Chương trình GDPT tổng thể: Sẽ tận dụng triệt để cơ sở vật chất, thiết bị sẵn có

(Dân trí) - Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được lấy ý kiến toàn xã hội để hoàn thiện, dư luận cũng bày tỏ sự băn khoăn về các điều kiện thực hiện chương trình, trong đó có điều kiện về cơ sở vật chất. Ông Phạm Hùng Anh, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giải thích rõ vấn đề này.

Sắp xếp, tổ chức lại thiết bị dạy học

PV: Thưa ông, dư luận đang băn khoăn về việc chuẩn bị cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Băn khoăn đó xuất phát từ thực trạng khó khăn về cơ sở vật chất ở một số địa phương hiện nay. Để đánh giá đầy đủ về thực trạng đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch khảo sát thiết bị trong các trường phổ thông hiện nay hay không?

Ông Phạm Hùng Anh: Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thức rõ vai trò của cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đối với quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, vị thế, Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khảo sát thiết bị dạy học ở tất cả các trường trên phạm vi toàn quốc và nhận diện được những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của từng cấp, từng địa phương.

Trên cơ sở đó, chúng tôi đã xác định được những trọng tâm ưu tiên đầu tư, trong đó có bổ sung thiết bị dạy học cho các địa phương trong thời gian tới theo lộ trình đổi mới chương trình và sách giáo khoa, nội dung này đã được thể hiện trong đề án Đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục phổ thông mà Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ.


Ông Phạm Hùng Anh, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ông Phạm Hùng Anh, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em, Bộ Giáo dục và Đào tạo

PV: Ông có nhắc tới Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục phổ thông và đã trình lên Thủ tướng Chính phủ. Vậy ông có thể thông tin về những trọng tâm ưu tiên đầu tư trong đề án này là gì?

Ông Phạm Hùng Anh: Những trọng tâm ưu tiên đầu tư của Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục phổ thông mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình lên Thủ tướng Chính phủ bao gồm:

Đầu tư xây dựng các phòng học thay thế các phòng học tranh tre, nứa lá, phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp nặng cho cấp học mầm non và tiểu học, trong đó ưu tiên các lớp đầu cấp của tiểu học.

Xây dựng bổ sung các phòng học còn thiếu trong đó ưu tiên cho cấp tiểu học; xây dựng bổ sung các phòng học bộ môn, phòng chức năng phục vụ học tập.

Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học các cấp theo lộ trình đổi mới chương trình và sách giáo khoa; mua sắm bổ sung thiết bị cho các phòng học bộ môn; mua sắm bổ sung thiết bị dạy và học ngoại ngữ, tin học, bàn ghế học sinh,….

Trong đề án cũng thể hiện rõ, việc đầu tư, mua sắm thiết bị sẽ do các địa phương thực hiện theo quy chuẩn, hướng dẫn mà Bộ ban hành.

PV: Để đầu tư mới toàn bộ thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình phổ thông đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn và khó thực hiện được ngay. Vấn đề tận dụng hiệu quả thiết bị sẵn có hiện nay là rất quan trọng. Qua khảo sát, ông đánh giá thế nào về chất lượng thiết bị dạy học hiện có và khả năng tận dụng để triển khai chương trình mới?

Ông Phạm Hùng Anh: Việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa tới đây tập trung chủ yếu là đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thức tổ chức dạy học.

Đối với các môn học có nhiều thiết bị dạy học, xét về mặt khoa học thì các thiết bị này cơ bản không thay đổi mà thay đổi ở đây sẽ là sắp xếp và tổ chức lại việc khai thác và sử dụng thiết bị cho phù hợp với các môn học.

Như vậy, trước hết các nhà trường cần rà soát lại thiết bị hiện có, chỉ mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu và sắp xếp lại cho phù hợp với các môn học chứ không phải mua sắm lại toàn bộ.

Việc mua sắm bổ sung cũng sẽ tính đến việc trang bị các thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin để phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ hiện nay.

Song song với đó là khuyết khích các nhà trường tổ chức cho giáo viên và học sinh tự làm thiết bị dạy học, vừa đáp ứng nhu cầu dạy và học, vừa nâng cao kỹ năng thực hành cho học sinh.

Xây dựng kế hoạch giáo dục khoa học - một giải pháp đảm bảo cơ sở vật chất

PV: Chúng ta nói tới việc tận dụng nhưng có một thực tế là ở một số trường thiết bị dạy học rất thiếu hoặc nếu có cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, chất lượng không còn đảm bảo cho việc dạy và học. Vậy, giải pháp là gì thưa ông?

Ông Phạm Hùng Anh: Qua khảo sát cho thấy đúng là một số trường trang thiết bị còn thiếu và đã hỏng nhiều, nhiều phòng học bộ môn chưa đạt chuẩn, những thiếu hụt này đã được Bộ đưa vào nội dung của Đề án, các tỉnh/thành sẽ đầu tư bổ sung cho các trường trong thời gian tới.

Để các trang thiết bị sử dụng được lâu bền, ngoài việc trang bị những thiết bị tốt, đúng quy chuẩn thì việc bảo quản và sử dụng của các nhà trường cũng hết sức quan trọng. Thực tế cho thấy, trường nào ban giám hiệu quan tâm, xây dựng quy chế bảo quản và sử dụng đúng quy trình thì nơi đó trang thiết bị sẽ tốt và bền.

Còn vấn đề đầu tư mua sắm, chúng ta biết việc đổi mới chương trình sẽ được thực hiện theo lộ trình từng năm, vì vậy việc mua sắm thiết bị cũng thực hiện theo đúng lộ trình của đổi mới chương trình và sách giáo khoa, có nghĩa khi áp dụng chương trình mới ở lớp nào thì mới trang bị thiết bị dạy học cho lớp đó và được thực hiện cuốn chiếu theo từng năm học, không mua sắm dồn dập cùng một lúc.

PV: Một trong những điểm mới được đánh giá cao của chương trình giáo dục phổ thông mới là chương trình được xây dựng theo hướng mở và có nhiều môn học mới, học sinh được phép lựa chọn để học tập. Điều này sẽ dẫn đến việc tự chọn môn học rất đa dạng, phong phú, có thể cùng một lúc, một buổi diễn ra nhiều hoạt động dạy và học khác nhau. Vậy cơ sở vật chất phải làm sao để đáp ứng việc chọn môn học cho học sinh?

Ông Phạm Hùng Anh: Như chúng ta đã biết, dự thảo chương trình mới sẽ có nhiều môn học tự chọn và tập trung ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Theo khảo sát của Bộ thì ở hai cấp học này, tỷ lệ phòng học trên lớp học trung bình trong cả nước khoảng 0,7 phòng/lớp (một vài nơi có tỷ lệ thấp hơn), trong khi đó hai cấp học này không bắt buộc học 2 buổi/ngày, vì vậy cơ bản phòng học được đáp ứng.

Ngoài ra, để tránh trường hợp có quá nhiều hoạt động diễn ra cùng một lúc, cùng một thời điểm thì việc lập kế hoạch giáo dục của nhà trường là hết sức quan trọng. Với một kế hoạch giáo dục khoa học, hợp lý và phù hợp thì việc sử dụng cơ sở vật chất hiện có sẽ hiệu quả.

Địa phương tích cực vào cuộc

PV: Rõ ràng để triển khai được chương trình mới bắt đầu từ năm học 2018 - 2019 (đối với lớp 1) vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện cơ sở vật chất. Ở đây vai trò của mỗi địa phương là rất quan trọng. Theo ông, các địa phương sẽ phải chủ động như thế nào trong việc cải thiện điều kiện học tập, điều kiện cơ sở vật chất của các trường học?

Ông Phạm Hùng Anh: Có 3 vấn đề chúng tôi muốn lưu ý với các địa phương:

Thứ nhất, các địa phương cần hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học. Trong đó, rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, quy mô phát triển giáo dục của địa phương để làm cơ sở cho việc đầu tư.

Thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó đảm bảo quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, đảm bảo hiệu quả đầu tư lâu dài.

Ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường học khi di chuyển, thu hồi các kho bãi, khu đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả; bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học; ưu đãi về chính sách đất đai để thu hút xã hội hóa đầu tư xây dựng trường lớp theo các quy định của Nhà nước.

Thứ hai, quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có. Tập trung rà soát, điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất hiện có của các cơ sở giáo dục.

Kiểm tra và giám sát việc lập kế hoạch, tổ chức quản lý sử dụng, sửa chữa và bảo quản cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục để đảm bảo khai thác và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Thứ ba, ưu tiên ngân sách địa phương, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất. Dành ngân sách thỏa đáng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục; thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu của ngành giáo dục.

Xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để triển khai thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại địa phương và bám sát lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Khuyến khích, huy động đến mức cao nhất mọi nguồn lực, các nguồn vốn trong dân cư, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các nhà đầu tư dưới nhiều hình thức (góp vốn xây dựng, hiến đất xây dựng, đầu tư xây dựng trực tiếp, cho vay vốn đầu tư xây dựng...) để góp phần giải quyết các khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục.

PV: Thưa ông, liệu rằng năm học 2018 - 2019 điều kiện cơ sở vật chất trong cả nước có sẵn sàng đáp ứng cho triển khai đại trà chương trình lớp 1 hay không?

Ông Phạm Hùng Anh: Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay, tỷ lệ học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày tương đối cao. Việc học 2 buổi/ngày không chỉ đối với học sinh lớp 1 mà còn ở tất cả các lớp thuộc bậc tiểu học.

Theo lộ trình năm học 2018 - 2019 sẽ thực hiện áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới đại trà với lớp 1. Hiện nay, các địa phương đang vào cuộc tích cực để chuẩn bị cho lộ trình này.

Vì vậy, năm học 2018 - 2019, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu học 2 buổi/ngày đối với lớp 1 và từng bước tiến tới áp dụng đại trà với từ lớp 2 đến lớp 5 trong những năm tiếp theo.

PV: Sau đại trà lớp 1, đổi mới chương trình sẽ tiếp tục ở các lớp học và cấp học tiếp theo. Ông có thể nói rõ hơn kế hoạch cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo để chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng như có lộ trình ra sao để giúp các địa phương có đủ thời gian chuẩn bị từng bước đáp ứng yêu cầu của chương trình mới?

Không phải đến thời điểm này vấn đề cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ cho đổi mới giáo dục phổ thông mới được đặt ra mà đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước.

Cụ thể, trong những năm vừa qua, Bộ đã tham mưu với Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các địa phương để tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, phổ thông như: chương trình kiên cố hóa trường lớp học, chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi, chương trình mục tiêu quốc gia…

Với sự hỗ trợ từ các chương trình, đề án của Chính phủ cộng với sự đầu tư của các địa phương, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục đã được cải thiện một cách rõ rệt. Tuy nhiên điều kiện cơ sở vật chất ở một số đại phương vẫn còn nhiều khó khăn.

Để chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu đổi mới, ngay từ đầu năm 2016 bộ đã phối hợp với 63 tỉnh/thành phố trong cả nước tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng của tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, dựa trên kết quả khảo sát và xác định các mục tiêu ưu tiên trong việc đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các nhà trường để đảm bảo điều kiện tối thiểu thực hiện chương trình.

Như tôi đã nói ở trên, Bộ GD&ĐT đã xây dựng Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm hỗ trợ các địa phương, nhất là các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

Với sự chuẩn bị như vậy, nếu các bộ, ngành, địa phương vào sát sao thì vần đề cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ không phải là vấn đề khó khăn.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Việt An