tính là để phục vụ việc học trên lớp và tự học ở nhà, chưa nên tính đến việc chia sẻ thông tin, hợp tác trong bối cảnh kinh tế tri thức.
Ở Trung học phổ thông, có cần phải đi vào khoa học máy tính hay không? Hình như với sinh viên các khoa học xã hội, khoa học sư phạm…., người ta cũng chỉ cần biết sử dụng máy tính để phục vụ học tập, nghiên cứu khoa học chứ không đi vào khoa học máy tính.
● Về giáo dục nghệ thuật: Nói thì to như vậy, nhưng thực chất là dạy Nhạc và Hát, dạy Vẽ và một số bài Thủ công. Dùng thuật ngữ “giáo dục nghệ thuật” là không đúng với nghĩa của lĩnh vực lớn lao, đòi hỏi quá trình đào tạo hết sức công phu và tốn kém.
Với trẻ em, ca hát, nghe nhạc, tập xướng âm, tập nhảy có nhịp điệu theo máy chơi nhạc thì được. Còn đặt ra là chơi các nhạc cụ (không có trường nào đủ nhạc cụ dạy trong trường phổ thông) và sáng tạo âm nhạc thì theo tôi, là ảo tưởng. Giỏi lắm, thầy cô giáo dạy hát và giúp học sinh tập xướng âm cũng chỉ nắm phần nào nhạc lý, có kỹ năng giúp học sinh hát đúng, nhảy đúng thôi. Họ không phải là người có tác phẩm do họ sáng tạo nên dạy sáng tạo âm nhạc làm sao được.
Hơn nữa, sáng tạo âm nhạc phụ thuộc tâm hồn con người. Không đủ trình độ thể hiện sự rung động của tâm hồn qua nốt nhạc thì sáng tạo là điều mong muốn mà thôi.
Ở Trung học phổ thông, giáo dục âm nhạc để hát tập thể thật đều và đúng đã khó, làm sao mà động tới yêu cầu về hợp xướng, hòa tấu nhạc cụ, khiêu vũ, sáng tác. Việc này chỉ có các nhóm nhỏ cùng sở thích, tổ chức tập luyện cùng nhau thì được, tức là xuất hiện một nhóm thể dục nhịp điệu, nhóm ghi – ta, nhóm chơi organ.v.v…, chứ không thể có hợp xướng (phối âm, phối khí, phân bè hát…), hoặc biểu diễn nhạc cụ (đàn giây, đàn hơi, kèn, sáo, bộ gõ…) của cả lớp (tức là của giáo dục âm nhạc do thầy, cô làm nên).
● Về giáo dục quốc phòng và an ninh, cá nhân tôi cho rằng, không nên có môn học này trong trường phổ thông. Quốc phòng và an ninh thuộc về vấn đề an ninh quốc gia, an ninh biên giới. Nó bao gồm rất nhiều lĩnh vực giáo dục và đào tạo khác nhau, về rèn luyện ý chí và sức khỏe, về nghĩa vụ người lính, về khí tài và về các kỹ thuật cần cho chiến tranh, cho đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài.
Trẻ con ngay từ đầu phải dạy cho những kiến thức về an ninh phi truyền thống, an ninh trong căn nhà mình sống, an ninh trong ngôi trường mình học, an ninh trên con phố mình qua lại. Học sinh phổ thông phải có kiến thức an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an toàn sức khỏe, an toàn trong lớp học và trong gia đình… Trẻ phải biết cách đề phòng với tệ nạn bạo lực học đường, bạo lực gia đình, tránh các vụ lộn xộn trên đường phố, trên xe buýt đưa các em tới trường.
Học sinh phổ thông chưa cần phải nắm lý thuyết về quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, phòng thủ dân sự, kỹ năng quân sự.
Nên giúp các em học xong lớp 12 sẵn sàng và tự nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự, sau đó về học nghề để sống với tư cách một công dân bình thường. Như vậy mới là giáo dục quốc phòng cho trẻ em.
GS.TS Phạm Tất Dong